Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:29 (GMT +7)
Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn văn hóa
Chủ nhật, 21/01/2024 | 09:24:30 [GMT +7] A A
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện các tiêu chí về văn hóa (tiêu chí số 6 và 16). Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân là làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Chặng đường 13 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của Quảng Ninh có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn ngày càng nâng cao. Kết quả đó có được xuất phát từ quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhiều giải pháp nhằm triển khai hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM, đồng thời gắn chặt với công tác gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn.
Theo đó, hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp huyện, xã đến thôn, khu được quan tâm đầu tư, quản lý và vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt chính trị, văn hóa của nhân dân, tạo điều kiện để phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Toàn tỉnh hiện có 12/13 địa phương được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, thị xã, thành phố. Cấp xã, phường có 103/177 xã, phường, thị trấn đã thành lập Trung tâm văn hóa, thể thao; cấp thôn, khu có 1.449/1.452 thôn, khu có nhà văn hóa, trong đó 976 nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn.
Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng đi vào chiều sâu đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2023, toàn tỉnh có 95% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 96% khu dân cư đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”.
Đặc biệt, một số địa phương đã và đang triển khai xây dựng những thôn, bản trở thành “Bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy xây dựng NTM như: Bản người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả (TP Hạ Long); bản người Tày tại Bản Cáu, xã Lục Hồn, bản người Dao tại Sông Moóc, xã Đồng Văn và bản người Sán Chỉ tại bản Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu); làng truyền thống người Sán Dìu tại xã Bình Dân (huyện Vân Đồn).
Là một trong những điểm sáng về gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong xây dựng NTM, những năm qua huyện Bình Liêu đã bố trí nguồn lực hợp lý đầu tư cho phát triển văn hóa, chủ động nhân rộng các mô hình, sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch biên giới, du lịch sinh thái.
Đồng chí Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Việc khai thác hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua việc duy trì tổ chức lễ hội, ngày hội văn hóa như Hội Soóng cọ, ngày hội Kiêng gió, hội Mùa vàng, hội Hoa sở… đã hấp dẫn du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ của địa phương. Từ đây, vừa góp phần nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, vừa tạo nguồn lực để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn văn hóa trên địa bàn huyện, đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng NTM, nâng cao đời sống và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Một trong những nhiệm vụ được tỉnh xác định triển khai trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025 là nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cấp xã và cấp thôn trên địa bàn toàn tỉnh; phát huy chủ thể người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng, quản lý, tổ chức các mô hình sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng để người dân có ý thức hơn trong việc bảo quản, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với thiết chế văn hóa thể thao cơ sở. Đồng thời, triển khai hiệu quả đề án khôi phục bảo tồn các làng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Duy Khoa
- Xây dựng nông thôn mới nâng cao
- Nông thôn mới - Hành trình chuyển từ lượng sang chất
- Sắc xuân trên những miền quê đổi mới
- Ba Chẽ phát triển cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới nâng cao
- Góp sức xây dựng nông thôn mới
- Nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững
- Nâng cao vai trò người dân trong xây dựng nông thôn mới
- Đông Triều: 11/11 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu
Liên kết website
Ý kiến ()