Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:43 (GMT +7)
Xây dựng nền tảng kinh tế nông nghiệp bền vững
Thứ 5, 14/01/2021 | 06:15:34 [GMT +7] A A
Năm 2020, cả nước khởi đầu bằng sự ảnh hưởng nặng nề của một loại bệnh dịch nguy hiểm, Covid-19. Bóng đen Covid-19 nhanh chóng phủ khắp các hoạt động của đời sống xã hội. Đối với ngành nông nghiệp, Covid-19 hiện hữu nguy cơ khó, thậm chí không tiêu thụ được nông sản.
Mùa vàng ở huyện Tiên Yên |
Áp lực tăng lên khi thủy sản cần tiêu thụ ngay trên 10.000 tấn nhuyễn thể của bà con Quảng Ninh nuôi đang bị quá lứa thu thời điểm tháng 4/2020, hay gần 100.000 tấn nhuyễn thể vào cao điểm thu hoạch, chờ được tiêu thụ hồi tháng 10/2020. Lĩnh vực chăn nuôi đang gượng dậy vượt khó bởi dịch tả lợn châu Phi; lĩnh vực trồng trọt còn nhức nhối với tình trạng ruộng, vườn bỏ hoang; lĩnh vực thủy lợi thiếu nước cục bộ…
Thế nhưng trong khó khăn, Quảng Ninh đã nhanh chóng tìm ra giải pháp phù hợp, khiến cho các hoạt động trụ cột của ngành nông nghiệp chuyển động.
Kết thúc năm 2020, ghi nhận lĩnh vực thủy sản xứng đáng là xương sống, trụ cột của ngành nông nghiệp. Sản lượng thủy sản trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đạt trên 145.000 tấn, vượt kế hoạch đề ra 8.500 tấn, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ là 6,2%. Thủy sản mang lại cho ngành nông nghiệp Quảng Ninh gần 14.000 tỷ đồng, tính theo giá hiện hành, chiếm đến 56% giá trị toàn ngành nông nghiệp, đóng góp 3,7% vào GRDP của tỉnh. Thủy sản cũng là lĩnh vực kinh tế tạo việc làm và nguồn thu cho số lao động tăng gấp đôi so với những năm trước.
Nuôi cấy ngọc trai ở Công ty TAIHEYOSHINJU Việt Nam. |
Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, yếu tố làm nên thắng lợi của thủy sản là các đối tượng nuôi chính, các vùng nuôi trọng điểm đều tăng mạnh về diện tích, sản lượng, giá trị. Huyện Vân Đồn đạt 45.000 tấn nhuyễn thể thay vì chỉ 15.000 tấn như năm 2019; lần lượt TX Quảng Yên đạt 22.000 tấn thay cho 5.000 tấn; huyện Đầm Hà đạt 10.000 tấn thay vì 1.000 tấn. Sản lượng tôm nuôi tính theo đơn vị thống kê năm 2020 là trên 14.000 tấn…
Các hoạt động sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy lợi, điểm nhấn năm 2020 là tổng sản lượng lương thực đạt 227.128 tấn, tăng 1,3%; sản lượng cây ăn quả, cây công nghiệp tăng, trong đó na tăng 2,5%, thanh long tăng 3%, cam tăng 7,1%, nhãn tăng 15,7%, vải tăng 19,5%.
Toàn tỉnh chỉ có 368 con lợn bị tiêu hủy bởi dịch tả lợn châu Phi, chiếm chưa tới 1% so với số lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh này trên toàn quốc. Tổng đàn gia cầm và đàn bò tăng mạnh trong năm 2020, tỷ lệ tăng lần lượt là 4,5% đối với đàn gà và 5,3% đối với đàn bò, đã góp phần bù đắp vào thiếu hụt tăng trưởng của đàn lợn. Sản lượng, giá trị khai thác lâm sản ỏn định, tỷ lệ che phủ rừng đạt xấp xỉ 55%. Thủy lợi chủ động tính toán tăng lượng tích nước đến 75 triệu m3…
Tại Công ty TNHH Phú Lâm, các sản phẩm phụ của bò được chế biến, đóng gói và xuất cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp. |
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Chuyển động trong các hoạt động sản xuất thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp và thủy lợi như đã nói ở trên cũng như các hoạt động chuyên môn khác chính là sự cộng hưởng để ngành nông nghiệp Quảng Ninh năm 2020 đạt con số giá trị tăng trưởng năm sau hơn năm trước là 4,1%, mức cao so với nhiều năm gần đây, cao hơn mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp cả nước là 1,45%. Giá trị sản xuất hiện hành của toàn ngành nông nghiệp Quảng Ninh năm 2020 là trên 25.000 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh là 6,1%, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Từ nền tảng hiệu quả năm 2020, nông nghiệp Quảng Ninh tự tin bước vào năm 2021 với mục tiêu, quyết tâm và kỳ vọng đặt ra cao hơn. Cụ thể toàn ngành nông nghiệp phấn đấu mức tăng trưởng tối thiểu 3,5%, mức tăng trưởng tối đa là 4,5%. Riêng thủy sản, ngành kinh tế mũi nhọn của nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng ở mức trên 10%, chiếm tỷ trọng trên 57% toàn ngành nông nghiệp của tỉnh.
Sơ chế rau xanh tại Khu nông nghiệp CNC Vineco Quảng Ninh. |
Thành quả của nông nghiệp Quảng Ninh năm 2020 là rất đáng ghi nhận. Điều này cho thấy càng trong khó khăn, lãnh đạo các cấp, doanh nghiệp, nông dân Quảng Ninh càng đồng sức, đồng lòng, chủ động, tập trung cao độ, bám đồng ruộng, bám rừng đồi, bám mặt nước, bám sát những di biến động về dịch bệnh, về thủy lợi để tổ chức sản xuất hiệu quả. Sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Quảng Ninh năm 2020 cũng cho thấy tính bền vững cũng như dư địa phát triển của ngành nông nghiệp trên địa bàn còn rất lớn. Đây là cơ sở để nông nghiệp Quảng Ninh hoàn toàn tự tin khắc phục khó khăn, đạt nhiều kết quả tốt hơn trong năm mới 2021.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()