Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:25 (GMT +7)
Làm giàu từ cây dược liệu
Thứ 3, 22/11/2022 | 15:19:43 [GMT +7] A A
Ba Chẽ đã đưa ra kế hoạch thực hiện việc trồng mới 517 ha cây dược liệu trong giai đoạn 2021-2025. (trong đó ba kích 236ha, trà hoa vàng 230ha, dược liệu khác 51ha). Để đạt được kết quả này, đòi hỏi huyện phải có nhiều giải pháp hiệu quả.
Trước đây, người trồng rừng ở Ba Chẽ chỉ biết trồng keo quế, không biết trồng xen kẽ các cây dược liệu khác trên cùng một diện tích đất trồng, dẫn đến lãng phí đất. Keo khoảng 7 năm mới cho thu hoạch, còn quế thì mất đến hơn 12 năm. Do thời gian chờ đợi quá lâu đã dẫn đến việc nhiều người trồng vì cần tiền phải bán rừng non giá rẻ, mặt khác người trồng rừng lại không có khoản thu thường xuyên.
Ba Chẽ có diện tích đất lâm nghiệp gần 55.300ha chiếm 91% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Nhận thấy thế mạnh về đất rừng, huyện đã đề cao việc phát triển trồng rừng gỗ lớn và cây dược liệu có nguồn gốc từ rừng. Ba Chẽ có nhiều loài dược liệu có giá trị cao như: Ba kích, trà hoa vàng, nấm lim xanh, cát sâm... Tuy nhiên nguồn tài nguyên này ngày càng cạn kiệt trong tự nhiên từ nhiều nguyên nhân khác nhau, mà cần phải có sự tái tạo lại từ bàn tay con người.
Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp& Phát triển nông thôn huyện, trồng, bảo tồn và phát huy giá trị của cây dược liệu là một hướng đi quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế, thế mạnh của huyện. Trong đó ở nhiều xã, thôn, cây dược liệu thực sự là sản phẩm chủ lực. Năm 2022, các xã trên địa bàn huyện đã trồng hơn 60ha cây dược liệu, vượt hơn 100% kế hoạch của huyện gồm: Trà hoa vàng (18,62ha), ba kích tím (7,7ha), cát sâm (31,8ha), sâm cau đỏ (2,0ha). Năm 2023, huyện đã có kế hoạch trồng 150ha dược liệu, phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây dược liệu được trồng trên địa bàn huyện 517ha.
Để người dân tích cực bắt nhịp mạnh dạn đầu tư, những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân trong việc trồng và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu. Khi đầu ra đã ổn định, người dân mạnh dạn hơn tự tìm nguồn vốn để đầu tư chứ không phải chỉ trông vào nhà nước.
Anh Đàm Văn Triệu, thôn Khe Loọng Ngoài, xã Thanh Sơn, khi thời điểm huyện Ba Chẽ khuyến khích các hộ dân trồng trà hoa vàng, anh Triệu được sự động viên của bố đã quyết định chuyển đổi 3ha keo của gia đình sang trồng 2,5ha trà hoa vàng. Số diện tích rừng đồi còn lại, anh Triệu trồng ba kích, mây, cũng là những loài cây kinh tế rất phổ biến ở huyện Ba Chẽ.
Anh Triệu còn năng động đến huyện Tiên Yên mua con gà giống và luôn duy trì nuôi khoảng 1.000 con gà dưới tán trà hoa vàng. Đây là mô hình rất hiệu quả, bởi giữa cây trà hoa vàng và gà tương tác lẫn nhau, trà hoa vàng che bóng mát cho gà, gà nhặt cỏ bắt sâu dưới gốc và thải phân, bón cho cây trà. Từ cách làm này mà hàng năm anh Triệu đã bớt hẳn nhiều công đi thuê người về nhặt cỏ và chăm bón cho cây trà. Đàn gà của anh Triệu nhờ có bóng râm của cây trà mà hàng ngày được thả rông trên đồi, chứ không phải nhốt tránh nắng đến chiều mới thả ra như nhiều hộ chăn nuôi khác. Hàng năm, anh Triệu nuôi 2 lứa gà và bán vào dịp tết dương lịch và tết âm lịch, với giá bình dân khoảng 150.000 đồng/kg. Theo anh Triệu nguồn thu từ gà là phụ, nguồn thu chính của anh là trà hoa vàng.
Song song với quảng bá về cây dược liệu, hàng năm, huyện Ba Chẽ đều mở Hội trà hoa vàng để tôn vinh loài cây dược liệu này. Ba Chẽ đã đưa các sản phẩm Trà hoa vàng, Rượu ba kích... thành các sản phẩm OCOP. Rồi từ đó, huyện tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được tham gia các kỳ hội chợ OCOP của tỉnh và các địa phương ngoài tỉnh, để từ đó sản phẩm dược liệu Ba Chẽ đến được với du khách gần xa.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()