Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:41 (GMT +7)
Xây dựng nông thôn mới: Hành trình không có điểm dừng
Thứ 7, 03/08/2024 | 15:37:15 [GMT +7] A A
Với tinh thần “Không nghỉ, không ngừng, không có điểm dừng”, Quảng Ninh tiếp tục đưa chương trình nông thôn mới (NTM) của tỉnh vào chiều sâu, trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, với mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD vào năm 2025 và đạt từ 8.000-10.000 USD vào năm 2030.
Đầu năm 2024, huyện Đầm Hà là địa phương cấp huyện đầu tiên trong cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn huyện không có hộ nghèo, không có nhà dột nát. Chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn đã nâng lên rõ rệt. Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố tiên quyết, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung về thuỷ sản, chăn nuôi, trồng cây ăn quả; nhân rộng các mô hình sản xuất tập thể với các tổ hợp tác, các HTX và các doanh nghiệp nông nghiệp vững mạnh…
Khởi điểm từ mô hình chăn nuôi ngan sao, anh Đinh Văn Thắng, Giám đốc HTX Thắng Huệ đã mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ ấp trứng thuê cho bà con, dịch vụ giết mổ và cung ứng giống gia cầm. Hoạt động của HTX cũng đang tạo động lực để người dân trên địa bàn huyện Đầm Hà mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn. Anh Thắng cho biết: HTX cũng đang liên kết với hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngan sao. Không chỉ giúp nhau làm giàu bền vững, chúng tôi cũng chung tay xây dựng thương hiệu ngan sao Đầm Hà, đưa nông sản này vào danh mục sản phẩm OCOP của địa phương.
Cùng với Đầm Hà, Tiên Yên cũng là địa phương cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao đầu năm 2024. Với hơn 50% là người DTTS, Tiên Yên bước vào thực hiện chương trình xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, có 4 xã và 18 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,9%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt trên 16,2%/năm. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 74,02 triệu đồng/người/năm. Huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo Trung ương...
Để có sự bứt phá mạnh mẽ như trên, huyện tranh thủ nguồn lực của tỉnh, địa phương, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Đồng thời, tập trung khai thác tốt thế mạnh nông nghiệp của địa phương thông qua mô hình 2 con, 1 cây. Theo bà Đỗ Thị Duyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên: Trong phát triển đàn gà Tiên Yên, hiện toàn huyện có trên 400 cơ sở quy mô tập trung, 7 HTX sản xuất, nuôi gà Tiên Yên thương phẩm, 4 cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên quy mô đạt 1,2 triệu con giống/năm. Thời gian qua, huyện cũng đang phối hợp với các đơn vị bảo tồn giống gà Tiên Yên, đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chế biến sâu, bổ sung thảo dược trong chăn nuôi nhằm nâng chất lượng gà Tiên Yên. Song song với đó, khuyến khích mở rộng mô hình, gia tăng thu nhập bền vững cho người dân.
Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, ngoài những chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, các cấp, ngành còn tập trung hỗ trợ bà con, nhất là người dân vùng DTTS, miền núi tiếp cận kiến thức về pháp luật.
Dù diễn ra vào thời điểm bà con đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch lúa, nhưng hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân thôn Sông Moóc, xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) thu hút bà con tới dự. Những kiến thức pháp luật liên quan đến đất đai, hôn nhân gia đình, giao thông đường bộ, thi hành án dân sự, hòa giải cơ sở, dân chủ cơ sở… đã được các cán bộ huyện, tỉnh chuyển tải khéo léo đến người dân. Anh Phùn Tắc Thềnh, xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) cho biết: Chương trình rất ý nghĩa, giúp bà con chúng tôi hiểu biết thêm các kiến thức pháp luật, tuân thủ quy định của pháp luật.
Với quan điểm xây dựng NTM là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, Quảng Ninh đang tiếp tục lộ trình tiếp theo của chặng đường này với những mục tiêu và giải pháp đồng bộ. Trong đó, trọng tâm là đời sống người dân nông thôn ngày càng khá giả, người dân có môi trường sống tốt đẹp, dần được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ như đô thị, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()