Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 10:54 (GMT +7)
Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh là mũi nhọn của công nghiệp quốc gia
Thứ 5, 30/05/2024 | 21:59:03 [GMT +7] A A
Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 30/5, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình tóm tắt về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Năm 2023 và 2024 là hai năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023, 2024 bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các nghị quyết này là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ban hành chương trình và thực hiện nhiệm vụ giám sát phù hợp.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và những năm tiếp theo. Trong đó, đáng chú ý là việc Quốc hội ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định với nhiều đổi mới. Các vấn đề chất vấn được lựa chọn bám sát thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai các hoạt động giám sát đã có nhiều đổi mới, đem lại kết quả cao như: Giám sát việc thực hiện thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí; giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, hai chuyên đề giám sát tối cao đều là những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, tuy nhiên nếu chọn 1 trong 2 chuyên đề để giám sát tối cao đại biểu nhận thấy Chuyên đề 1 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành là vấn đề cần thiết phải giám sát tối cao trong thời điểm hiện tại. Bởi lẽ tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng được đông đảo cử tri hết sức quan tâm; vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn nước đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới.
Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình và thảo luận tại Hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Góp ý về chương trình xây dựng pháp luật năm 2025, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) cho biết, Quốc hội khóa XIV đã có giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Qua giám sát đã nhận diện nhiều tồn tại, hạn chế và có đề xuất 3 nhóm giải pháp khắc phục cũng như có nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, và 3 Bộ chủ quản (Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong tổ chức thực hiện tốt chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm
Theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ 4 tháng đầu năm 2024 cho thấy cả nước có 24 vụ với 835 người ngộ độc thực phẩm, 3 người chết và chưa có dấu hiệu dừng lại trong thời gian gần đây. Có thể nói, công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay mới được quản lý trên ngọn, chưa quản lý nội dung này từ gốc, tức là khi xảy ra hậu quả các ngành chức năng mới vào cuộc. Trong công nghiệp, công tác quản lý thành phẩm tương đối thuận lợi hơn, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét điều chỉnh, nhất là trong quy trình đăng ký, kiểm tra, giám sát sản phẩm, bảo quản…
Đại biểu cho rằng, việc khó khăn trong khâu quản lý trong hoạt động sản xuất nông nghiệp xuất phát từ đặc thù nông nghiệp nước ta tự sản tự tiêu là chính, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy nên chăng cần có chính sách khuyến khích đầu tư để đảm bảo sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nhiều vấn đề cần có giải pháp để tháo gỡ.
Chiều 30/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe: Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày, đối với việc áp dụng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định nhiều chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, có những nội dung khác quy định của pháp luật liên quan, vì vậy đề nghị bổ sung một điều quy định về áp dụng pháp luật.
Về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng (Mục 7 Chương II), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về “Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng” để thể chế đầy đủ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; rà soát bổ sung cơ chế quản lý phù hợp để tạo hiệu quả hoạt động liên kết, hợp tác của Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng. Ý kiến khác đề nghị thực hiện thí điểm mô hình Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng trước khi quy định trong Luật.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, rà soát kinh nghiệm quốc tế để xây dựng quy định về Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến hai phương án xin ý kiến: Phương án 1, bổ sung một mục (Mục 7 - Chương II) quy định về “Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng” gồm 4 điều (từ Điều 41 đến Điều 44). Phương án 2, không quy định về Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng mà giao Chính phủ thực hiện thí điểm mô hình Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật, đặc biệt là việc dự thảo Luật đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng an ninh, với những chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với các chế độ, chính sách hiện hành ở các luật có liên quan, bảo đảm xây dựng được nền công nghiệp quốc phòng an ninh chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Trong đó, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm tới nội dung về Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh được quy định tại Điều 22.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội), thời gian qua việc triển khai các chương trình, dự án đặc biệt đều phải vận dụng qua cơ chế của quỹ dự trữ ngoại hối và phải áp dụng các điều kiện đặc thù do cấp có thẩm quyền quyết định. Các chương trình, đề án đặc biệt hiện đang triển khai đều được cấp có thẩm quyền yêu cầu phải xây dựng cơ chế pháp lý đồng bộ, bảo đảm chặt chẽ. Đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ, nhất là các nhiệm vụ cấp bách, rủi ro cao, rất cần thiết có sự chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc.
"Hình thành quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp cơ chế đặc thù vượt trội và có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị có ý nghĩa chiến lược. Việc thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng an ninh là cần thiết, có đủ cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn", đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt khẳng định.
Thay mặt Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Đối với nội dung về Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh được các đại biểu quan tâm cho ý kiến, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng, việc thành lập Quỹ là rất cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh, vì nhiều sản phẩm có yếu tố mới và cũng có tính rủi ro rất cao.
Ngoài những nội dung báo cáo giải trình, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận để chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()