Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:28 (GMT +7)
Xây dựng nền tảng xã hội số: Những kết quả bước đầu
Thứ 3, 20/09/2022 | 06:55:24 [GMT +7] A A
Triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh tận dụng tối đa cơ hội, không ngừng nỗ lực trong xây dựng xã hội số trên địa bàn.
Với mục tiêu đến năm 2025, 100% các hộ gia đình được sử dụng dịch vụ Internet băng rộng, trong đó hạ tầng mạng cáp quang đến hộ gia đình đạt 95%; 100% người dân trong độ tuổi lao động có sử dụng điện thoại thông minh... hiện tỉnh đang nỗ lực phủ lõm sóng thông tin di động và cáp quang băng rộng trên địa bàn. Các địa phương đều tạo điều kiện GPMB để xây dựng trạm BTS. Tính đến cuối tháng 7/2022, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng và phát sóng 25/54 trạm, qua đó phủ lõm sóng cho 34/66 vị trí; xây dựng xong 11 trạm, đang lắp thiết bị để phủ sóng cho 13 thôn.
Hiện tỷ lệ vùng phủ sóng di động toàn tỉnh đạt tới 98% các khu vực dân cư trên địa bàn; còn cáp quang phủ rộng tới 100% các xã. Trong số 114 thôn còn lõm cáp quang, tỉnh cũng đã nỗ lực triển khai hạ tầng và sẵn sàng cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định cho 43 thôn; các thôn còn lại đang tiếp tục được đầu tư.
Việc sử dụng điện thoại di động thông minh cũng ngày càng phổ biến trong dân. Đến cuối tháng 7/2022, toàn tỉnh có 1.681.544 thuê bao di động thì có tới 1.227.915 thuê bao di động là thiết bị thông minh. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 76,82%. Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng thiết bị di động đạt 86%.
Để đạt mục tiêu 100% người dân có định danh số và mỗi gia đình đều có địa chỉ số vào năm 2025, Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan và các địa phương đang nỗ lực thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Công tác rà soát, đánh giá việc số hóa dữ liệu hộ tịch của ngành tư pháp được tiến hành. Công tác làm sạch dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử đều được công an các địa phương triển khai thực hiện. Công an tỉnh đã triển khai “Chiến dịch 15 ngày đêm làm sạch dữ liệu dân cư” để tiến hành rà soát, thu thập, đảm bảo 100% công dân thường trú trên địa bàn có dữ liệu và được cấp sổ định danh cá nhân trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, từ đầu năm đến 15/7/2022, công an các địa phương đã đăng ký thường trú 5.590 hồ sơ, tạm trú cho 1.065 hồ sơ, thông báo lưu trú cho 47.308 hồ sơ...
Việc chăm sóc sức khỏe người dân trên nền tảng số cũng được ngành y tế và các địa phương triển khai mạnh. Ngành y tế đã thực hiện khởi tạo, cập nhật dữ liệu ban đầu cho 1.378.742 người dân trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh. Toàn tỉnh có 177 trạm y tế, 23 bệnh viện, trung tâm y tế và 6 phòng khám trực thuộc quản lý của Sở Y tế đã triển khai khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp... Qua đó nhằm thực hiện hóa mục tiêu đến năm 2025, 100% người dân được chăm sóc sức khỏe trên nền tảng y tế số. Đến nay, toàn tỉnh có 600.922 căn cước công dân gắn chíp được đồng bộ với thẻ BHYT còn có hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng căn cước công dân.
Hệ thống quản lý tiêm chủng cũng ngày càng được hoàn thiện, trong đó có hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19. Tính đến 15/7/2022, toàn tỉnh đã cập nhật 3.629.514 mũi tiêm trên hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19, đạt tỷ lệ 98%, các cơ sở tiêm chủng đã ký xác nhận hộ chiếu vắc xin cho 1.211.068 trường hợp đã tiêm, đạt tỷ lệ 95,4%.
Về phía ngành GD&ĐT cũng đã triển khai phần mềm tuyển sinh đầu cấp phục vụ kỳ thi tuyển sinh lớp 10, năm học 2022-2023 với 124 tài khoản cấp cho 72 trường THPT và 52 trường TH&THCS. Ngành cũng đã cập nhật 293.585 mã định danh trên tổng 298.237 cán bộ, giáo viên, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên, đạt tỷ lệ 98,44%; tiếp tục duy trì, triển khai hệ thống quản lý trường học, phần mềm tập huấn giáo viên, sổ liên lạc điện tử, phần mềm kiểm định chất lượng; phần mềm dạy và học trực tuyến smart, k12online... Hiện các trường học từ cấp học phổ thông đến đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề của tỉnh đang nỗ lực đưa nội dung chuyển đổi số trong chương trình giảng dạy, đào tạo.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với mục tiêu lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là động lực tạo đột phá của sự phát triển, việc thực hiện xã hội số tiếp tục được các ngành, địa phương triển khai toàn diện, kiên quyết, kiên trì, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ mỗi người dân.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()