Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:48 (GMT +7)
Xây dựng vùng đồng bào DTTS giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc
Thứ 7, 09/11/2024 | 05:24:18 [GMT +7] A A
Sau 5 năm thực hiện quyết tâm thư của Đại hội dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ III, nhiều cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS được triển khai, tạo sức bật mạnh mẽ khu vực này.
Với thu nhập 500-600 triệu đồng/năm từ sản xuất, chế biến miến dong và trồng cây quế, hồi, anh La A Nồng (dân tộc Sán Chỉ, xã Húc Động, huyện Bình Liêu) là một trong những điển hình tiêu biểu về làm giàu. Những năm gần đây, khi các chính sách cho vùng đồng bào DTTS được triển khai mạnh mẽ ở địa phương đã tạo thêm cơ hội cho anh Nồng cũng như nhiều hộ dân ở đây mạnh dạn làm giàu.
Anh Nồng cho biết: "Đồng bào DTTS được tiếp cận về vốn vay, kỹ thuật, hướng dẫn phát triển nông sản thế mạnh, như ở địa phương tôi là miến dong. Nhờ đó bà con cũng vững tin thi đua làm giàu. Đặc biệt những tuyến đường giao thông được đầu tư, tạo thuận lợi cho bà con buôn bán nông sản, kết nối bạn hàng".
Huyện Bình Liêu có nhiều người DTTS nhất tỉnh (96% dân số). Những hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như anh Nồng không ít. Đến nay thu nhập bình quân của huyện đạt 70,35 triệu đồng/người/năm, huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí của trung ương. Đầu năm 2024 Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong nước đạt chuẩn huyện NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS của tỉnh cũng có sự vươn mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện 64/64 xã vùng DTTS và miền núi trong tỉnh đạt chuẩn NTM; trong đó có 29 xã NTM nâng cao, 11 xã NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí của trung ương; thu nhập bình quân đầu người khu vực này đạt 73,3 triệu đồng/năm (tăng 29,6 triệu đồng so với năm 2020).
Cùng với phát triển kinh tế, nếp sống văn hóa được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS được giữ gìn và phát huy. Những giá trị văn hóa phi vật thể như: Nghi lễ cấp sắc của người Dao, Hội Soóng Cọ của người Sán Chỉ, thực hành Then của người Tày,… đã được nhận diện giá trị tiêu biểu của di sản, được Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 55 CLB văn nghệ truyền thống của vùng DTTS và miền núi được thành lập, thu hút đông đảo người dân tham gia; nhiều môn thể thao truyền thống của đồng bào DTTS tỉnh như đẩy gậy, đánh quay, đi cà kheo, ném còn, bóng đá nữ… đang phát huy giá trị.
Với quan điểm xuyên suốt luôn coi trọng công tác dân tộc và quan tâm chăm lo cho vùng đồng bào DTTS, tỉnh luôn dành nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, con người nơi đây. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Tỉnh ủy "Về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", cùng các chương trình MTQG khác, tỉnh đã bố trí trên 118.100 tỷ đồng để đầu tư cho khu vực này. Giai đoạn 2019-2024 tỉnh triển khai 842 dự án, công trình hạ tầng thiết yếu đầu tư vùng DTTS và miền núi, tạo sức bật quan trọng phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Kiên định mục tiêu nhân dân hạnh phúc, để mỗi người dân đều hưởng thành quả của sự phát triển, thời gian tới tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống với các vùng phát triển. Đồng thời củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, tinh thần chủ động, sáng tạo, vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Kết quả sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu DTTS tỉnh Quảng Ninh lần thứ III: - Thu nhập bình quân đầu người khu vực DTTS, miền núi, biên giới đạt 73,3 triệu đồng/năm. - Tỷ lệ hộ nghèo và hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. - Trên 90% số rác thải sinh hoạt của người dân tại các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được thu gom, xử lý theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. - 100% đơn vị xã vùng đồng bào DTTS&MN đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. - Tỉ lệ học sinh là người DTTS đỗ đại học, cao đẳng theo nguyện vọng đạt 90%. - 100% các cơ sở y tế tuyến xã vùng DTTS, MN, biên giới, hải đảo đều có bác sỹ; tỷ lệ đồng bào DTTS có BHYT đạt trên 98%. - 100% các thôn trên địa bàn tỉnh được phủ sóng điện thoại di động. - Giai đoạn 2019-2024 đã có 3.053 người DTTS được tham gia học nghề. - Toàn tỉnh hiện có 55 CLB văn nghệ truyền thống của vùng DTTS&MN, 19 người DTTS được công nhận là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. - Toàn tỉnh có 15.867 đảng viên người DTTS. |
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()