Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:30 (GMT +7)
Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh
Thứ 3, 10/01/2023 | 06:07:00 [GMT +7] A A
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng với 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ mới. Sau 1 năm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh.
Quán triệt sâu sắc những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam; giữ gìn và phát huy các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ; khắc sâu, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hoá, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ chính đáng của nhân dân.
Đến nay, sau hơn 1 năm tổ chức thực hiện, toàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Đáng chú ý, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp tiếp tục được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từng bước được nâng cao. Các ngành, địa phương, đơn vị đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết, đề án chuyên đề về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, gắn với thực hiện các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch của địa phương; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, gắn với thực hiện các mục tiêu đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp văn hoá và thực hiện chuyển đổi số.
Đặc biệt, thực hiện được mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh phát triển toàn diện, mang đậm nét đặc trưng “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện” theo quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh đã nỗ lực xây dựng và hình thành lối sống đẹp, văn minh, bồi đắp nền tảng văn hóa, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, thông qua việc đẩy mạnh các phong trào, đề án. Trong đó có thể kể đến các phong trào, đề án của các địa phương: "Người Tiên Yên nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử văn minh" gắn với phát triển con người Tiên Yên theo hướng toàn diện, có lối sống tốt đẹp với các đặc trưng "Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện"; “Giữ gìn và phát huy bền vững giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, các di tích lịch sử văn hóa của địa phương, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân”, xây dựng con người Ba Chẽ với các đặc trưng "Năng động - Sáng tạo - Chân thành - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện"; Xây dựng và phát triển con người Đầm Hà "Đoàn kết, sáng tạo, thân thiện, nghĩa tình"; Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững trên địa bàn huyện Cô Tô giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025...
Nhiều nghị quyết quan trọng cho phát triển giáo dục - đào tạo đã được ban hành. Tiêu biểu như các chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh toàn tỉnh trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19; chính sách thu hút, khuyến khích học sinh, sinh viên theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trường chuyên trên địa bàn. Qua đó, tạo môi trường học tập, rèn luyện cho mỗi cá nhân, phát huy tinh thần cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Song song với đó, công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân được các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chăm lo; đến nay, nhiều chỉ tiêu về sức khỏe của người dân tỉnh đạt mức cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Nhiều chính sách an sinh xã hội cho người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được ban hành.
Các địa phương tiếp tục duy trì hiệu quả, thực chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với nhiều mô hình làng văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu. Đến nay, những tập quán tốt tiếp tục được phát huy, an ninh trật tự được bảo đảm, kinh tế phát triển vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm, các công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng được xây dựng và củng cố. Phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển, mang lại sự thuận tiện trong sinh hoạt, no ấm, hạnh phúc trong nhân dân. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật thường xuyên được tổ chức, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần định hướng thị hiếu, thẩm mỹ đúng đắn, để phát triển toàn diện nhân cách, hướng tới sự hoàn thiện của mỗi cá nhân và xã hội.
Nhận thức sâu sắc “Văn hóa không đứng ngoài mà phải trong kinh tế và chính trị”, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã quán triệt, thực hiện nghiêm việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa việc học và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Toàn tỉnh hiện có 126 mô hình tập thể, 152 mô hình cá nhân trong học tập và làm theo Bác.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường thực hiện các chỉ đạo của trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; những điều đảng viên không được làm; giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, tận tụy, gần dân, sát dân, có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương...
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, với những kết quả đạt được trong thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững. Đặc biệt, là đã phát huy truyền thống cách mạng “Kỷ luật và Đồng tâm”, từng bước hình thành con người Quảng Ninh với đặc trưng “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”, hiện thực hóa khát vọng đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Thu Chung
- Ba Chẽ quan tâm giáo dục lịch sử văn hóa cho học sinh
- Xây dựng văn hóa giao thông
- Năm 2023: Chờ sức bật từ những chuyển biến lớn về văn hóa
- Phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần trong thời đại mới
- Chuyên nghiệp hóa các CLB văn hóa, thể thao ở miền Đông
- "Cây cầu văn hóa hữu nghị đã được xây dựng thông qua âm nhạc"
- Tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh
- Xây dựng đời sống văn hóa ở xã Hà Lâu
Liên kết website
Ý kiến ()