Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:29 (GMT +7)
Xây dựng ngân hàng địa danh Quảng Ninh
Chủ nhật, 02/01/2022 | 13:08:25 [GMT +7] A A
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình kiến trúc, giao thông đã được xây dựng mới khang trang, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mong mỏi của nhân dân, đang rất cần được đặt tên mới cho phù hợp. Tình hình đó đặt ra yêu cầu bức thiết cần xây dựng một ngân hàng địa danh Quảng Ninh.
Đặt tên đường, tên phố là một khoa học trong công tác quản lý hành chính. Ngày 23/9/2012, UBND tỉnh có Quyết định số 330/QĐ-UBND ban hành Quy chế tạm thời đặt tên đường, phố, công viên trong toàn tỉnh. Đây là cơ sở ban đầu để đặt tên cho đường, phố, công viên.
Đáp ứng đòi hỏi thực tế, vào ngày 29/9/2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã có Quyết định số 839/QĐ- SVHTT về việc ban hành ngân hàng dữ liệu tên đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ngân hàng dữ liệu tên đã có tổng số 445 tên với 73 tên thuộc danh mục di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh; 24 tên là danh từ có ý nghĩa tiêu biểu; 33 tên là địa danh; 38 tên là phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng tiêu biểu và 277 tên danh nhân.
Trong từng nhóm, các dữ liệu tên đều được phân loại theo nguyên tắc xếp loại tên theo thứ tự chữ cái A, B, C. Mỗi địa danh lại được tóm tắt nội dung, ý nghĩa và ghi rõ nguồn gốc trích dẫn tư liệu. Sở cũng đã phát phiếu khảo sát, thu thập, tổng hợp tư liệu, ý kiến tham gia, cung cấp thông tin của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Là đồng tác giả công trình "Địa danh Quảng Ninh xưa và nay", ông Nguyễn Cảnh Loan được lấy ý kiến về việc xây dựng ngân hàng địa danh Quảng Ninh. Ông Loan cho biết, ông đã góp ý bổ sung thêm cho ngân hàng này đến vài trăm mục địa danh về Quảng Ninh. Trong kho tàng địa danh Quảng Ninh xưa nay có tới 76 đơn vị hành chính cấp xã đặt tên phố, tên thôn theo số từ 1 đến 18. Trong khi đó, từ thế kỷ 15, người Việt đã đặt tên thôn, làng, núi, sông, cánh đồng mang đậm mối quan hệ của thôn xóm. Những địa danh đó là sản phẩm văn hóa dân gian rất đáng tự hào, đáng được trân trọng, nâng niu bảo vệ theo tinh thần giữ gìn văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Trung ương Đảng.
Rất tiếc do nhiều nguyên nhân, nhiều lý do cả chủ quan và khách quan, từ năm 1988 đến nay, các địa phương đã xóa tên 602 thôn, bản, phố, khu dân cư cũ thay bằng số dẫn đến trùng lắp không đáng có.
Ông Nguyễn Cảnh Loan thông tin thêm: Đến nay, toàn tỉnh có trên 100 địa danh chỉ tồn tại trên sách báo trong khi những địa danh mang tên con số thì trùng lặp quá nhiều. Việc đặt tên phải xuất phát từ tâm tư, tình cảm của người dân sống trong vùng, không nên máy móc, rập khuôn gây khó dễ cho người dân trong việc tìm kiếm, ghi nhớ.
Do đó, ông đề nghị nên bổ sung vào ngân hàng dữ liệu tên thêm các nhân vật lịch sử, các sự kiện lớn, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động ở Quảng Ninh được nhân dân yêu mến. Quá trình vận dụng nên quan tâm đến các địa danh cổ trên địa bàn. Có biện pháp tôn vinh bằng cách lấy lại tên các xã, huyện đã tồn tại từ 200 năm trở lên, để khơi dậy lòng tự hào của cư dân đang cư trú trên địa bàn.
Tuyệt đối không nên sử dụng cách đặt tên kiểu đánh số để đặt cho các công trình mới, đường phố mới, đơn vị hành chính mới dễ dẫn đến sự chồng chéo, cơ học, nghèo nàn về ngôn ngữ. Sử dụng địa danh đã có từ xưa để đặt tên cho địa danh mới, công trình mới vừa thể hiện tầm cao văn hóa của cơ quan hoạch định đơn vị hành chính ở địa phương vừa hợp lòng dân, góp phần thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Phạm Học
- Sắp diễn ra Triển lãm 'Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và Sản phẩm thủ công truyền thống'
- Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa
- Quảng Yên có thêm 1 di sản văn hóa quốc gia, 1 di tích quốc gia
- "Quảng Ninh đã rất trân trọng giá trị các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa"
Liên kết website
Ý kiến ()