Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:25 (GMT +7)
Xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững
Thứ 3, 24/12/2024 | 09:40:15 [GMT +7] A A
Chương trình xây dựng NTM năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được nhiều thành quả tích cực. Đặc biệt, diện mạo cơ sở hạ tầng và nông nghiệp nông thôn ngày một phát triển, góp phần lớn trong việc nâng cao đời sống, kinh tế cho người dân.
Hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Vào dịp Quốc khánh 2/9, người dân huyện Ba Chẽ phấn khởi vì Dự án cầu nối tỉnh lộ 330 với trung tâm thị trấn Ba Chẽ kết hợp kè chống sạt lở tuyến đường trục chính và khu dân cư thị trấn cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự án gồm 1 cầu dài 182,3m, rộng 16,5m bắc qua sông Ba Chẽ, đường dẫn dài 428,07m, 2 làn xe; 5 đoạn kè chống sạt lở, tổng chiều dài 1,8km; hệ thống vỉa hè, thoát nước đồng bộ với tổng vốn đầu tư gần 249 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Năm 2024, huyện Bình Liêu cũng tập trung triển khai các dự án cải tạo, nâng cao giao thông nông thôn; trong đó có một số dự án liên quan trực tiếp đến các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện. Nổi bật là Dự án cải tạo, nâng cấp đường nối QL18C đến khu danh thắng ruộng bậc thang xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu với tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2025. Theo đó, tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 8,73km, bề rộng mặt đường từ 5,5-6m. Điểm đầu tuyến đấu nối với đường Quốc lộ 18C tại Km34+60 (khu vực Bản Pạt, xã Lục Hồn) và điểm cuối tuyến đấu nối với tuyến đường liên xã Lục Hồn - Đồng Tâm - Hoành Mô tại Km3+246 (khu vực thôn Ngàn Vàng dưới).
Thực hiện Quyết định số 1868/QĐ-UBND ngày 25/6/2024 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án cải tạo, nâng cao giao thông nông thôn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2025, định hướng đến 2030, trong đó giai đoạn 2024-2025 tỉnh đã đầu tư 73 danh mục dự án với tổng kinh phí dự kiến là 2.120 tỷ đồng, thực hiện cải tạo, nâng cấp xử lý 31 ngầm tràn trên các tuyến đường huyết mạch để đảm bảo giao thông thông suốt khi mùa mưa lũ, 2 cầu bê tông cốt thép thay thế chức năng đảm bảo giao thông của cầu treo hiện có, xây mới 2 cầu kết nối; cải tạo, mở rộng trên 150km đường giao thông nông thôn với quy mô mặt cắt ngang đảm bảo bề rộng tối thiểu 2 làn xe; đầu tư, nâng cấp 2 bến cảng trên địa bàn huyện Cô Tô.
Tỉnh tiếp tục triển khai các dự án giao thông liên tỉnh, huyện trong chiến lược phát triển giao thông của tỉnh nhằm kết nối vùng đồng bào DTTS như: Thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ; đường ven biển đoạn từ cầu Voi xã Vạn Ninh đến đường tỉnh 335 TP Móng Cái; đường dẫn cầu Bến Rừng thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh và các dự án giao thông do địa phương đầu tư cùng với TP Hải Phòng hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Bến Rừng. Các địa phương cũng đầu tư các tuyến đường liên xã, thôn, xóm kết hợp với chỉnh trang đường sá, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Việc giao thông được kết nối đồng bộ giữa các vùng miền, thôn, bản với trung tâm đô thị đã góp phần quan trọng kéo giảm khoảng cách vùng miền, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Tập trung phát triển kinh tế nông thôn
Với những quyết sách đúng, hiệu quả, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Trên địa bàn tỉnh đã cấp được 63 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 1.528ha và 9 mã số cơ sở đóng gói. Toàn tỉnh có khoảng 1.100ha cây trồng duy trì sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, trong đó có 322,35ha diện tích đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, có 90ha lúa và 329ha quế được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ. Việc áp dựng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trong sản xuất đã giúp cải thiện kinh tế, nâng cao giá trị sản phẩm cho người dân sản xuất nông nghiệp, giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Chương trình OCOP của tỉnh thời gian qua được quan tâm phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản phẩm và tổ chức đánh giá phân hạng. Đến nay, toàn tỉnh có 405 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao, trong đó có 305 sản phẩm 3 sao, 96 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm đạt 5 sao; đặc biệt trong số 96 sản phẩm 4 sao sự kiến sẽ có 4 sản phẩm tiềm năng dự thi 5 sao cấp quốc gia; 178 chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt từ 3-5 sao. 100% sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn và Voso.vn...
Song song với đó, kinh tế tập thể được phát triển cả về lượng và chất với 682 HTX nông nghiệp, thành lập mới 134 HTX nông nghiệp. Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM được tỉnh quan tâm chỉ đạo.
Các địa phương cũng đã tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Trên địa bàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người của vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo năm 2023 đạt trên 73 triệu đồng/người/năm (tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước; cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025).
Để giúp người dân khôi phục sản xuất, nhất là sau bão số 3, thực hiện quyết định của UBND tỉnh về ban hành quy định, điều kiện, nội dung, mức cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ ủy thác qua Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã cấp kinh phí 287,9 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai tại 9 đơn vị cấp huyện (trừ Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả). Đến nay, ngân hàng đã cho 2.960 lượt khách hàng vay 260,11 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch. Nguồn vốn đã kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống...
Vân Anh
- Sức dân tạo nên sự bền vững trong xây dựng nông thôn mới
- Huy động tổng lực xây dựng nông thôn mới
- Huyện Đầm Hà: Dồn sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
- Chuyển đổi số xây dựng nông thôn mới thông minh
- Nông thôn mới - Hành trình không có điểm dừng
- Đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn mới
- Vân Đồn: Chung sức xây dựng nông thôn mới
Liên kết website
Ý kiến ()