Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 13:20 (GMT +7)
Xây dựng thương hiệu sản phẩm hoa Bình Khê
Chủ nhật, 24/10/2021 | 10:50:58 [GMT +7] A A
Nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng KHCN, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu là cách mà xã Bình Khê (TX Đông Triều) tập trung làm cho sản phẩm và vùng trồng hoa, cây, cảnh ở xã này.
Hơn 30 năm qua, trồng hoa đã trở thành nghề truyền thống của vùng đất Bình Khê (TX Đông Triều). Năm 1980, khi những cư dân Hải Dương đầu tiên di cư về Bình Khê mang theo nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống. Ban đầu họ chỉ trồng vài loại cây, hoa chủ đạo như hoa cúc, dơn, hồng và quất cảnh, diện tích canh tác chưa cao, chỉ tập trung chủ yếu ở thôn Quảng Mản. Thế rồi, từ một vùng đất nông nghiệp, Bình Khê chuyển đổi sang trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao.
Sự ưu đãi của thiên nhiên, điều kiện thổ nhưỡng, chất đất thịt pha cát phổ biến ở Bình Khê khiến việc canh tác các loại hoa, cây cảnh rất thuận lợi. Với tay nghề, sự chịu khó của người nông dân mà nghề trồng hoa nhanh chóng phát triển, lan rộng ra nhiều thôn khác như: Đồng Đò, Trại Thông, Trại Dọc, Ninh Bình…
Để đảm bảo chất lượng, bền vững của vùng chuyên trồng hoa, các hộ trồng hoa ở Bình Khê chủ động nhập các giống hoa ở nguồn đáng tin cậy, như: Hoa ly ở Viện giống cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), giống hoa dơn, dơn 5 màu, ly giống mới từ các cơ sở uy tín ở Bắc Ninh…
Đồng thời, theo thời gian, các hộ dân trồng hoa giàu kinh nghiệm cũng biết cách bảo quản, tự sản xuất giống hoa dơn, giống đào mai và cung cấp cho địa bàn và bán đi các vùng khác. Chính quyền cũng chủ động đăng ký, xin các dự án hỗ trợ của nhà nước nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận giống mới cho các hộ trồng hoa.
Điểm nổi bật chính là người dân đã dần chuyển đổi từ trồng nhỏ lẻ, sang canh tác quy mô lớn. Nếu như trước đây, nghề trồng hoa, cây cảnh được coi là khá vất vả, sản lượng, chất lượng phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thì nay việc phát triển trồng hoa, cây cảnh tại các địa phương trong tỉnh đã dần theo hướng tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật.
Cùng với đó, các hộ trồng hoa dần ứng dụng các phương pháp canh tác mới, KHCN vào sản xuất hoa chất lượng cao như: Dùng nhà màng, kỹ thuật thắp điện, ủ kích nở hoa bằng điện… để hoa nở đúng thời điểm, cho giá trị kinh tế cao.
Nhiều hộ dân cũng đã dồn điền, thuê thêm đất để tăng diện tích trồng hoa hoặc xây dựng các tổ hợp, vùng trồng, chăm sóc các loại hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao như: hoa mai, lan... Như nhiều chủ trại hoa khác, anh Lê Xuân Liêm, trang trại hoa lan Xuân Liêm (thôn Trại Mới, xã Bình Khê) lấy đầu tư bài bản làm nền tảng phát triển các sản phẩm chất lượng.
Anh Liêm chia sẻ: Từ trước, tôi đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng cho nhà màng rộng 600m, có hệ thống điều hòa, vườn ươm... Riêng giống hoa tôi nhập trực tiếp từ Đài Loan. Đó là nền tảng để sản xuất, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chất lượng. Năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trang trại dự kiến chỉ đưa ra thị trường khoảng 2 vạn hoa lan.
Cho tới nay, có thể nói các vùng trồng hoa, cây cảnh ở Bình Khê như: Quảng Mản, Ninh Bình, Trại Mới… đã xây dựng cho mình một chỗ đứng khá vững chắc. Từ đó, Bình Khê được định vị là vùng trồng cung cấp hoa cho các thị trường lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long...
Trồng hoa cũng trở thành nghề cho thu nhập cao hơn canh tác nông nghiệp, với trung bình 200 triệu đồng/ha/năm; cá biệt có cánh đồng hoa cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Hiện tại diện tích trồng hoa ở xã đã tăng lên trên 100ha.
"Để quảng bá, xây dựng thương hiệu vững chắc cho hoa, cây cảnh ở địa phương, chúng tôi thường xuyên vận động các hộ tham gia các sự kiện, hội chợ hoa thường niên của thị xã và tỉnh; đồng thời hỗ trợ, khuyến khích các hộ ứng dụng KHCN nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện địa phương cũng phối hợp với các đơn vị chức năng thị xã thống nhất xây dựng logo thương hiệu cho hoa và cây cảnh địa phương, "chắp cánh" để thương hiệu hoa bay xa hơn" - bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khê cho biết.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()