Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:25 (GMT +7)
"Xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu, tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp như lời Bác Hồ đã căn dặn" (*)
Thứ 7, 12/11/2016 | 02:06:10 [GMT +7] A A
(Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam)
Kính thưa các vị lão thành cách mạng,
Kính thưa các vị đại biểu,
Thưa toàn thể đồng chí, đồng bào!
Hôm nay tôi rất vui mừng và phấn khởi về dự Lễ mít tinh kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tôi xin chúc mừng toàn thể nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh và các thế hệ cán bộ, công nhân ngành Than; chúc toàn thể đồng bào, đồng chí sức khoẻ, thành đạt trong sự nghiệp xây dựng Vùng mỏ và ngành Than ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi lễ. |
Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!
Cách đây tròn 80 năm, từ đêm 12, rạng ngày 13-11-1936 đã nổ ra cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ vùng than từ Cẩm Phả, Hòn Gai đến Uông Bí, Đông Triều đấu tranh với chủ mỏ, đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi quyền dân chủ, dân sinh với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng”. Cuộc tổng bãi công kéo dài gần 10 ngày, cuối cùng đã giành được thắng lợi to lớn. Bọn thực dân, chủ mỏ đã buộc phải ký kết thoả ước chấp nhận những yêu sách của phu mỏ. Thắng lợi đó đã làm rung chuyển bộ máy thống trị của thực dân Pháp, làm cho bọn chủ mỏ khiếp sợ. Đây là đỉnh cao của phong trào công nhân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong cao trào cách mạng 1936-1939. Một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta do Đảng lãnh đạo.
Từ những năm đầu mới thành lập Đảng, Vùng mỏ Quảng Ninh là trường học thực tiễn, tôi luyện ý chí kiên cường của các chiến sĩ cộng sản. Nhiều chiến sĩ cộng sản đi “vô sản hoá” ở đây sau này đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, như các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ... Đó là niềm tự hào và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ cán bộ, công nhân ngành Than và nhân dân các dân tộc của Quảng Ninh hôm nay.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, các thế hệ cán bộ, công nhân Vùng mỏ đã cùng nhân dân cả nước anh dũng đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cán bộ, công nhân đã anh dũng hy sinh trên chiến trường và ngay trên công trường, nhà máy của Vùng mỏ thân yêu này, máu và mồ hôi của họ đã góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp xây dựng và thống nhất đất nước. Công lao đó của lớp người đi trước mãi mãi được các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau ghi nhận và nguyện phấn đấu noi theo.
Thưa đồng bào, đồng chí!
Than là ngành cung cấp năng lượng quan trọng cho phát triển kinh tế nước ta. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư xây dựng đội ngũ công nhân ngành Than. Trong quá trình xây dựng và phát triển, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các thế hệ cán bộ, công nhân ngành Than đã lao động cần cù, sáng tạo, tận dụng cơ hội, vượt qua thử thách với mục tiêu là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc. Cho tới hôm nay, so với năm 1995 khi mới thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam, sản lượng than khai thác đã tăng gấp 5 đến 6 lần, tổng doanh thu tăng gấp 43 lần, thu nhập bình quân của người lao động tăng 13 lần; Tập đoàn đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước giao, vốn chủ sở hữu tăng 40,4 lần; đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 13.000 tỷ đồng mỗi năm.
Ngành Than Việt Nam đã hai lần hoàn thành trước thời hạn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII và lần thứ IX đề ra; đã đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và dành một phần hợp lý để xuất khẩu, góp phần cân đối tài chính và có tích luỹ. Từ sản xuất than tại địa bàn Quảng Ninh, ngành Than đã đầu tư các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khoáng sản, điện lực, hoá chất, cơ khí và một số lĩnh vực khác; đã đầu tư 2 dự án khai thác bauxit tại tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông làm thức dậy vùng tài nguyên Tây Nguyên đầy tiềm năng, đã góp phần tích cực đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trọng điểm của đất nước. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ngành Than đã tiến hành thoái vốn khỏi các lĩnh vực không thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính để tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu là than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp và các ngành công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho công nghiệp mỏ; năm 2015 tổng doanh thu toàn ngành đạt trên 100.000 tỷ đồng. Trong những năm qua, ngành Than đã có những giải pháp chủ động, linh hoạt theo cơ chế thị trường để chỉ đạo, điều hành sản xuất - tiêu thụ phù hợp, ổn định tư tưởng, việc làm và thu nhập cho người lao động; luôn động viên và khơi dậy tinh thần làm chủ, sáng tạo, vượt khó của đội ngũ cán bộ, công nhân, phấn đấu vươn lên, liên tiếp hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch được Đảng và Nhà nước giao. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ngành Than đã phối hợp tốt với tỉnh Quảng Ninh trong việc lập lại trật tự trong sản xuất - kinh doanh than, bảo vệ môi trường Vùng mỏ, làm tốt công tác an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích mà nhân dân tỉnh Quảng Ninh và cán bộ, công nhân ngành Than - Khoáng sản Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Kính thưa đồng chí, đồng bào!
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xây dựng ngành Than - Khoáng sản Việt Nam phát triển bền vững, xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, tôi đề nghị tỉnh Quảng Ninh, ngành Than - Khoáng sản Việt Nam cần làm tốt một số công việc sau:
Một là: Phải thường xuyên tuyên truyền giáo dục cho đội ngũ công nhân, cán bộ về truyền thống yêu nước của dân tộc ta, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của những người thợ mỏ. Coi truyền thống đó là một tài sản tinh thần vô giá, một động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là: Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong lao động sản xuất, nhằm nâng cao mức độ đảm bảo an toàn cho người lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm giá thành sản xuất; tăng cường các mặt quản lý doanh nghiệp để tăng cường sức cạnh tranh của các sản phẩm, qua đó giữ vững vai trò là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Bộ Chính trị khoá X.
Ba là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng nhà nước chính quyền vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XII); đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Bốn là: Tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc với tỉnh Quảng Ninh theo phương châm tỉnh với than là một, nhằm phát huy cao độ tiềm năng, tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế và an sinh xã hội một cách toàn diện trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, gắn việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh với việc bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, góp phần tích cực vào việc xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
Thưa đồng bào, đồng chí!
Lịch sử truyền thống 80 năm của ngành Than luôn gắn với những bước phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đã phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, quyết tâm đổi mới, sáng tạo tìm mọi giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, nắm bắt thời cơ, có nhiều đổi mới, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh. Quảng Ninh là tỉnh có tiềm năng rất lớn về tài nguyên, khoáng sản và du lịch. Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới; từ Đông Triều đến Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái,... đều có các địa danh thắng cảnh và du lịch hấp dẫn. Do đó, tỉnh cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục triển khai các quy hoạch và định hướng phát triển các ngành kinh tế có thế mạnh của tỉnh gắn liền với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường. Phối hợp chặt chẽ với ngành Than chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Phải phát triển hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ và giữ gìn, tu tạo di sản thiên nhiên thế giới, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ biên cương, biển đảo của Tổ quốc.
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc là những trụ cột góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia phải xung kích, đi đầu, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và mục tiêu phát triển của đất nước.
Tôi mong rằng cán bộ, công nhân ngành Than Việt Nam và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” ra sức phấn đấu, lao động sáng tạo, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2016-2020, xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu và tỉnh Quảng Ninh trở thành một địa phương giàu đẹp, văn minh như lời Bác Hồ đã căn dặn, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh.
Xin kính chúc các quý vị đại biểu, cùng toàn thể đồng bào, đồng chí luôn mạnh khoẻ và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!
(*) Đầu đề của Toà soạn
Liên kết website
Ý kiến ()