Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:48 (GMT +7)
Phiên thảo luận tại hội trường: Nhiều giải pháp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Thứ 5, 07/12/2023 | 19:53:38 [GMT +7] A A
Chiều 7/12, tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV, dưới sự chỉ đạo, điều hành, định hướng rõ nét, khoa học của Chủ tọa kỳ họp, phiên thảo luận tại hội trường diễn ra nghiêm túc, dân chủ, sôi nổi với nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Trong đó, tập trung vào những nội dung được xem là điểm nghẽn, hạn chế, tồn tại trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH thời gian qua; đồng thời, định hình rõ một số giải pháp trọng tâm thời gian tới, quyết tâm đạt một thập kỷ tăng trưởng kinh tế 2 con số.
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, vướng mắc
Phiên thảo luận tại hội trường diễn ra nghiêm túc, dân chủ, sôi nổi, đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm. Hầu hết các ý kiến thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao với nội dung của các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh và đánh giá cao sự linh hoạt, nhạy bén, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Các đại biểu bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2023. Mặc dù là năm có những khó khăn chưa từng có từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhưng Quảng Ninh đã lập kỳ tích, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 9 năm liên tiếp. Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 vẫn còn nhiều ngành, lĩnh vực chưa đạt được như kỳ vọng của tỉnh, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thực hiện một số dự án động lực, trọng điểm…
Thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại trong năm 2023, đại biểu Vũ Đình Nhân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả), Tổ đại biểu Cẩm Phả, nhấn mạnh: Công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Năm 2023, tỷ lệ giải ngân thấp nhất từ trước đến nay. Tính đến ngày 20/11 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 51% so với kế hoạch đã phân khai chi tiết, thấp hơn so với cùng kỳ. Việc mua sắm tập trung trang thiết bị, máy móc văn phòng và mua sắm tập trung thiết bị, đồ dùng dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học trong các nhà trường. Cơ sở vật chất một số trường học được đầu tư từ lâu, đến nay không đảm bảo về diện tích các phòng bộ môn theo quy định; nhiều trường học đã đến thời hạn công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia nhưng không dám đề nghị công nhận lại, vì không đảm bảo đủ tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia…
Không chỉ dừng lại ở việc thảo luận, đánh giá, phân tích những kết quả đã đạt được, các đại biểu đã đi sâu phân tích những biện pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh trong thời gian tới. Các đại biểu đồng tình cao và cho rằng các mục tiêu, nhiệm vụ chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2024 được đặt ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đòi hòi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính tri.
Đại biểu Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều, Tổ đại biểu Đông Triều, bày tỏ thống nhất 12 chỉ tiêu cơ bản nêu trong Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Riêng chỉ tiêu nước sạch khu vực nông thôn đạt chuẩn >70%, đại biểu đề nghị cần có đánh giá hiện trạng và giải pháp cụ thể, địa bàn, số hộ, số công trình cần đầu tư, đánh giá công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư. Về các giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế các lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, đại biểu đề nghị bổ sung quan tâm đến các cụm công nghiệp ở các địa bàn nhằm hướng tới sự phát triển, tăng trưởng đồng bộ, bao trùm. Ngoài đẩy mạnh thu hút FDI, hỗ trợ ngành Than, cần quan tâm hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh; tạo hệ sinh thái, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp địa phương có lợi thế như: Ngành vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, chế biến thực phẩm, cơ khí.
Với sự thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu đã thể hiện rõ quan điểm về những giải pháp đưa ra để tháo gỡ các điểm nghẽn, giữ vững nhịp độ tăng trưởng cũng như những quyết sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, Tổ đại biểu Hạ Long, bày tỏ quan điểm: Một trong những nguyên nhân làm chậm phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn, phân bổ vốn đầu tư công hàng năm; chậm giải ngân kế hoạch đầu tư công, phải điều hòa điều chỉnh kế hoạch nhiều lần được xác định là do công tác chuẩn bị đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, công tác chuẩn bị đầu tư luôn luôn phải đi trước một bước. Năm 2024 là năm thứ 4 của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, theo quy định của Luật Đầu tư công thì cũng là năm chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau, đề nghị tỉnh sớm chỉ đạo các đơn vị sở ngành và UBND các địa phương bám sát các chủ trương của tỉnh, các quy hoạch, kế hoạch để báo cáo các cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án để khi có hướng dẫn của trung ương thì bắt tay ngay xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau.
“Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” là một trong những nội dung của chủ đề công tác năm 2024, nhiều đại biểu đã tham góp các giải pháp cụ thể hóa chủ đề công tác năm. Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Tổ đại biểu Uông Bí, nhấn mạnh: Về bản sắc con người Quảng Ninh có 8 đặc trưng “Bản lĩnh, tự cường, kỷ cương, đoàn kết, nghĩa tình, hào sảng, sáng tạo, văn minh", đây là 8 mệnh đề mang tính đồng đẳng. Tuy nhiên, để thực hiện thì nên triển khai cái gì trước, cái gì sau, không dàn trải. Trong đó, tập trung xây dựng 2 đặc trưng "Nghĩa tình" và "Hào sảng" trở thành nét đẹp riêng của con người Quảng Ninh. Điều này góp phần tạo dấu ấn đặc trưng của văn hoá con người Quảng Ninh và để lại dấu ấn cho nhà đầu tư và du khách. Các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024 được đề ra và những nhiệm vụ phát triển văn hóa, chăm lo cho đời sống nhân dân nếu được thực hiện thành công, Quảng Ninh sẽ không chỉ lập kỳ tích, mà còn lập “kỳ công” trên chặng đường phát triển.
Thảo luận về các tờ trình, dự thảo nghị quyết, các đại biểu đồng tình cho rằng các chính sách được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp đều là những chủ trương hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn.
Tham góp vào dự thảo Nghị quyết về quy định một số chính sách thu hút và hỗ trợ bác sỹ luân phiên thuộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, đại biểu Đinh Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bản Sen (huyện Vân Đồn), Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô, đề nghị xem xét quy định thời gian cam kết làm việc tại đơn vị sau thu hút đối với tất cả các đối tượng thu hút như nhau với một mốc thời hạn 7 năm hoặc 10 năm để đảm bảo công bằng về thời gian cống hiến, công tác giữa các đối tượng như nhau của chính sách. Đồng thời, nghiên cứu mức hỗ trợ với riêng huyện Cô Tô cao hơn 12 địa phương khác còn lại của tỉnh vì đây là huyện đảo tiền tiêu xa đất liền nhất. Về cơ chế bồi hoàn kinh phí hỗ trợ, đại biểu đề nghị nghiên cứu đối với các trường hợp mới nhận công tác trong thời gian ngắn (từ 1-2 năm), nhưng do lý do ốm đau, bệnh tật, tai nạn không đủ sức khỏe lao động chưa cống hiến, đóng góp được nhiều thì xem xét bồi hoàn mức khác với các trường hợp tương tự như trên nhưng đã có thời gian công tác cống hiến lâu năm hơn nhưng chưa đủ thời gian quy định của chính sách thu hút.
Vì sự phát triển của tỉnh và lợi ích của nhân dân
Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh. Trong bối cảnh các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường thế giới vẫn còn hiện hữu, nền kinh tế cả nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tỉnh Quảng Ninh cũng đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Với quyết tâm cao nhất, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bền vững trên 10% đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 khi quy mô nền kinh tế hết năm 2023 đã ở mức rất cao (trên 310.000 tỷ đồng). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 với 12 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội - môi trường và xác định chủ đề năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên rất cần sự kiên định, nhất quán, vững vàng, trăn trở tìm tòi các giải pháp; không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, đổi mới sáng tạo trong khâu tổ chức thực hiện với tinh thần làm đúng, làm nhanh, làm tốt, “5 thật”, “6 dám”; nhạy bén xử lý kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn; sự quản lý, điều hành nhạy bén, quyết liệt, có hiệu quả của chính quyền các cấp; sự nỗ lực đổi mới đồng bộ, có hiệu quả nội dung, phương thức hoạt động của HĐND các cấp. Đồng thời, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh; phát huy dân chủ, giá trị văn hóa, tinh thần, sức mạnh con người, ý chí tự lực, tự cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, cán bộ, đảng viên, nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh.
Với hơn 17 ý kiến tham gia thảo luận tại hội trường là những tham góp thiết thực, cụ thể, góp phần nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cũng như ban hành cơ chế, chính sách sát thực tiễn, bảo đảm cho sự ổn định, đổi mới phát triển của tỉnh trong năm 2024, mà cả giai đoạn 2020 - 2025.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng: Sự điều hành linh hoạt, gợi mở các vấn đề sát, trúng của Chủ tọa Kỳ họp, và tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh đã tâm huyết, tập trung trí tuệ, trách nhiệm thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương. Các đại biểu cũng thẳng thắn tham gia thảo luận vào các nhóm vấn đề trọng tâm, nhóm vấn đề còn nhiều trăn trở, định vị rõ những khó khăn, tồn tại; chỉ ra các tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 để đề xuất những giải pháp điều hành hiệu quả trong năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.
Đặc biệt, những trăn trở cũng như đề xuất giải pháp của các đại biểu trong lĩnh vực đầu tư công, cụ thể là giải ngân kế hoạch đầu tư công sẽ thúc đẩy các sở, ngành, địa phương để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Theo lãnh đạo các ngành, địa phương, trong năm tới tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, khắc phục các tồn tại hạn chế trong công tác chuẩn bị đầu tư và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Đồng thời, bám sát các chủ trương của tỉnh, các quy hoạch, kế hoạch để báo cáo các cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án để khi có hướng dẫn của trung ương thì bắt tay ngay xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau; chủ động phối hợp với các sở ngành, địa phương ngay từ khi chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm…
Qua theo dõi truyền hình trực tiếp phiên thảo luận tại hội trường, các cử tri, nhân dân trong toàn tỉnh đánh giá cao sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, tổ đại biểu. Bà Trần Thị Vân (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) cho biết: Phiên thảo luận tại hội trường diễn ra nghiêm túc, dân chủ, sôi nổi, đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm. Các đại biểu tập trung đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả đạt được trong năm 2023, cũng như đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực cho năm 2024. Trong đó có nhiều ý kiến tham gia vào các tờ trình, dự thảo nghị quyết dự kiến sẽ ban hành tại Kỳ họp, nhất là về cơ chế, chính sách về đảm bảo an sinh xã hội, cho thấy được các đại biểu đã quan tâm đến những kiến nghị, phản ánh của nhân dân. Chúng tôi ghi nhận, đánh giá rất cao.
Tin tưởng với những ý kiến tham gia, giải pháp đề xuất của các đại biểu HĐND tỉnh được tiếp thu đầy đủ và đưa vào triển khai thực hiện cũng như xem xét ban hành các cơ chế, chính sách đúng, trúng, phục vụ sự phát triển bền vững của tỉnh, phục vụ cho lợi ích của nhân dân.
Thu Chung - Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()