Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:55 (GMT +7)
Xây dựng những "nông dân số"
Thứ 7, 25/02/2023 | 08:58:04 [GMT +7] A A
Từ bao đời nay, việc nông dân “trông trời, trông đất, trông mây…” để sản xuất đã trở nên quen thuộc. Nhưng nay đã xuất hiện những nông dân trông vào "dữ liệu đám mây", các thiết bị kết nối thông minh để sản xuất, trở thành những "nông dân số".
Giai đoạn 2020-2022, trong bối cảnh thông thương ngừng trệ do tác động của dịch Covid-19, những hộ trồng na ở TX Đông Triều nhờ sử dụng thương mại điện tử nên đã tránh được cảnh ứ, ế sản phẩm, nguy cơ mất đi hàng trăm tỷ đồng.
Tháng 7/2021, vựa na Đông Triều với khoảng 6.500 tấn quả bước vào chính vụ thu hoạch trong hoàn cảnh chuỗi vận chuyển, tiêu thụ bị đứt gãy do thực hiện lệnh giãn cách, cách ly, phong tỏa… bởi dịch Covid-19. Những tưởng rằng nhiều tấn quả na sẽ để già, rụng trên cây hoặc xảy ra tình trạng tồn đọng, ế ẩm sản phẩm sau thu hoạch, đồng nghĩa với việc nông dân có thể bị thất thu đến 200 tỷ đồng; nhưng việc tiêu thụ vẫn ổn định, thậm chí khởi sắc hơn vụ trước.
Đó là nhờ từ việc các đơn vị chức năng đã kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn là Sendo, Voso, Lazada, Cuccu, "DongTrieu Mart"…, những hộ trồng na Đông Triều đã nhanh chóng nắm bắt, thống nhất với các đơn vị liên quan về cách thức hợp tác, phương thức thanh toán, vận chuyển, tạo lập gian hàng trên sàn… để giao dịch thương mại điện tử, chính thức bán quả na theo phương thức online. Chỉ 3 tuần sau khi bán na trên nền tảng giao dịch online, các hộ trồng na Đông Triều đã tiêu thụ được khoảng 300 tấn quả na; 1 tháng sau đó, sản lượng tiêu thụ điện tử tăng lên 1.500 tấn.
Từ sự bắt nhịp thương mại điện tử của nông dân Đông Triều đã giúp họ không chỉ vượt qua những tác động bất lợi từ dịch bệnh, mà còn hình thành những kỹ năng hội nhập thị trường, phát huy mọi kênh phân phối, tiêu thụ hiện đại để đảm bảo mang lại doanh thu, lợi nhuận. Đây rõ ràng là sự chuyển dịch rất tích cực của nông dân.
Thực tế thương mại điện tử chỉ là một trong rất nhiều những biểu hiện của số hoá mà nông dân có thể tiếp cận, ứng dụng và làm chủ. Hiện nay, những nông dân thành thị, nông dân sản xuất bằng công nghệ cao, nông dân sản xuất bằng công nghệ số, không cứ phải có ruộng vườn thẳng cánh cò bay, mà vẫn tạo ra sản lượng nông sản lớn, giá trị cao.
Ông Lê Mạnh Quy (xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) được nhiều người biết đến nhờ dòng sản phẩm có thương hiệu là trà hoa vàng Quy Hoa. Trong quá trình sản xuất, ông Quy lựa chọn phương pháp sấy đông lạnh thăng hoa để đảm bảo 99% tinh chất trong bông hoa, 97% hình thức bông hoa. Nhờ vậy mỗi bông hoa trà hoa vàng thành phẩm của thương hiệu Quy Hoa cho đến khi nằm trong ấm trà của người tiêu dùng vẫn giữ nguyên hình dáng, màu sắc, hương vị, tinh chất như khi còn đang tươi nguyên ở trên cây trà.
Tại xã Cẩm La (TX Quảng Yên), hộ nông dân Đồng Quang Cường triển khai mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm và vịt đẻ lấy trứng; quy mô sản xuất gần 30.000 con vịt thương phẩm/năm, 7.000 con vịt đẻ trứng/ngày.
Cái hay của ông Cường là việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Đàn vịt thương phẩm được nuôi trong chuồng lạnh khép kín, nghĩa là làm chủ các thông số nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với sinh trưởng và phát triển của con vịt, tránh được những tác động bất lợi từ môi trường tự nhiên. Các khâu ăn, uống của con vịt được thực hiện tự động, theo lập trình... Tất cả những thông số sản xuất đều được ông Cường cập nhật, tích hợp và điều chỉnh thông qua thiết bị smartphone.
Mục tiêu xây dựng những nông dân số, nghe thì có vẻ lạ lẫm, mới mẻ, nhưng thực chất nông dân đã và đang tự chuyển dịch, hình thành cho mình những kỹ năng số. Việc của những đơn vị chức năng là triển khai những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, qua đó nhân lên những nông dân số, trở thành số đông, ngày càng phát huy vai trò, vị thế của mình.
Với bản lĩnh cần cù, sáng tạo, sẵn sàng thử sức với cái mới của nông dân Quảng Ninh, sự quan tâm thiết thực, đúng hướng và tinh thần quyết liệt triển khai trong chuyển đổi số của các đơn vị chức năng, Quảng Ninh sẽ có đông đảo những nông dân số, bắt nhịp xu hướng chuyển động hiện nay, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.
Việt Hoa
- Số hóa trong quản lý tàu cá và khai thác hải sản
- Tạo ra chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển đổi số
- Tổ công nghệ số cộng đồng: Đóng góp tích cực vào công tác chuyển đổi số
- Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
- Thúc đẩy chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp
- Nông dân tích cực chuyển đổi số
- Thanh niên ngành Thuế tích cực tham gia chuyển đổi số
- TP Móng Cái: Ứng dụng CNTT vào khai thác, phát triển du lịch địa phương
Liên kết website
Ý kiến ()