Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:27 (GMT +7)
Xây dựng Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, tăng trưởng xanh, vì chất lượng cuộc sống nhân dân
Thứ 7, 31/12/2022 | 18:55:18 [GMT +7] A A
Ngày 31/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị lần thứ 33 để thông qua kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện nhiệm vụ năm 2022; tổng kết Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022 cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Bám sát hướng dẫn, quy định của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chuẩn bị chu đáo và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình nghiêm túc theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, bảo đảm các yêu cầu về nội dung với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, công khai, đoàn kết và trách nhiệm; đã kiểm điểm, làm rõ những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của tập thể và cá nhân từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đề ra các giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, tồn tại trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ.
Qua nghe báo cáo kiểm điểm năm 2022 của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đánh giá, xếp loại chất lượng cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thể hiện rõ là tập thể có tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, có bản lĩnh và kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; có nhiều đổi mới về phương thức lãnh đạo trong bối cảnh tình hình có nhiều thay đổi, khó lường, yếu tố bất định.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bám sát, giữ vững nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy chế làm việc, chương trình công tác toàn khóa, chương trình công tác năm 2022 của Tỉnh ủy, nhưng linh hoạt, sáng tạo, điều chỉnh, bổ sung để xử lý kịp thời các tình huống nảy sinh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, tổ chức thực hiện theo hướng “làm đúng, làm nhanh, làm tốt”; vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm, phương châm, nguyên tắc “3 trước, 4 tại chỗ”, “5 thật” (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật), “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách); chủ động, tích cực, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Không có biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được, duy ý chí, kinh nghiệm chủ nghĩa…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa sáng tạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, kết luận của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; kiên định, kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 08 ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới.
Trong bối cảnh có nhiều thách thức an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, đã lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững chủ quyền biên giới trên bộ, trên biển; giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn đoàn kết, thống nhất, kiên định và nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tận tụy trong giải quyết công việc theo đúng phạm vi thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thể hiện chính kiến rõ ràng, thống nhất trên tinh thần xây dựng và đoàn kết.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đúc rút ra một số kinh nghiệm, đó là càng trong khó khăn, thử thách thì càng phải phát huy dân chủ, đoàn kết, giữ vững sự ổn định từ bên trong, kiên định mục tiêu, thống nhất ý chí và hành động, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt hành động vì lợi ích chung; đoàn kết trên cơ sở tăng cường nguyên tắc, tuân thủ quy chế, trách nhiệm nêu gương đòi hỏi người đứng đầu càng phải gương mẫu, nhiệt huyết, trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt. Phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, văn hóa, cách mạng, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng phát triển của cán bộ, đảng viên, giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Giữ vững, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, của nhân dân, của nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện; dân chủ, khoa học, sâu sát, cụ thể, nắm chắc tình hình, dự báo chính xác, chủ động phương án, kế hoạch ứng phó theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; linh hoạt thích ứng an toàn, không chủ quan duy ý chí, tự mãn; kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã dành thời gian thỏa đáng tổ chức kiểm điểm, tham gia ý kiến đối với từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đảm bảo quy trình. Với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, đề cao tự phê bình và phê bình, với thái độ cầu thị, từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung kiểm điểm sâu sắc các nội dung theo quy định. Các ý kiến tham gia góp ý cụ thể, sâu sắc, thẳng thắn, mang tính xây dựng cao, đặc biệt tập trung góp ý những tồn tại, hạn chế, thiếu sót của từng cá nhân, xác định được những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, gắn liền với kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị, của tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo; kết quả nhận xét, đánh giá của cấp ủy, tập thể lãnh đạo nơi công tác, nhận xét của chi bộ, cấp ủy nơi cư trú. Các ý kiến tham gia kiểm điểm đối với tập thể cũng như cá nhân mang tính chiến đấu cao, không có tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, đùn đẩy trách nhiệm.
Cùng ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện tổng kết Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022. Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp uỷ đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm vào cuộc quyết liệt; 100% đơn vị, địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch bám sát 11 chỉ tiêu, 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết. Vai trò của MTTQ và các đoàn thể, cộng đồng dân cư trong giám sát, phát hiện, phản ánh hành vi vi phạm bảo vệ môi trường được phát huy. Nhận thức và hành động của người dân trong công tác bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý môi trường được chủ động triển khai trong từng lĩnh vực và trên toàn địa bàn tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi của cộng đồng thông qua đường dây nóng được tăng cường.
Nhiều mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết đã hoàn thành và vượt so với kế hoạch đề ra như: Tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý triệt để; tỷ lệ dân cư đô thị, dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh không ngừng tăng cao; tỷ lệ che phủ rừng tăng... Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra cũng được triển khai có hiệu quả.
Những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh bước đầu đã được ghi nhận. Trong 2 năm 2019 và 2020, chỉ số Quản trị môi trường của tỉnh đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố và là một trong 8 chỉ số góp phần nâng cao thứ hạng của chỉ số PAPI của tỉnh. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả bảo vệ môi trường trong 2 năm 2020, 2021 của tỉnh được xếp hạng là một trong các tỉnh, thành phố ở mức Tốt trong cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém, tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường cũng như những mâu thuẫn, thách thức trong quá trình phát triển bền vững, đòi hỏi không được chủ quan, tự mãn.
Với quyết tâm xây dựng Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, vì chất lượng cuộc sống nhân dân, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Trong đó, quan điểm của tỉnh là luôn coi bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao chất lượng sống của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, là mục tiêu cốt lõi, hướng tới người dân được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước phải gắn liền với quan điểm, định hướng phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, phát triển đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số... Kiên trì thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" theo hướng bền vững, dựa vào ba trụ cột là thiên nhiên - con người - văn hóa. Không thu hút đầu tư bằng mọi giá; không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để "chạy theo" tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Mục tiêu hướng đến là ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; chủ động và tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải, các bon thấp.
Cũng trong ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo tình hình thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, chi ngân sách địa phương năm 2022. Tính đến 12h ngày 31/12/2022, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 54.051 tỷ đồng, bằng 119% dự toán Trung ương giao, bằng 103% dự toán tỉnh giao và bằng 104% cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 16.361 tỷ đồng, bằng 164% dự toán Trung ương giao, bằng 154% dự toán tỉnh giao và bằng 164% so với cùng kỳ. Thu nội địa đạt 37.690 tỷ đồng bằng 106% dự toán Trung ương giao. Riêng thu từ thuế, phí đạt tới 32.712 tỷ đồng.
Nhân dịp này, 13 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()