Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:42 (GMT +7)
Xây dựng nền tài chính an toàn, bền vững
Thứ 5, 13/01/2022 | 07:24:59 [GMT +7] A A
Giai đoạn 2021-2026, Quảng Ninh đặt mục tiêu, thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) và quản lý nợ công theo hướng đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững, tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển; đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách địa phương vững chắc, đóng vai trò chủ đạo ngân sách cấp tỉnh. Cùng với đó là tăng cường huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, trong đó nguồn lực bên trong (nguồn lực ngân sách) là chiến lược, cơ bản gắn với mục tiêu chiến lược của tỉnh, nguồn lực bên ngoài là quan trọng.
Linh hoạt, chặt chẽ
Nhìn lại giai đoạn 2016-2020, có thể thấy cơ cấu thu NSNN của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách được tăng cường, bảo đảm cân đối vững chắc thu, chi ngân sách địa phương. Theo thống kê của cơ quan Tài chính, tổng thu NSNN trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đạt 212.276 tỷ đồng, tăng 33% so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó: Thu nội địa đạt 155.076 tỷ đồng, chiếm 73% tổng thu NSNN, tăng 24% so với giai đoạn 2011-2015, các sắc thuế, phí bình quân tăng 13%/năm; về thu xuất nhập khẩu đạt 57.201 tỷ đồng, vượt 43% so với chỉ tiêu Trung ương giao.
Giai đoạn 2016-2020, hiệu quả đầu tư đã không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn này đã thực hiện đạt 55%/năm trong tổng chi ngân sách địa phương. Nếu tính trong giai đoạn 2017-2021, chi đầu tư phát triển đã đạt trên 73.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2012-2016. Nhờ đó hạ tầng kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh trong thời gian qua có nhiều cải thiện; lĩnh vực an sinh xã hội được quan tâm, an ninh, quốc phòng được đảm bảo vững chắc.
Giám đốc Sở Tài chính Trần Văn Lâm phân tích: Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách năm 2017-2020 và được kéo dài đến năm 2021 cơ bản đã bám sát các quy định của Luật NSNN, đảm bảo phù hợp giữa phân cấp quản lý hành chính và quản lý NSNN, có sự kế thừa và phát huy những kết quả tích cực của giai đoạn trước, đã góp phần tích cực vào sự thay đổi quy mô, cơ cấu thu, chi ngân sách của tỉnh. Cụ thể: Số thu nội địa bình quân/năm giai đoạn 2017-2021 là 33.762 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với giai đoạn 2012-2016. Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm top 5 các tỉnh, thành phố có số thu nội địa cao nhất cả nước.
Đánh giá về hoạt động điều hành ngân sách, tại Kỳ họp HĐND tỉnh phiên cuối năm 2021, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, bên cạnh kết quả tích cực, việc tổ chức điều hành ngân sách, phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi của tỉnh giai đoạn 2017-2020 vẫn còn một số bất cập, khó khăn cần khắc phục. Trong đó, ngân sách tỉnh chưa giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển hạ tầng quan trọng địa phương, cơ cấu phân cấp nguồn thu chưa thật sự hợp lý, dẫn đến tổng thu ngân sách địa phương hàng năm đều có tăng, nhưng thu ngân sách cấp tỉnh nhiều năm bị hụt thu, nhất là nguồn thu để cân đối chi thường xuyên. Nguồn thu từ đất có xu thế chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong thu NSNN (năm 2015 chiếm tỷ trọng 7,5% kết quả thu nội địa, năm 2020 chiếm tỷ trọng 16,3%).
Các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã phân tích, về định mức quy định hiện nay chưa bao hàm hết các nhiệm vụ chi do chế độ, chính sách mới ban hành; một số tiêu chí phân bổ chi thường xuyên không còn phù hợp cần được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tế và quy định của Trung ương thời kỳ ổn định 2022-2025. Cùng với đó, định mức phân bổ dự toán chi theo tiêu chí dân số còn hạn chế, chưa có định mức phân bổ theo đơn giá đặt hàng. Việc tính quỹ lương giao dự toán năm sau cho các cơ quan, đơn vị chưa tính đến yếu tố tăng lương định kỳ là chưa phù hợp với thực tế, còn nhiều nội dung chi ngoài kinh phí giao tự chủ, nhất là đối với ngân sách cấp huyện, cấp xã (như: Chi mua sắm, bảo trì, sửa chữa tài sản; chi cho hoạt động chung đối với lĩnh vực giáo dục, chi hoạt động các ban chỉ đạo, chi hoạt động của thanh tra nhân dân...) chưa được lượng hóa quy định thành định mức cụ thể.
Huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển
Năm 2022 là năm đầu Quảng Ninh thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, chính vì vậy, ngay trong phiên họp HĐND tỉnh diễn ra cuối năm 2021, HĐND tỉnh đã thảo luận, thông qua nghị quyết về Kế hoạch tài chính giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Ninh.
Nghị quyết đã thể hiện rất rõ quyết tâm của tỉnh trong lộ trình thực hiện cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công theo hướng đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững. Điển hình, như tỉnh đã xác định tập trung tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách địa phương, coi đây là trọng tâm trong cơ cấu ngân sách cấp tỉnh, có đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, nền tài chính quốc gia.
Dự kiến, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 trên 298.100 tỷ đồng, tỷ lệ thuế, phí đóng góp vào tăng trưởng GRDP bình quân không thấp hơn 13%/năm. Trong đó, thu nội địa dự kiến 239.564 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 80% tổng thu NSNN trên cơ sở tính toán tốc độ tăng thu hợp lý giữa các khoản thu ngân sách phù hợp với thực tiễn, nhất là các doanh nghiệp, lĩnh vực có nguồn thu lớn; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng năm tăng khoảng 6% so dự toán Trung ương giao. Về tổng chi ngân sách địa phương dự kiến 185.285 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 87.199 tỷ đồng. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên 55%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 45% tổng chi ngân sách địa phương (bao gồm chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên). Bội chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 được dự kiến là 711 tỷ đồng.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu, trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 phấn đấu tăng thêm tối thiểu 2 địa phương tự cân đối được ngân sách. Đây có thể nói là nỗ lực rất lớn của Quảng Ninh, nhằm đảm bảo nền tài chính bền vững, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cao Ngọc Tuấn cho biết: Để đảm bảo các chỉ tiêu đặt ra trong kế hoạch tài chính giai đoạn 2021-2025, năm 2022 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, nuôi dưỡng nguồn thu. Tăng cường giải pháp chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; chú trọng các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản để tránh thất thoát, lãng phí. Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; đi đầu trong triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử.
Song song với đó, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gắn với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và đề cao trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, địa phương; khắc phục tình trạng phân bổ vốn đầu tư công dàn trải, kéo dài; chủ động trong công tác điều hành ngân sách và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng công trình, dự án ngay từ đầu năm...
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()