Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:29 (GMT +7)
Nhận diện đô thị
Chủ nhật, 18/08/2024 | 07:24:54 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hạ Long lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, TP Hạ Long đang triển khai hai đề án xây dựng nhận diện thương hiệu “Hạ Long - thành phố của hoa” gắn với “Hạ Long - thành phố của lễ hội”. Đây là việc làm cần thiết - dù không mới bởi hầu hết các đô thị trên thế giới và nhiều đô thị ở Việt Nam đã triển khai việc này.
Trước khi TP Hạ Long xây dựng hai đề án trên, Quảng Ninh đã có Cẩm Phả - thành phố than, Uông Bí - thành phố điện. Tuy nhiên, đó là cách gọi chung chung mang tính ví von bởi trước đây, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí không chỉ là duy nhất có ở Quảng Ninh mà còn là một trong những nhà máy nhiệt điện lớn ở miền Bắc. Tương tự, Cẩm Phả là vùng sản xuất than chủ yếu ở Quảng Ninh. Tương tự, Hải Phòng được gọi là thành phố Hoa phượng đỏ bởi vô hình nơi đây có nhiều phượng vĩ chứ chưa phải được định hình xây dựng thành hình ảnh của thành phố cảng. Giờ thì sự nhận diện về xây dựng hình ảnh - xây dựng thương hiệu địa phương đã khác, được nhiều đô thị triển khai thành đề án, có mục tiêu, định hướng rõ ràng.
Hiện nay, một số thành phố ở Việt Nam đang thiết kế, xây dựng và phát triển thương hiệu “thành phố sáng tạo” thuộc mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời từ năm 2004, với sự tham gia của 180 thành phố thuộc 72 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến năm 2023, có 301 thành phố đã gia nhập mạng lưới này nhằm thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; thiết kế; điện ảnh; ẩm thực; văn học; nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Đầu tiên là Hà Nội - thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019. Tiếp đó là Đà Lạt (Lâm Đồng) lĩnh vực âm nhạc, Hội An (Quảng Nam) lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian và Huế (Thừa Thiên - Huế) đang tích cực hành động để sớm trở thành thành phố sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực. TP Hồ Chí Minh từ lâu đã có thương hiệu là "Hòn ngọc Viễn Đông".
Theo các chuyên gia du lịch, đến nay khi quá trình đô thị hóa trên toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, thương hiệu trên cần đẩy mạnh truyền thông và quảng bá với tiêu chí sáng tạo đi đôi với phát triển bền vững.
Cũng theo các chuyên gia, xây dựng thương hiệu địa phương cũng quan trọng tương tự làm thương hiệu cho doanh nghiệp, nhằm thu hút nhà đầu tư và khách du lịch với hình ảnh hấp dẫn và định vị rõ ràng. Thương hiệu địa phương là khái niệm xoay quanh việc làm thương hiệu cho tất cả mọi yếu tố liên quan đến địa phương ấy như: Địa lý, đặc sản, truyền thống văn hóa… Việc ứng dụng những yếu tố liên quan đến thương hiệu địa phương sẽ làm tăng giá trị khu vực với mục tiêu quảng bá khu vực trở thành nơi thu hút đầu tư, điểm đến du lịch hay thậm chí là một nơi sống lý tưởng.
Một địa phương sau khi tạo dựng thương hiệu sẽ tạo nên hình ảnh tích cực như: Góp phần xây dựng hình ảnh cho một địa phương, một vùng đất thân thiện và nhiều tiềm năng, tăng độ nhận diện và phân biệt địa phương với các khu vực khác, qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh nhất định. Đồng thời, nâng cao hình ảnh văn hoá, di sản tại địa phương, nâng cao giá trị đời sống tại địa phương (tăng lượng số du khách, đầu tư và chú ý của truyền thông đến địa phương), mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế lâu dài và bền vững (thúc đẩy nền kinh tế phát triển và giảm thiểu những rủi ro đầu tư thiếu trọng điểm, dàn trải).
Tại Việt Nam, cùng với các thành phố: Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Vũng Tàu, Đà Lạt, TP Hạ Long được các chuyên gia đánh giá là có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới này.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()