Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:47 (GMT +7)
Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở vùng khó - Bài 2: Vùng khó nhưng… không khó
Thứ 3, 24/10/2017 | 18:11:11 [GMT +7] A A
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đang trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, thường xuyên, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương, đặc biệt tại các thôn, bản còn nhiều khó khăn.
Quảng Mới - Nếp sống mới
Đến Quảng Mới (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) một ngày đầu tháng 10/2017, chúng tôi cảm nhận sự thay đổi rõ rệt của một bản thuộc xã vùng cao biên giới, đặc biệt khó khăn. Đường vào bản rộng rãi, sạch sẽ, hai bên trồng nhiều hoa và cây xanh; những cánh đồng lúa trải dài, vàng óng, ngát hương. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn cả về sự đổi thay là khi đến thăm một số hộ gia đình trong bản: Nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo được treo gọn gàng trong tủ; bếp núc cao ráo, sáng sủa; nhà tiêu hợp vệ sinh; chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà ở, nguồn nước ăn; rác thải được thu gom tự xử lý…
Ông Hoàng Sinh Hưng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Quảng Mới, giới thiệu với tác giả về tuyến đường được bà con trồng cây thuốc nam hai bên, cuối tháng 9/2017. |
Đạt được kết quả này là sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là những cán bộ cơ sở, gần dân, sát dân và từ chính người dân. Ông Hoàng Sinh Hưng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Quảng Mới, dáng vẻ toát lên khí chất của người tâm huyết với công việc, chia sẻ với chúng tôi: Để có được thành quả như ngày hôm nay, bên cạnh công tác tuyên truyền, bản Quảng Mới nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện và các đoàn thể. Như đầu năm vừa rồi, các đơn vị tham gia hỗ trợ san gạt 250m lề đường, đổ gần 500m3 đất để làm bồn hoa, trồng được 60 cây xanh hai bên tuyến đường trong bản. Cán bộ các đoàn thể “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn dọn vệ sinh nhà cửa, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng cho trên 50 hộ gia đình; vệ sinh môi trường, phát quang cỏ dại; tặng tủ sách trị giá gần 5 triệu đồng cho nhân dân bản… Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức của người dân bản về giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. “Bản Quảng Mới còn nhiều khó khăn lắm, nhưng người dân nơi đây rất chăm chỉ, cộng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ngành, địa phương, nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã tốt hơn so với một vài năm trở lại đây. Thấy được sự đổi thay này, người dân bản ai cũng vui mừng, phấn khởi và quyết tâm làm tốt hơn” - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản nói với giọng tự hào.
Thăm gia đình chị Tằng Nhì Múi, một trong những hộ đi đầu trong phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở bản Quảng Mới (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà). |
Khiêm tốn khi nói về những đóng góp của cán bộ cơ sở, ông Hoàng Sinh Hưng cho rằng: “Điều tiên quyết để giúp bản Quảng Mới được như ngày hôm nay là sự đồng lòng, đồng thuận của bà con khi tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của xã, của huyện phát động; chịu thay đổi nếp sống cũ, phong tục, tập quán lạc hậu đã ăn sâu từ bao đời nay. Tôi có thể khẳng định, đến nay nhận thức của bà con đã thay đổi rất nhiều, nếu nói một con số ước lượng thì phải thay đổi đến 70% rồi đấy”.
Ở bản Quảng Mới bây giờ, nhiều tập tục lạc hậu, rườm rà trong lễ tang, lễ cưới đã được loại bỏ, thời gian diễn ra được rút ngắn chỉ trong 1 ngày, đảm bảo tiết kiệm, văn minh nhưng vẫn trang trọng; số hộ sinh con thứ 3 giảm rõ rệt. Nhiều nét đẹp văn hóa, giá trị truyền thống được các cấp chính quyền và đồng bào dân tộc Dao nơi đây gìn giữ và phát huy, như các lễ hội truyền thống, sắc phục, món ăn đặc sắc… Các phong trào phát động được các hộ gia đình trong bản hưởng ứng nhiệt tình, như phong trào ngày chủ nhật xanh.
Chị Tằng Nhì Múi (bản Quảng Mới) phấn khởi: “Tuần nào gia đình tôi cũng cùng các hộ trong bản tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh ngõ xóm, nhổ cỏ, trồng cây xanh. Thấy đường xóm sạch sẽ, đẹp đẽ, ai cũng thấy cuộc sống vui vẻ hẳn lên, nhất là sau những chiều lên nương rẫy mệt mỏi trở về nhà. Trong nhà, giờ sạch hơn rồi, các hộ chịu khó dọn dẹp nhà cửa lắm, rác thải thì không vứt bừa bãi nữa. Đường sạch, nhà đẹp, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Biết như thế này chúng tôi đã thay đổi lâu rồi”.
Người dân thôn Nà Bắp (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) định kỳ dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. |
Tương tự như ở bản Quảng Mới, thôn Nà Bắp - thôn đặc biệt khó khăn của xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) cũng thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Dù chưa là điểm sáng như Quảng Mới và còn một vài tồn tại, nhưng nhận thức của người dân nơi đây đã thay đổi đáng kể. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nà Bắp Chíu A Nhì cho biết: “Cùng với sự hỗ trợ của huyện và xã, thôn đã tích cực vận động, giúp đỡ các hộ gia đình xây nhà tiêu mới hợp vệ sinh; tổ chức tổng vệ sinh định kỳ 3-4 lần/tháng; trồng hoa, cây xanh, khoảng 1km đường vào thôn. Bây giờ cứ đến ngày cuối tuần là các hộ dân cùng với các đoàn thể trong thôn tổ chức quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải về nơi xử lý tập trung theo quy định; nhổ cỏ, chăm sóc cây xanh hai bên đường vào thôn. Tình trạng chăn, thả rông gia súc, gia cầm, phóng uế trên đường làng đã giảm rõ rệt. Thôn có hòm thư góp ý đặt tại Nhà văn hóa, để sẵn bút, giấy cho nhân dân góp ý. Trưởng thôn chịu trách nhiệm mỗi tuần mở hòm thư 1 lần và chuyển thư góp ý lên UBND xã...".
Những thành quả mà các thôn, bản này đạt được đến thời điểm này đáng để các địa phương khác trong tỉnh học tập.
Nhân rộng “văn hóa, văn minh”
Quảng Mới, Nà Bắp chỉ là 2 trong một số thôn, bản ở vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Theo báo cáo của tỉnh, kể từ khi thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, nhân dân ở các thôn, bản khó khăn, nhất là các đồng bào dân tộc thiểu số đã ý thức được việc thay đổi nếp sống cũ hằng ngày, tích cực học hỏi, tham gia sinh hoạt cộng đồng. Nhờ đó mà tỷ lệ gia đình văn hóa tăng từng năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm rõ rệt; điển hình như xã đặc biệt khó khăn Quảng Sơn (huyện Hải Hà), tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2016 là 50%, năm 2017 dự kiến đạt 70%...
Cùng với đó, tình trạng rác thải bừa bãi đã được hạn chế rất nhiều, phong trào “5 không, 3 sạch” được nhân rộng. Các hộ dân đã đoàn kết, giúp đỡ nhau, số vụ việc mâu thuẫn giảm nhiều. Như ở xã đặc biệt khó khăn Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), trong năm vừa qua đã vận động, giúp đỡ 200 hộ gia đình xây nhà tiêu mới hợp vệ sinh; cung cấp 30 xe đẩy rác và tổ chức tổng vệ sinh định kỳ tại các thôn 2-4 lần/tháng; đã đưa vào sử dụng lò đốt rác thôn Tân Tiến, từ đó vận động và tổ chức cho 306 hộ gia đình, cơ quan tham gia dịch vụ vệ sinh môi trường; giải quyết triệt để đơn thư phát sinh mới, 14/14 đơn thư khiếu nại tồn tại…
MTTQ và các đoàn thể huyện, xã cùng với nhân dân bản Quảng Mới (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) tham gia làm bồn hoa và trồng cây dọc đường vào bản. |
Những chuyển biến tích cực trong thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh phải kể đến việc nhân dân đồng thuận loại bỏ những hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Các đám cưới hiện được thực hiện đúng quy định về đăng ký, cấp giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở UBND xã; các nghi lễ theo phong tục trước và sau khi cưới được tổ chức đơn giản, vui vẻ, lành mạnh. Các đám cưới không còn mời khách tràn lan, mà tổ chức tiệc cưới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình; lệ ăn cỗ cả làng như trước kia đã được xóa bỏ. Tương tự trong việc tang, các hủ tục được hạn chế, đẩy lùi từng bước. Tang lễ được tổ chức theo truyền thống văn hóa dân tộc và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình, địa phương. Đặc biệt, các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà..., những hủ tục, thói quen cũ như tảo hôn, mê tín dị đoan, ma chay, cưới hỏi dài ngày, ăn, ở mất vệ sinh đã giảm rõ rệt.
Đường vào các thôn, bản vùng khó trong tỉnh hiện sạch, đẹp hơn rất nhiều nhờ thành quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh. Trong ảnh: Đường vào thôn Nà Bắp (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ). |
Kết quả trên có thể khẳng định, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở vùng khó sẽ không khó nếu địa phương có những cách làm sáng tạo, giải pháp thực hiện đúng, phù hợp với thực tiễn ở cơ sở và lấy người dân làm chủ thể. Sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể; gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên; hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” tận tình của các cán bộ cơ sở, không ngại khó, ngại khổ; đổi mới cách thức tuyên truyền; duy trì chế độ kiểm tra đột xuất; khen thưởng kịp thời những hộ dân tiêu biểu; nắm bắt kịp thời những mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đề xuất, hiến kế những cách làm hay cho chính quyền… là những cách làm hiệu quả, sáng tạo mà Quảng Ninh đã triển khai thời gian qua. Nhờ đó, đã giúp người dân có ý thức hơn, hiểu biết hơn và nhận thức rõ vai trò của chính bản thân trong việc tạo ra diện mạo mới cho làng, xóm; nâng cao đời sống kinh tế gia đình, làm điểm tựa vững chắc cho thoát nghèo bền vững, hướng đến làm giàu.
Thu Chung - Hồng Ngọc
(Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()