Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 23/01/2025 05:56 (GMT +7)
Xây dựng văn hóa Đảng để Đảng là đạo đức, là văn minh
Thứ 5, 23/01/2025 | 05:48:58 [GMT +7] A A
Văn hóa Đảng gắn liền với đạo đức cán bộ, đảng viên, với việc nêu cao tinh thần gương mẫu, sự rèn luyện lối sống, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, sự trung thực “nói đi đôi với làm”... Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng bắt đầu từ những việc thực hành xây dựng văn hóa một cách giản dị như vậy chắc chắn sẽ góp phần quan trọng để Đảng là đạo đức, là văn minh.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định xây dựng văn hóa Đảng là xây dựng văn hóa đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu cao tinh thần gương mẫu, thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trung thực, tiên phong trong mọi hoạt động và các phong trào. Có thể hiểu rằng, văn hóa chính là những giá trị nhân đạo, nhân văn; hệ giá trị chân - thiện - mỹ; có giá trị soi đường cho các hoạt động, những lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.
Bác Hồ nói rằng: “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tổ chức ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội. Vì vậy việc xây dựng văn hóa Đảng cũng chính là nền tảng tinh thần của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mà xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nội dung quan trọng Đảng ta đặt ra ngay từ khi thành lập, cách đây tròn 95 năm. Suốt chiều dài gần 1 thế kỷ tài tình, sáng suốt lãnh đạo đất nước đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng văn hóa Đảng, xây dựng những giá trị chuẩn mực được thể hiện trong các hoạt động của tổ chức đảng, mỗi đảng viên.
Theo tinh thần Đại hội XIII, phạm trù văn hóa Đảng khá rộng, bao gồm những phẩm chất liên quan đến trí tuệ, danh dự, lương tâm, đạo đức, văn minh... Thế nhưng không phải khi nào những phẩm chất ấy cũng được từng đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng ý thức thực hiện tốt, với tinh thần trách nhiệm cao. Tôi có nhiều lần đứng các lớp liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, khi hỏi những câu tưởng chừng đơn giản, nhưng ở lớp nào cũng vậy, không nhiều người trả lời được, dù chỉ là tương đối chính xác. Đó là 2 câu hỏi: Nước ta hiện có bao nhiêu tổ chức cơ sở đảng? Nước ta hiện có bao nhiêu đảng viên? Sau mỗi câu hỏi, hầu hết đều là những sự im lặng. Sau khi nhận thông tin, không ít người “đổ lỗi” cho... “giáo sư” Google, bởi bất cứ khi nào cần thông tin gì, chỉ cần vào trang tìm kiếm thông tin lớn nhất thế giới này và gõ vào cụm từ cần tìm kiếm, kết quả sẽ có, vì vậy “không việc gì phải nhớ nhiều cho nặng đầu”(?!).
Tôi cũng không ít lần đặt câu hỏi tại các lớp khác nhau rằng, đảng viên cần thực hiện mấy nhiệm vụ? Đa số các lớp cũng im lặng, có người dè dặt trả lời thì lại nhầm với 19 điều đảng viên không được làm, chứ không phải 4 điều như quy định tại Điều 2 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Có lần khi được mời tham dự buổi liên hoan nhân dịp một quần chúng ưu tú được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi có đùa rằng, tại sao trong buổi lễ kết nạp trang trọng, vinh dự như vậy đồng chí lại cầm giấy đọc lời tuyên thệ nhiệm vụ của đảng viên? Đồng chí đảng viên trẻ mặt ửng đỏ ngượng nghịu, lắp bắp hỏi: “Sao anh biết?”.
Đúng là việc đọc những lời xin thề tuyên thệ khi đứng trước lá cờ của Đảng, Quốc kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lễ kết nạp Đảng đầy trang trọng, vinh dự, không ít đảng viên đã có phần chưa thẩm thấu, chưa xác định chính xác, rõ ràng mục tiêu, lý tưởng khi trở thành đảng viên, cũng như khó có sự hiểu biết thấu đáo, sẵn sàng chấp hành nghiêm chỉnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của người đảng viên. Đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến tôi nhiều lần chứng kiến những câu chuyện đã kể ở trên. Thử hỏi, với những sự hiểu biết lơ mơ như vậy, mỗi đảng viên, tổ chức cơ sở đảng có thể đóng góp tích cực trong việc xây dựng văn hóa Đảng? Liệu những đảng viên như vậy có ý thức trách nhiệm trong mọi công việc khi được giao phó, có đủ tư cách, phẩm chất nêu cao tinh thần gương mẫu, có xứng đáng là tấm gương để quần chúng soi vào?
Rõ ràng, việc không chú trọng xây dựng văn hóa Đảng, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực liên quan đến việc hiểu biết sâu sắc về Đảng, việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tiên phong gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động và phong trào tại cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến thanh danh, uy tín của Đảng. Những biểu hiện rõ ràng, những ví dụ cụ thể không phải quá khó để nhận ra, tìm kiếm. Đơn cử như việc một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, giảm sút về uy tín, tha hóa về phẩm chất, năng lực đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín tập thể, niềm tin của quần chúng nhân dân...
Xin được nhắc lại lời dạy của Bác rằng: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Liệu có bao nhiêu cán bộ, đảng viên thường xuyên thực hiện lời dạy của Bác, đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày để trở thành ngọc, thành vàng? Hoặc chí ít, không trở thành ngọc, thành vàng, cũng không gây phương hại đến thanh danh, uy tín của Đảng, không làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng... Mỗi khi nghe, đọc những thông tin liên quan đến việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, liệu mỗi đảng viên, nhất là đảng viên có chức vụ, quyền hạn có giật mình xót xa, tự răn mình một cách nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc để chỉnh đốn bản thân, tránh xa những cám dỗ, cạm bẫy?! Những cụm từ được lặp lại trong các quyết định thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên, cụ thể là: “Vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước; làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương”... nghe mới thật đau xót xiết bao! Thử hỏi, văn hóa tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng của các cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đã bị xem nhẹ, buông lỏng, thậm chí bỏ qua đến mức độ như thế nào!
Hẳn nhiên rồi, khi mỗi đảng viên vi phạm kỷ luật, nhất là những đảng viên giữ chức vụ, những đảng viên đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, niềm tin của quần chúng nhân dân sẽ bị suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến thanh danh, uy tín của tổ chức đảng. Điều đó chắc chắn khiến văn hóa Đảng bị vẩn đục. Và việc khơi trong nhất thiết phải tiến hành. Đó chính là lý do Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng suốt chiều dài lịch sử kể từ khi thành lập, coi đó là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn với Đảng, với chế độ. Đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ đại hội gần đây nhất (Đại hội XI, XII và XIII), Đảng ta đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là hội nghị đầu mỗi khóa để bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Rõ ràng, trong bối cảnh tình hình xuất hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, có những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; Đảng ta buộc phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để loại trừ “sâu mọt”, để phát hiện, “bắt bệnh” kịp thời và có phác đồ điều trị kịp thời, chính xác giúp “cơ thể” khỏe mạnh, sáng suốt, tài tình lãnh đạo đất nước bước vào những giai đoạn phát triển khác nhau, phù hợp với bối cảnh và tình hình trong nước, trên thế giới.
Đồng thời, việc chấn chỉnh, xử lý những cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến tha hóa, biến chất cũng là những lời cảnh tỉnh, răn đe, gióng lên những hồi chuông báo động đến các đảng viên đương chức, đương quyền trong quá trình công tác cần thiết phải thể hiện tính tiền phong gương mẫu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong ứng xử với đồng nghiệp, đồng chí, với nhân dân. Sinh thời Bác Hồ nói rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, rất nhiều việc hệ trọng đã được đề ra, yêu cầu sự khẩn trương vào cuộc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu. Vậy thì có lý gì chúng ta không thổi bùng lên ngọn lửa văn hóa Đảng trong việc nêu gương?
Dù đã “không thể chậm trễ hơn được nữa”, dù “vừa chạy vừa xếp hàng”, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu, cần tiên phong gương mẫu trong từng lời nói, mỗi hành động cụ thể liên quan đến chống lãng phí, trong thực hiện sắp xếp tổ chức nhằm tinh gọn bộ máy, trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao? Đó chính là thiết thực góp phần xây dựng văn hóa Đảng. Và hẳn nhiên, trong bối cảnh những vấn đề liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng được cả đất nước quan tâm, đón nhận, mỗi tấm gương sáng trong nêu gương, trong thực hành trách nhiệm, nghĩa vụ thực sự có sức lan tỏa rộng khắp, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Đảng. Đó mới chính là góp phần xây dựng văn hóa Đảng một cách thiết thực, ý nghĩa, để Đảng là đạo đức, là văn minh, để Đảng giữ vững niềm tin vô bờ bến của nhân dân, như được tiếp bồi thêm sức mạnh trong quá trình lãnh đạo đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa thời đại hơn nữa, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khôn lường.
Nguyễn Tri Thức (Tạp chí Đảng Cộng sản)
Liên kết website
Ý kiến ()