Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:36 (GMT +7)
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, bền vững
Thứ 7, 27/01/2024 | 07:49:49 [GMT +7] A A
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thời gian qua, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh quan tâm, đẩy mạnh. Bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh cũng có cơ chế thu hút, giữ chân người tài ở lại địa phương lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh để cống hiến, sáng tạo.
Hơn chục năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu xây dựng và triển khai hiệu quả nhiều quyết sách, cơ chế quan trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nổi bật là: Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 9/6/2014, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND, của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025…
Tại Trường Đại học Hạ Long, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực uy tín của tỉnh, nhờ có những chính sách hỗ trợ của tỉnh về đội ngũ, sau 9 năm thành lập và hoạt động, Trường đã có 4 phó giáo sư, 41 tiến sĩ, 197 thạc sĩ. Nhà trường còn có 11 nghiên cứu sinh, 8 người đang học cao học. Trong quá trình làm việc, các tiến sĩ, thạc sĩ thu hút đã có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo giúp trường đẩy mạnh công tác tuyển sinh, cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Hằng năm, nhà trường tiếp nhận hàng trăm chuyên gia, tình nguyện viên quốc tế ở nhiều quốc gia đến nghiên cứu, hỗ trợ giảng dạy, qua đó đa dạng hóa hoạt động giảng dạy, tạo điều kiện cho giảng viên nhà trường có cơ hội tiếp xúc, học hỏi chuyên môn, phương pháp dạy học, giáo dục quốc tế. Trường cũng chủ động cử giảng viên tham gia các hoạt động hội thảo, tập huấn, học tập tại các cơ sở đào tạo nước ngoài, tạo cơ hội thúc đẩy giao lưu văn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tạo dựng môi trường quốc tế để giảng viên có cơ hội cọ sát, học hỏi kinh nghiệm, tạo kỹ năng cần thiết hòa nhập vào môi trường quốc tế. Với đội ngũ giảng dạy chất lượng cùng với các yếu tố đầu tư về cơ sở vật chất, chương trình học, chất lượng giảng dạy của nhà trường ngày một nâng lên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cao của thực tiễn.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh đã tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên môn, như: Công nghệ, y tế, giáo dục, môi trường, nông nghiệp; bồi dưỡng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác du lịch, cán bộ địa phương biên giới... Cùng với đó, đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC; ưu tiên những ngành, nghề, lĩnh vực mà tỉnh cần đáp ứng nguồn nhân lực thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp và hội nhập, về ngoại ngữ, du lịch, dịch vụ, cải cách hành chính, quản lý đô thị, tin học... Năm 2023, toàn tỉnh có 25.116 lượt CBCCVC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, kinh phí dự kiến là 1.133 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Theo đề án, Quảng Ninh dự kiến đào tạo trong nước đối với 62.900 CBCCVC, tương ứng 1.005 lớp học; đào tạo bồi dưỡng tại tỉnh 750 CBCCVC theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài 1.100 CBCCVC tương ứng 55 lớp học...
Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng luôn bám sát chủ đề công tác năm của tỉnh, các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm và yêu cầu thực tiễn. Từ đó, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% CBCCVC trong các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thành thạo các ứng dụng của chính quyền số; trên 60% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng thành thạo các dịch vụ đô thị thông minh; 100% người dân có định danh số...
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()