Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:10 (GMT +7)
Xây dựng nông thôn mới: Cách làm của Bình Liêu
Thứ 7, 23/10/2021 | 10:49:07 [GMT +7] A A
Dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng có thể khẳng định, hơn 10 năm xây dựng NTM ở Bình Liêu đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi rõ rệt diện mạo của địa phương.
Để đến hết năm 2021, xã Đồng Tâm đạt chuẩn NTM, các xã Hoành Mô và Húc Động đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện Bình Liêu đã xây dựng, triển khai nhiều giải pháp, tập trung huy động sự vào cuộc, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, nâng tầm vai trò chủ thể của người dân. Đặc biệt, kể từ khi huyện ban hành bộ tiêu chí rõ ràng, tổ chức cho các xã thực hiện trong khí thế thi đua sôi nổi, nên đã tạo được sự đồng tình hưởng ứng, vào cuộc của các tầng lớp nhân dân. Ở nhiều thôn, bản miền núi, người dân chủ động phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thành lập các tổ, nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Năm 2020, bình quân thu nhập đầu người của huyện đạt 55 triệu đồng. Bình Liêu phấn đấu đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,31%, hộ cận nghèo còn 2,36%.
Trên quan điểm không có sự đồng lòng nhất trí của người dân, không có sự vào cuộc, sự đóng góp sức người, sức của từ nhân dân... thì không ngân sách nào, không nguồn lực nào có thể thay thế nổi và duy trì được, huyện Bình Liêu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Trong công tác tuyên truyền, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đổi mới theo nhiều hình thức khác nhau. Đối với những xã, thôn, bản vùng sâu, vùng đông đồng bào DTTS, ngoài tuyên truyền vận động, cán bộ được giao phụ trách địa bàn phải là người biết tiếng địa phương, hiểu biết về KHKT sản xuất, canh tác và biết cách truyền đạt tới nhân dân.
Ông Đinh Tiến Lợi, cán bộ địa chính xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) được phân công phụ trách địa bàn, cho biết: Kể từ khi được tuyên truyền, vận động, nhất là đến tận ruộng hướng dẫn, gia đình bà Trần Thị Hiền (thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô), đã cải tạo lại ruộng đất cấy lúa kém hiệu quả để trồng cây thanh long ruột đỏ. Sau hơn 3 năm, trên diện tích gần 500m2 ruộng lúa kém hiệu quả, giờ đã là vườn thanh long đơm hoa kết trái và cho thu hoạch. Giá bán thanh long tại vườn là 40.000 đồng/kg. Mỗi năm gia đình bà Hiền có doanh thu hàng chục triệu đồng.
Từ số tiền lãi thu hoạch quả thanh long và tiền bán cây keo, gia đình bà Hiền tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long lên gần 2ha. Hiện số diện tích mở rộng trồng thanh long cũng sắp đến kỳ thu hoạch quả. Với giá cả thị trường ổn định như hiện nay, mỗi năm gia đình bà Hiền sẽ có doanh thu lên đến cả trăm triệu đồng.
Để việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, gắn liền với điều kiện thực tế của từng xã, thôn, huyện Bình Liêu đã ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình xây dựng NTM kèm theo cơ chế, chính sách để tập trung chỉ đạo. Các ban, ngành, đoàn thể và các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện trên cơ sở phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, nhất là trong việc huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho xây dựng NTM.
Từng là một hộ nghèo, năm 2020, gia đình anh Loan Văn Viền (người dân tộc Dao, sống tại thôn Bản Làng, xã Vô Ngại) được xã hỗ trợ cho 20 con bò. Với sự cần cù chịu khó và được xã cho đi tập huấn về chăn nuôi, đến nay ngoài số bò của gia đình được hỗ trợ, sau khi thu hoạch đồi keo, gia đình anh đã mua thêm 20 con bò. Anh Viền cho biết: Nếu mỗi ha keo sau 6 năm thu hoạch mới được 40-50 triệu đồng, thì nuôi bò số tiền thu về là trên 200 triệu đồng đã trừ mọi chi phí. Vì vậy, số diện tích keo đã thu hoạch gia đình tôi trồng cây cỏ voi để lấy thức ăn cho bò và trồng thêm cây trà hoa vàng.
Cách làm của huyện Bình Liêu trong xây dựng NTM đang ngày càng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Đó là sự phân công rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và xác định, lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt là quán triệt tinh thần xây dựng NTM từ hộ gia đình ra thôn xóm, từ thôn xóm lên xã, từ xã lên huyện; lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân trong xây dựng NTM. Từ đó, toàn huyện đã tạo được sự đồng thuận cao và tích cực tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Đây chính là tiền đề để huyện miền núi vốn nhiều khó khăn này cán đích huyện NTM vào cuối năm 2023.
Phạm Hải
Liên kết website
Ý kiến ()