Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:31 (GMT +7)
Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở vùng khó - Bài 1: Thay đổi từ tư duy
Chủ nhật, 22/10/2017 | 15:15:19 [GMT +7] A A
Ý thức vệ sinh kém, rác thải vứt tràn lan, nước sinh hoạt không qua xử lý thải ra môi trường, chuồng trại chăn nuôi ngay cạnh khu vực nước ăn; tập tục lạc hậu… là tình trạng còn tồn tại ở nhiều khu vực nông thôn trong tỉnh Quảng Ninh hiện nay. Để cải thiện tình trạng này, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, triển khai sâu, rộng, thường xuyên, liên tục, bằng nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo, với mong muốn xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh không chỉ ở đô thị, mà cả khu vực nông thôn, vùng khó khăn.
Ngôi nhà của hộ ông Chìu Tác Và (thôn Lý Quáng, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà). |
Văn minh bản khó - khó từ nếp nghĩ
Chúng tôi đến thôn Lý Quáng (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) trong một ngày mưa, cái mưa vùng núi cao khiến mọi thứ ảm đạm, như chính ngôi nhà của ông Chìu Tác Và. Ông Và năm nay 67 tuổi, người dân tộc Dao, ở cái miền sơn cước này, có lẽ gia đình ông là hộ nghèo nhất, giữa những triền núi là ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, nhếch nhác áo quần, đồ dùng che khắp, khiến ngôi nhà chưa đầy30m2 càng chật chội. Ông đang chuẩn bị nấu cơm trưa trong gian bếp tối om, được dựng tạm bợ bằng phên liếp. Tiếp chúng tôi với một thái độ e ngại, lảng tránh và miễn cưỡng, nhưng không xa lạ, như thể đây không phải là lần đầu có đoàn khách trên xã, huyện xuống, ông Và và đứa cháu nội tầm 5 tuổi chỉ cười trừ trước những câu hỏi. Gặng hỏi mãi ông vì sao để nhà cửa như thế này, ông Và thủng thẳng: “Nhà không quét dọn đâu, kệ thôi!”
Như hiểu rõ sự ái ngại của chúng tôi, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn chia sẻ: Ngôi nhà của gia đình ông Và được xây dựng năm 2010, từ vốn ưu đãi của chương trình 167. Ấy thế mà sau hơn 6 năm, ngôi nhà đã chẳng còn hình hài khang trang ban đầu, thay vào đó là sự nhếch nhác, cũ kỹ, mạng nhện, quần áo, chăn mùng để khắp, từ gian trong ra gian ngoài, khiến ai cũng ái ngại. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho biết đây không phải là lần đầu đoàn cán bộ của thôn, xã, và huyện xuống động viên, vận động, tuyên truyền gia đình ông Và ăn ở, sinh hoạt giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, tuyên truyền cũng nhiều, làm hộ cũng có, nhưng gia đình ông Và vẫn giữ thói quen sinh hoạt cũ. Ngay cả đến bây giờ, khi gia đình con trai cả đã có cháu nhỏ và chuẩn bị đón thêm một thành viên mới thì dường như vấn đề vệ sinh trong ăn ở cũng chưa bao giờ được ông Và cũng như các thành viên khác trong gia đình quan tâm đến. Khi chúng tôi chuẩn bị rời đi thì con trai lớn của ông từ xã về. Biết lý do chúng tôi đến, anh nói: “Còn phải đi kiếm tiền, phải đi ra ruộng, không có thời gian mà dọn nhà đâu. Ở đây nhiều nhà cũng thế mà, quen rồi...!”.
Khu bếp tạm bợ, ẩm thấp, đồ đạc để lộn xộn... của hộ ông Chìu Tác Và. |
Chúng tôi tạm biệt gia đình ông Và với lời dặn dò quen thuộc của đồng chí cán bộ xã: “Ông Và nhớ nhắc cả nhà giữ gìn vệ sinh chung nhé, ăn chín uống sôi, ở sạch, khi nào nắng lên thì dặn con dâu quét dọn lại nhà, giặt chăn chiếu đi mà chuẩn bị đón cháu mới, không cháu sinh ra dễ ốm đấy!”. Ông Và vẫn cười trừ, nụ cười nhạt nhòa như cơn mưa bản ngày đầy mây, cũng ảm đạm như chính căn nhà ẩm thấp của ông giữa chốn núi rừng. Việc thay đổi tư duy, thói quen sinh hoạt, ăn ở cho văn minh, lành mạnh của đồng bào dân tộc chưa từng dễ dàng, nhất là khi thói quen ấy đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống, thậm chí là phong tục tập quán của họ.
Chúng tôi tiếp tục đến thôn Nà Bắp (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ), là một trong những thôn đang triển khai tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới..., bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân nơi đây chưa ý thức được cần phải thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ, cách làm trong xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.
Ngôi nhà của hộ anh Chíu A Năm (thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ). |
Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn khi vận động bà con thôn, bản thay đổi thói quen sinh hoạt, tập tục lạc hậu, chị Chìu Thị Hoa, cán bộ Hội LHPN xã Đồn Đạc, cho biết: “Đã từng có thời gian chúng em thực sự bất lực, khi mà không nhận được sự hợp tác từ người dân. Mình triển khai thì cứ triển khai, nhưng nếu không có sự tham gia ủng hộ của người dân thì tất cả những cố gắng, nỗ lực của chính quyền coi như vô ích. Dân mình vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa chủ động tham gia vào các hoạt động cộng đồng, nhất là việc thay đổi nếp sống cũ, lạc hậu, do đó cần phải sự tác động thường xuyên, liên tục của chính quyền, đoàn thể. Nhiều lần đi vận động bà con, chúng em nhận không ít lời dè bỉu, thậm chí khá nặng lời của người dân. Nhưng quả thực, nhìn thấy cảnh bà con mình sinh hoạt, chúng em thật không thể đành lòng. Xã hội phát triển rồi, nông thôn bây giờ cũng phải thay đổi thôi, thế mới gọi là nông dân hiện đại được chị nhỉ...!”.
Chị Chìu Thị Hoa, cán bộ Hội LHPN phụ nữ xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) cùng Trưởng thôn Nà Bắp, đi tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt. |
Xác định rõ những khó khăn này, các đoàn thể trong thôn, xã tiếp tục vận động bà con tự giữ gìn vệ sinh quanh hộ gia đình, đường làng, ngõ xóm. Dù công cuộc này chắc còn phải mất nhiều thời gian, nhưng những kết quả ban đầu sẽ là động lực để chính quyền xã, các cấp hội tiếp tục cùng bà con xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.
Khó mấy cũng phải làm
Thực trạng trên vẫn còn tồn tại ở nhiều khu vực nông thôn, nhất là những vùng còn khó khăn, khi nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường cho người dân, nhiều phong trào, cuộc vận động đã được tỉnh phát động triển khai, hưởng ứng, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu văn hóa”; “Ngày chủ nhật xanh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Bước đầu đã cho thấy có sự chuyển biến rõ rệt về ý thức của người dân, tuy nhiên chưa sâu, chưa bền vững, bởi thói quen ỷ lại, trông chờ vẫn còn. Nếu không có sự tham gia của đoàn thể, không tiếp tục vận động thì chỉ sau một thời gian là lại đâu hoàn đấy.
Cán bộ bản Quảng Mới (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) tuyên truyền, vận động hộ ông Voòng Tắc Học xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. |
Với mong muốn tạo sự chuyển biến tích cực, có tính căn bản trong ý thức, nhận thức và hành động của người dân; một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2017 mà Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra là "Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh". Tỉnh coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài; cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, người dân... Để cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết, từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 611/KH-UBND, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai thực hiện. Trong đó, thống nhất xây dựng chuẩn mực về nếp sống văn hóa, văn minh; chuẩn mực trong việc cưới, việc tang, lễ hội tại thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân và trong cộng đồng dân cư.
Cụ thể, đối với thôn, bản: 90% trở lên số hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”, trong đó ít nhất 50% số gia đình văn hóa được công nhận 3 năm trở lên; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; có tổ vệ sinh thường xuyên quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải về nơi xử lý tập trung theo quy định. Thường xuyên tổ chức dọn dẹp hệ thống thoát nước, cải tạo các ao, hồ sinh thái, trồng cây xanh; vận động, hướng dẫn nhân dân xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh, công trình công cộng phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống địa phương, vùng miền, theo đúng quy hoạch và quy định. Không để người dân đổ, tháo nước thải và vứt rác ra đường; bảo vệ hệ thống thoát nước; có điểm thu gom rác thải tập trung. Thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội cũng được quy định khá rõ ràng; các yếu tố như trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá dân tộc được đề cao…
Các hộ dân phải đổi mới tư tưởng, tự thân vận động, nhất là các hộ nghèo, hộ còn khó khăn phải cố gắng vươn lên gấp nhiều lần so với các hộ khác, trước hết là để cải thiện cuộc sống của gia đình mình vì mục tiêu “cuộc sống ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay”; sau là cải thiện cuộc sống, bộ mặt của thôn, xã nơi sinh sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh và cả nước. Vì vậy, trong quá trình triển khai, bên cạnh xây dựng các chuẩn mực, tiêu chí cụ thể, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn ở cơ sở để triển khai, không áp đặt, không chi phối, mà nêu cao vai trò chủ thể của người dân dựa trên những góp ý để thực hiện, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương.
Ngôi nhà tương đối khang trang, sạch đẹp của hộ anh Chíu Sinh Trình (thôn Pạc Sủi, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà). |
Các cán bộ ở cơ sở không làm thay mà vận động người dân cùng làm, trước mắt là "cầm tay chỉ việc", như hướng dẫn vệ sinh nhà cửa, sắp xếp đồ đạc, quần áo ngăn nắp, gọn gàng, vệ sinh môi trường, phát quang cỏ dại, trồng cây xanh hoa, tặng tủ sách…; tiếp đến là người dân tự tham gia, tự làm, thậm chí là hiến kế hay, cách làm hiệu quả cho chính quyền.
Trong các buổi kiểm tra và làm việc ở nhiều địa phương, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhấn mạnh rất nhiều lần đến vai trò của cán bộ cơ sở: “Cán bộ cơ sở là cấu nối giữa chính quyền với nhân dân, là người truyền tải, hướng dẫn người dân sống có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng. Vì vậy, cán bộ cơ sở trước tiên phải sống gương mẫu, gần dân, sát dân để nắm bắt được những mong muốn, nguyện vọng của dân, những vấn đề chính quyền làm được và chưa làm được, để có điều chỉnh, bổ sung kịp thời; đồng thời có thể tiếp nhận đề xuất, hiến kế những cách làm hay cho chính quyền, mỗi người một ý kiến sẽ góp thành ý tưởng lớn”.
Tuyên truyền là một trong giải pháp mà tỉnh rất chú trọng, với nhiều hình thức, nhằm để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người dân trong sinh hoạt, giữ gìn nếp sống văn hóa, văn minh; nhất là tăng cường tuyên truyền cho học sinh để thay đổi căn bản tư duy ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng thời, có chế độ kiểm tra đột xuất, thường xuyên, liên tục. Trên cơ sở đó, địa phương, hộ gia đình nào làm tốt sẽ được biểu dương, khen thưởng; cùng với đó, kịp thời nhắc nhở những địa phương, hộ gia đình nào làm chưa tốt.
Bên cạnh thay đổi nếp sống chưa văn hóa, văn minh của người dân, tỉnh đề cao việc giữ gìn và phát huy bản sắc, lễ hội truyền thống, nét đẹp văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.
Tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương quan tâm gắn xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nơi thôn, bản khó với thực hiện Đề án đưa 22 xã, 11 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trong năm 2020 và hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2 (Đề án 196). Hiệu quả kép của các chương trình, đề án trên sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh tế khu vực nông thôn, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng khó khăn. Đến nay đã có 3.371 hộ dân ở 22 xã, 11 thôn đặc biệt khó khăn đăng ký thoát nghèo bền vững. Đây vừa là kết quả của cả một quá trình tuyên truyền, vận động, cũng là tiền đề, cơ sở khẳng định sự thành công của công cuộc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở những vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh.
Thu Chung - Hồng Ngọc
(Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh)
Bài 2: Vùng khó nhưng... không khó
Liên kết website
Ý kiến ()