Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:09 (GMT +7)
Xe cứu hộ phải niêm yết thông tin, lắp camera giám sát
Chủ nhật, 21/07/2024 | 16:05:49 [GMT +7] A A
Hiện nay, hầu hết tại các tỉnh thành trên cả nước đều có các đơn vị cứu hộ giao thông. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể nên hoạt động này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông.
Nhiều bất cập
Nhiều người còn nhớ vụ việc đùn đẩy trách nhiệm khi bồi thường thiệt hại sau tai nạn giao thông xảy ra trên QL6 qua Hòa Bình năm 2019 khiến anh B (tài xế điều khiển xe cứu hộ) và anh T (chủ phương tiện được cứu hộ) tử vong.
Xe cứu hộ giao thông sẽ phải có dấu hiệu nhận diện, lắp thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát người lái xe. Ảnh minh họa: Tạ Hải.
Trong vụ việc này, Công ty Yến Nhi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề hỗ trợ vận tải đường bộ nhưng lại đứng ra mua xe cứu hộ giao thông và tiếp tay cho một người không có chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ điều hành xe hoạt động trái phép.
Đến khi xảy ra hậu quả chết người, không ai nhận trách nhiệm, khiến gia đình nạn nhân chịu thiệt hại lớn trong thời gian kéo dài.
Ông Bùi Xuân Duyên, Cứu hộ 116, Chi hội trưởng Chi hội cứu hộ giao thông đường bộ VN (Hội ATGT) cho biết, theo quy định, đơn vị kinh doanh dịch vụ cứu hộ phải kê khai, niêm yết bảng giá dịch vụ theo từng loại xe, quãng đường di chuyển và phải thu giá cước theo đúng giá kê khai. Nếu vi phạm sẽ bị liên ngành giao thông - tài chính xử lý.
Ngoài ra, thông qua kê khai giá cước và quãng đường di chuyển của phương tiện, doanh nghiệp sẽ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Duyên thực tế vẫn còn tình trạng xe cứu hộ tự phát, không đăng ký kinh doanh, trốn thuế hoặc một số đơn vị nhỏ lẻ còn hoạt động theo kiểu làm ăn chộp giật, tự ý tăng giá dịch vụ vào các thời điểm thời tiết bất lợi, gây bức xúc cho người dân.
Phải có nhận diện, lắp camera
Lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, để siết chặt quản lý hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ (một loại dịch vụ hỗ trợ vận tải), Luật Đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã bổ sung quy định về dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ.
Quy định mới đối với dịch vụ cứu hộ không chỉ giúp doanh nghiệp quản lý tốt phương tiện mà còn là cơ sở để các cơ quan quản lý hậu kiểm việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp (ảnh minh họa).
Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ giao thông phải được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã; phải bảo đảm ATGT, an toàn lao động trong quá trình thực hiện cứu hộ; không được sử dụng xe cứu hộ để kinh doanh vận tải hàng hóa.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định, xe cứu hộ giao thông phải có dấu hiệu nhận diện, niêm yết thông tin trên xe, gắn thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; tuân thủ quy định về trọng tải.
Trung tá Đào Việt Hà, Trạm trưởng Trạm CSGT Hàm Yên (Tuyên Quang) cho biết, xe cứu hộ tuy không phải là xe kinh doanh vận tải song lại phục vụ dịch vụ kinh doanh liên quan đến phương tiện.
Việc luật bổ sung những quy định mới là rất cần thiết, vừa góp phần đảm bảo ATGT, vừa tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng trong xử lý, điều tra các sự cố, tai nạn (nếu xảy ra).
Siết trách nhiệm quản lý của doanh nghiệp
Một chuyên gia vận tải cho biết, quy định tại 2 luật nói trên là cơ sở để xây dựng chế tài siết trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cứu hộ.
Các đơn vị này sẽ phải có trách nhiệm giám sát hành trình, tốc độ phương tiện cũng như hoạt động của người lái xe trong quá trình điều khiển xe cứu hộ tham gia giao thông thông. Từ đó, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các hành vi vi phạm.
Ông Bùi Xuân Duyên cũng cho rằng, những quy định về nhận diện, niêm yết thông tin sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng xe cứu hộ giao thông hoạt động trái phép, tự phát. Tuy nhiên, do các quy định trong luật còn chung chung, nên tại các văn bản hướng dẫn thực thi cần quy định thật cụ thể, chi tiết.
"Mặt khác, quy định lắp thiết bị giám sát hành trình không chỉ giúp doanh nghiệp quản lý tốt phương tiện mà còn là cơ sở để các cơ quan quản lý hậu kiểm việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp đang kê khai thuế dựa trên quãng đường xe chạy, bên cạnh bảng giá phù hợp với từng loại phương tiện", ông Duyên nói.
Theo ông Trần Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ABC, thời gian qua, dù chưa có quy định nhưng trung tâm đã chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để quản lý phương tiện. Ông Minh cho rằng, với các doanh nghiệp quy mô lớn, việc triển khai ngay khi luật có hiệu lực không vướng mắc, nhưng với các đơn vị nhỏ lẻ ít nhiều sẽ gặp khó khăn.
"Do đó, các chi hội cứu hộ địa phương cần phối hợp với lực lượng chức năng để tuyên truyền quy định mới đến các doanh nghiệp thành viên, tầm quan trọng và ý nghĩa của quy định", ông Minh kiến nghị.
Theo atgt.baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()