Tất cả chuyên mục

Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp vào năm 2020 và tiến cao hơn một bước là tỉnh dịch vụ - công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi nguồn nhân lực của tỉnh phải tương ứng về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ lao động trên địa bàn tỉnh chưa qua đào tạo còn ở mức cao (chiếm 36%); chất lượng, quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Bởi vậy, việc xây dựng "Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" là hết sức cần thiết. Quy hoạch này sẽ góp phần vào việc đảm bảo số lượng, cơ cấu hợp lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
![]() |
Sinh viên thực hành sửa chữa máy mỏ tại Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam. |
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu xây dựng bản quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, để UBND tỉnh trình lên HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 2. Bản quy hoạch đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030; định hướng phát triển tại các quy hoạch khác của tỉnh đã được phê duyệt như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch phát triển nhân lực, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, Quy hoạch khoa học và công nghệ; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề thuộc Tổng Cục dạy nghề Bộ LĐ-TB&XH khảo sát, tổ chức lấy ý kiến tham gia của các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, thường xuyên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo, tham gia của Hội đồng thẩm định, UBND tỉnh để bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo chất lượng của quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Thế Thịnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Quy hoạch đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020 mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo của người học, mà còn đáp ứng đủ cho thị trường lao động cả về chất lượng lẫn số lượng lao động. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2020 đạt 60-65% và định hướng tới năm 2030 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo của người học. Cùng với đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo sẽ được chuyển dịch theo hướng tăng chất lượng và tỷ trọng lao động qua đào tạo ngành công nghiệp và dịch vụ; đồng thời giảm tỷ trọng lao động qua đào tạo ngành nông -lâm - ngư nghiệp. Trong quy hoạch cũng đã đề ra mục tiêu cho từng giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ kêu gọi thu hút đầu tư để chuẩn bị thành lập mới 1 trường cao đẳng ở Móng Cái, quy mô đào tạo khoảng 2.000 người; thành lập và đưa vào hoạt động phân hiệu số 3 của Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam tại TP Móng Cái, quy mô đào tạo khoảng 500 người. Đến năm 2020, phấn đấu toàn tỉnh có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 6 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Còn trong giai đoạn 2020-2030, sẽ phấn đấu hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực với cơ cấu đào tạo, ngành nghề hợp lý, đồng bộ...
Để đạt được những mục tiêu đó, quy hoạch đã đề ra lộ trình thực hiện cho từng giai đoạn gắn với các dự án cụ thể theo thứ tự ưu tiên triển khai nguồn vốn thực hiện, nhất là việc huy động nguồn vốn xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, chỉ rõ 6 nhóm giải pháp để thực hiện quy hoạch, như: Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, xã hội về học nghề; cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước; tăng cường các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đầu tư, đẩy mạnh xã hội hoá, hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề và nhóm các giải pháp gắn đào tạo với doanh nghiệp.
Về vấn đề này, ông Lưu Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn, chia sẻ: Hiện Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn mới hoàn thành xong giai đoạn 1 và đã tuyển sinh được 250 học sinh. Tuy nhiên, mục tiêu khi thành lập trường là đào tạo khoảng 800-1.000 sinh viên, vì vậy, Trường cần tiếp tục được đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ phục vụ chương trình đào tạo lao động kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật, trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vậy nên, tôi rất mong "Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được thông qua và sớm được triển khai thực hiện. Qua đó, sẽ giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh được quy mô, hiện đại hơn.
Trúc Linh
Ý kiến ()