Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 15:55 (GMT +7)
Xây dựng thành phố của hoa và lễ hội
Chủ nhật, 07/04/2024 | 08:27:16 [GMT +7] A A
Để đạt được mục tiêu thu hút trên 9,5 triệu lượt khách du lịch đến Hạ Long trong năm 2024, UBND TP Hạ Long đang xây dựng và triển khai 11 sản phẩm du lịch mới, trong đó quyết tâm xây dựng thành phố của hoa và lễ hội.
Thành phố tập trung nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch có tính khả thi cao, hiệu ứng tốt, như: Xây dựng công viên hoa Hạ Long, bố trí đài phun nước và trồng hoa theo mùa, phố đi bộ Hàn Quốc, nhà chờ “Ký ức xưa”, nghiên cứu một vị trí biểu diễn nghệ thuật vào thời gian cố định để thu hút lượng khách tàu biển quốc tế. Bên cạnh đó, chỉnh trang đô thị tạo điểm nhấn về du lịch, như: Chỉnh trang tuyến đường lên đồi Đặng Bá Hát và lắp dựng chữ biểu tượng TP Hạ Long trên đồi này, trồng hoa, cây xanh tại một số khu vực của thành phố.
Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long đề nghị UBND thành phố rà soát lại các sản phẩm du lịch, tập trung lựa chọn vào những sản phẩm là điểm mới, tính khả thi cao và hiệu quả kinh tế thực sự. Trước mắt, thành phố tập trung xây dựng và hoàn thiện phố đi bộ Hàn Quốc, xây dựng phương án đưa khu vực ngọn Hải Đăng thành tổ hợp vui chơi, giải trí và địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ ít nhất mỗi tháng một lần.
Thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp liên quan triển khai việc trồng cây xanh, trồng hoa theo mùa tại khuôn viên công viên Sun Group và khu vực đất trống của Tập đoàn BIM tại phường Hùng Thắng để tạo cảnh quan cửa ngõ vào thành phố, triển khai trồng hoa anh đào tại xã Kỳ Thượng, duy trì Thiên đường hoa Quảng La, chợ hoa Đồng Chè (phường Hoành Bồ), dự án quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kết nối khu văn hóa núi Bài Thơ, dự án mở rộng, tu bổ và tôn tạo đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bài Thơ.
Hạ Long còn có nhiều lễ hội đặc sắc thu hút đông đảo du khách. Qua rà soát, kiểm kê của Sở Văn hoá - Thể thao, TP Hạ Long hiện có 10 lễ hội truyền thống là Lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, lễ hội đình Giang Võng, lễ hội đình Yên Cư, lễ hội đình Lộ Phong, hội làng Bằng Cả, lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tổ, lễ hội đình Trới, lễ hội đình Xích Thổ, lễ hội đình Đồng Đặng, lễ hội mở cửa rừng.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng Di sản văn hoá phi vật thể, Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiếm có một đô thị nào lại chứa đựng khối lượng phong phú các lễ hội truyền thống của đa dạng tộc người như Hạ Long. Từ những lễ hội cúng đình, chùa của người Việt cho tới lễ hội của các tộc người cộng cư, từ lễ hội cúng thần rừng, thần núi cho tới cầu mùa trên biển, từ lễ hội gắn với tín ngưỡng dân gian trên biển cho tới những lễ hội có tính chất tín ngưỡng du nhập. Đặc biệt là các lễ cúng các vị anh hùng dân tộc tạo nên một bản sắc văn hoá vừa đặc trưng nhưng lại hàm chứa sự đa dạng văn hoá của một đô thị phồn vinh về cả kinh tế lẫn văn hoá như Hạ Long.
Thêm nữa, một số lễ hội ở Hạ Long lại có mối quan hệ mật thiết với các lễ hội nổi tiếng trên địa bàn tỉnh. Theo GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá, có những lễ hội nổi tiếng khác ở Quảng Ninh có không gian rất gần với Hạ Long nên có sức ảnh hưởng tới sinh hoạt văn hoá, tinh thần của nhân dân thành phố. Cùng với đó là những lễ hội phạm vi nhỏ hơn, những phong tục tập quán, nghi lễ của đồng bào các dân tộc, nhất là khu vực Hoành Bồ cũ sẽ góp phần làm cho kho tàng di sản văn hoá phi vật thể của Hạ Long thêm phong phú.
Hạ Long đã xác định sản phẩm du lịch tâm linh sẽ là thế mạnh của thành phố trong tương lai chỉ sau việc khai thác giá trị của Vịnh Hạ Long. Do vậy, thành phố đã khẩn trương hoàn thiện việc quản lý quy hoạch các điểm di tích, các dự án, công trình liên quan đến cải tạo di tích, thắt chặt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động xung quanh lễ hội, đền, chùa.
Bà Bùi Thị Giang, Trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hoá - Thể thao, nhận định: Đối với các lễ hội truyền thống, thành phố đã làm tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn. Các lễ hội đã huy động được sự hưởng ứng của các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hoá tốt đẹp của lễ hội. Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng nhiều hơn trên các nền tảng mạng xã hội đã giới thiệu, quảng bá sâu rộng các lễ hội, đồng thời thu hút lượng khách tham quan tăng dần. Việc tổ chức các lễ hội đã từng bước phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái.
Một tiềm năng to lớn khác mà Hạ Long đang sở hữu là các lễ hội mới được hình thành và thực sự có dư địa để phát triển, như: Carnaval Hạ Long, Carnaval mùa đông, các lễ hội tại các khu vui chơi giải trí Tuần Châu, công viên Đại Dương của Sun Group, lễ hội Hokkaido. Lễ hội hiện đại là cơ hội quảng bá tiềm năng, thế mạnh những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá văn hoá, con người Quảng Ninh. Lễ hội hoa Anh đào hay Lễ hội Hokkaido gần đây là những ví dụ điển hình cho việc thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trên thế giới thông qua hoạt động văn hoá.
Đây sẽ là mẫu hình tương lai cho nhiều hoạt động văn hoá tương tự, cho thấy vị trí kết nối hội tụ và lan toả của Quảng Ninh. Không chỉ kết nối với Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, mà còn mở rộng ra các vùng khác trong nước và vượt ra ngoài biên giới. Với quyết tâm chính trị cao và nỗ lực không mệt mỏi, Hạ Long đã và đang dần hiện thực hoá khát vọng trở thành thành phố của hoa và lễ hội, bốn mùa đều là điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()