Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:01 (GMT +7)
Xây dựng Nông thôn mới: Thực chất và bền vững
Thứ 2, 07/12/2020 | 13:14:19 [GMT +7] A A
Năm 2020, toàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, rút ngắn hơn khoảng cách chênh lệch các vùng, miền. Những nỗ lực này sẽ góp phần củng cố nền tảng để Quảng Ninh vững vàng bước vào giai đoạn mới xây dựng NTM, chú trọng thực chất và bền vững hơn.
Công nhân làm việc trong khu nhà màng trồng dưa chuột sạch của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà). |
Năm 2020, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã trở thành rào cản cho sự tăng trưởng nhiều lĩnh vực KT-XH của tỉnh. Trong bối cảnh khó khăn chung, việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM cũng bị ảnh hưởng, nhiều chỉ tiêu xây dựng NTM sẽ khó đạt, như tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm... Ngoại trừ các hộ nhỏ lẻ, thuần nông, sản xuất tự cung, tự cấp ít bị ảnh hưởng, hoạt động của các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh ở nông thôn đều gặp khó khăn trong quá trình lưu thông, phân phối, XNK bị đình trệ, hàng hóa tồn kho tăng...
Ngoài ra, các chương trình, dự án xây dựng NTM cũng rơi vào tình trạng gặp khó trong triển khai vì nguồn nhân lực của các cấp, các ngành ưu tiên tập trung vào công tác phòng chống dịch cấp bách. Trong giai đoạn thực hiện giãn cách toàn xã hội, các dịch vụ cung ứng cũng gặp khó, đóng góp của nông dân hạn chế hơn...
Nông dân xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu) phơi thóc sau thu hoạch vụ mùa. |
Trước những khó khăn trong chặng nước rút của cả giai đoạn 2016-2020 xây dựng NTM, toàn tỉnh vẫn nêu cao quyết tâm chính trị, tăng cường công tác chỉ đạo xây dựng NTM trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh với tinh thần thực hiện “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển KT-XH. Các địa phương đã bám rất sát chỉ đạo của tỉnh về xây dựng các phương án sản xuất, kết nối tiêu thụ, đặc biệt là thủy sản; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh”.
Đồng thời tranh thủ sử dụng quỹ thời gian cho công tác đầu tư, nâng cấp, sửa chữa toàn diện hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển nông thôn gắn với các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm... Đây là sự chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng khôi phục, tăng trưởng mạnh khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, toàn xã hội chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Tức là các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất... đều được củng cố và giữ vững.
Cán bộ xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) giám sát chất lượng mương dẫn nước tưới tiêu sau thi công. |
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2020; đặt ra một số mục tiêu phấn đấu thực hiện. Cụ thể như: Có thêm 8 xã, 1 huyện “về đích”, nâng tổng số thành 89/981 xã, 7/13 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; công nhận/chứng nhận thêm từ 30-40 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao, trong đó ít nhất có 1-2 sản phẩm đạt 5 sao tại cuộc thi đánh giá xếp hạng cấp tỉnh.
Đồng thời, nâng mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt mức 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 1%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,3%; phấn đấu có 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí điện, hệ thống thủy lợi, thông tin và truyền thông...
Người dân thôn Đông (xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) chăm sóc tuyến đường hoa NTM. |
Nhiệm vụ này được gắn trách nhiệm cụ thể cho từng ban, ngành phụ trách thực hiện, các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai theo tình hình thực tế. Trong đó, các nguồn lực từ ngân sách, huy động đóng góp trong cộng đồng dân cư, các nguồn hỗ trợ... được tập trung để hoàn thiện hạ tầng KT-XH, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: Đường giao thông nông thôn, thủy lợi, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường...
Đặc biệt là nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo và cơ quan tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo các cấp; làm tốt công tác, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình xây dựng NTM. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM”; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng...
Đánh giá của Ban Xây dựng NTM tỉnh cho thấy, kết quả nhiệm vụ năm 2020 cơ bản đạt được mục tiêu đã đề ra nhờ tổng thể chương trình xây dựng NTM trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các địa phương nhiều năm qua. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 tác động, nhưng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay, vào cuộc chủ động, tích cực của người dân, Chương trình MTQG xây dựng NTM tại Quảng Ninh tiếp tục góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh, là nền tảng vững vàng cho những yêu cầu nhiệm vụ đề ra cho giai đoạn mới 2021-2025.
Hoàng Giang
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quảng Phong, huyện Hải Hà Trương Quốc Hội: "Người dân là chủ thể triển khai và hưởng thụ"
Thực tế triển khai tại xã Quảng Phong chúng tôi nói riêng, cũng như toàn huyện Hải Hà thời gian qua cho thấy, chương trình xây dựng NTM luôn được ưu tiên phát huy sức mạnh toàn dân “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”. Người dân chính là chủ thể triển khai và trực tiếp thụ hưởng từ chương trình; vì thế ngay từ giai đoạn đầu, công tác tuyên truyền, vận động phải luôn đi trước, phải làm cho người dân vùng nông thôn hiểu rõ tầm quan trọng của chương trình, lợi ích và vai trò của mình trong xây dựng NTM. Từ đó, người dân thấu hiểu, đồng lòng ủng hộ; tham gia đóng góp tiền, công sức vào xây dựng NTM... Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc: Điện lưới phủ khắp các thôn, xã; mọi tuyến đường trục thôn, ngõ xóm được cứng hóa, đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp; trường, trạm y tế được đầut tư xây dựng khang trang...
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đông Hà, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà Đào Thu Trang: "Thay đổi phương thức sản xuất của người dân"
Với tiềm năng lợi thế sẵn có, các sản vật của địa phương nhờ có chương trình xây dựng NTM mà ngày càng được nâng tầm, điển hình là các sản phẩm OCOP. Những sản phẩm như: Trứng vịt biển, củ cải khô, chân giò nướng, nấm linh chi... đã được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Nhờ đó, người dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để phát triển các sản phẩm ngày một hiệu quả hơn, thu nhập, đời sống ngày càng được cải thiện rõ rệt. Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi những tập quán sản xuất cũ, lạc hậu, hướng người dân vào sản xuất những sản phẩm được đầu tư kỹ lưỡng, đảm bảo đúng quy trình, an toàn thực phẩm; góp phần làm tăng giá trị cho nông sản địa phương.
Phó Bí thư Chi bộ thôn Cặp Tiên, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn Lê Văn Hướng: "Nhiều công trình, phần việc ý nghĩa"
Với tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ, những đoàn viên thanh niên - đại diện cho thế hệ trẻ đã hăng hái tham gia phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”, thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Thế hệ trẻ đã là những tuyên truyền viên tích cực trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, thực hiện hiệu quả mô hình tuyến đường thanh niên quản lý, hưởng ứng phong trào Ngày thứ 7 tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh... Cùng với đó, đề xuất những mô hình xây dựng NTM trong quá trình tham quan, học tập, để hình thành mô hình tại địa phương. Các hoạt động của tuổi trẻ đã đóng góp một phần công sức cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng NTM. Thông qua các hoạt động đó mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, tô đẹp hình ảnh thanh niên Việt Nam xung kích, tình nguyện vì cộng đồng.
Chị Lý Thị Mai, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên: "Phấn khởi vì có NTM"
Từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, người dân chúng tôi thực sự rất vui mừng và phấn khởi. Từ các chính sách của tỉnh, địa phương, người dân được vay vốn, phát triển sản xuất, đầu tư đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ NTM, tôi đã được tiếp cận tiến bộ của khoa học kỹ thuật, có hướng đi đúng trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng đạt hiệu quả, quy mô diện tích ngày càng được mở rộng hơn. Đặc biệt, thông qua tuyên truyền, vận động, hỗ trợ của huyện, xã, gia đình tôi tìm ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả: Xây dựng mô hình nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP, với con giống chính là gà Tiên Yên - thương hiệu đặc trưng của địa phương chúng tôi đang được thị trường ưa chuộng. Những năm gần đây, đời sống gia đình ngày một khấm khá hơn, thu nhập mỗi năm từ trồng cây ăn quả, chăn nuôi vào khoảng 200 triệu đồng.
Vân Anh (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()