Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:18 (GMT +7)
Xây dựng vùng vải chín sớm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu
Thứ 5, 08/09/2022 | 08:17:09 [GMT +7] A A
Mã số vùng trồng đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc đối với hoa quả tươi nhập khẩu của nhiều quốc gia. Nhằm giúp nâng cao trình độ, kỹ thuật sản xuất an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho người nông dân, hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) đang triển khai mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS.
Từ năm 2019, phía Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn nhất về quả vải của Việt Nam đã tăng cường quản lý chất lượng vải, nông sản nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam thông qua việc quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và tăng cường kiểm tra, kiểm soát VSATTP, kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Còn ở các thị trường quốc tế khác, yêu cầu về kiểm dịch thực vật và VSATTP cũng ngày một nghiêm ngặt và khắt khe. Trong khi đó, diện tích của vải chín sớm Phương Nam gần như không thể mở rộng thêm, vì vậy muốn nâng cao giá trị và thương hiệu của sản phẩm này, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS được cho là một giải pháp quan trọng để tạo thế cạnh tranh của vải chín sớm Phương Nam trên thị trường quốc tế và trong nước.
Hệ thống, tiêu chuẩn OTAS là tiêu chuẩn có khả năng truy xuất và xác thực nguồn gốc trên cơ sở xuôi dòng và ngược dòng các sản phẩm, trong đó có mặt hàng nông sản. Việc xác thực theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS là điều kiện để đàm phán hàng rào kỹ thuật với các nước xuất, nhập khẩu, đặc biệt là thị trường châu Âu. Để được cấp mã số thì vùng trồng theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS các sản phẩm nông sản phải đáp ứng nhiều yếu tố, như: Được trồng tập trung, thuần loài, diện tích phù hợp; được áp dụng quy trình đồng nhất về canh tác, phòng trừ dịch bệnh, nhật ký đồng ruộng đầy đủ, đặc biệt là nhật ký về quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đã được cấp chứng nhận hoặc chứng minh được việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Triển khai mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS, người dân vùng trồng vải chín sớm Phương Nam sẽ phải thu thập thông tin vùng trồng, xác định tọa độ vùng trồng, thống kê tình hình sinh vật gây hại trên cây tại địa phương trong 3 vụ gần nhất, kiểm tra sơ bộ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, triển khai áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt.
Theo đó, trong tháng 8/2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Công ty CP OTAS Global tổ chức tiến hành đo đạc và lập bản đồ vùng trồng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu vùng trồng tập trung và rải rác; giám định sinh vật hại trong danh mục cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời tư vấn, hướng dẫn cụ thể với các cơ sở đã được cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói và sơ chế về yêu cầu kiểm dịch của nước nhập khẩu về ATTP, danh mục sinh vật gây hại bị cấm. Định kỳ hàng tháng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với đại diện vùng trồng, UBND phường Phương Nam, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và Phòng Kinh tế TP Uông Bí kiểm tra việc áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp, tình hình tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn OTAS về mã số vùng trồng. Định kỳ 1 lần/năm, chuyên gia OTAS kết hợp với chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật sẽ kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu quản lý vùng trồng theo hồ sơ đã được chuẩn hóa bằng hệ thống, tiêu chuẩn OTAS.
Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Chi cục sẽ tổ chức duy trì, vận hành hệ thống hồ sơ vùng trồng, kiểm tra, giám sát định kỳ về việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng; lấy mẫu kiểm nghiệm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, giám định sinh vật hại trong danh mục cấm… cập nhật dữ liệu lên hệ thống thông qua trang web (www.otasglobal.com); cấp tem truy xuất và phối hợp với các địa phương để xuất khẩu và phát triển thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Quản lý mã số vùng trồng theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS hiện đang được các quốc gia khó tính nhất trên thế giới như: EU, Australia, Nhật Bản… công nhận. Hệ thống, tiêu chuẩn này sẽ vừa giúp đảm bảo tính minh bạch trong việc truy xuất và xác thực xuất xứ nguồn gốc hàng hoá, vừa đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về các điều kiện kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OTAS, có nghĩa là sản phẩm đạt chất lượng cao, an toàn và bền vững nên luôn được các thị trường quốc tế chấp nhận. Từ đó sẽ giúp tối ưu hoá lợi ích của địa phương và nhân dân trong các hoạt động liên kết sản xuất, thương mại và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp an toàn. Trước mắt, việc áp dụng hệ thống, tiêu chuẩn OTAS sẽ được triển khai với quy mô 30ha, sau khi hoàn thiện sẽ triển khai mở rộng ra toàn vùng và đối với các loại cây ăn quả có thế mạnh khác của tỉnh.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()