Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:04 (GMT +7)
Xây dựng môi trường học đường an toàn
Thứ 3, 30/11/2021 | 09:47:35 [GMT +7] A A
Việc xây dựng môi trường học đường an toàn đang được rất nhiều người dân quan tâm; nhiều năm nay, Quảng Ninh luôn chú trọng đến điều đó. Bởi vậy, học sinh và các bậc phụ huynh đều cảm thấy yên tâm khi con, em tới lớp.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trên địa bàn tỉnh hiện có 645 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT với hơn 320.000 học sinh. Trong tình hình như hiện nay, xác định xây dựng môi trường học đường an toàn, trước hết cần đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, các trường đều tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch. Trung tâm y tế 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn phối hợp với Phòng y tế thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ các trường học thực hiện công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng bệnh.
Các trường cũng chủ động rà soát, đề xuất với tỉnh, địa phương hỗ trợ xây dựng lại hoặc sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình nước sạch, nhà vệ sinh trường học; theo kiểm tra của các Trung tâm y tế tuyến huyện và Phòng y tế các địa phương, cả 645 trường học trên địa bàn đều có đủ các công trình vệ sinh đảm bảo theo quy định.
Cùng với đó, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, nhất là với các cơ sở có tổ chức bữa ăn bán trú, nội trú. 9 tháng năm 2021, các địa phương đã tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) ở cả 341 trường học có bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh; qua đó cho thấy, các bếp ăn đều chấp hành tốt quy định về ATTP, từ cơ sở vật chất, nguồn nhập nguyên liệu, bảo lưu mẫu, nhân viên được tập huấn kiến thức ATTP...
Bên cạnh phòng chống dịch bệnh, ATTP, các trường học cũng đảm bảo tối ưu về cơ sở vật chất cho học sinh nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong lớp hay ngay tại trường. Các trường đều tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị dạy và học, thiết bị phục vụ các hoạt động vui chơi, sinh hoạt trong khuôn khổ nhà trường như: Lan can, tường rào, chậu hoa, ghế đá, công trình vệ sinh, nước sạch, các phòng học xuống cấp, phòng học tạm... để kịp thời thay thế, sửa chữa... Từ đầu năm đến nay, đã có 19 trường THPT với 135 phòng học và các hạng mục nhà đa năng, nhà hiệu bộ, nhà ăn, bếp, sân, tường rào... được cải tạo, sửa chữa nhằm tăng cường cơ sở vật chất, chống xuống cấp trường học.
Hiện toàn tỉnh có 10.413 phòng học kiên cố, đạt 90,5% tổng số các loại phòng học; 1.008 phòng học bán kiên cố, đạt 9,7%. Giai đoạn 2021-2025, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng bổ sung, thay thế các phòng học và các phòng chức năng bán kiên cố, phòng tạm, phòng học nhờ, với tổng số 3.135 phòng.
Không chỉ có vậy, trước tình hình tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, trong đó không ít nạn nhân là trẻ em, học sinh, Sở GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch về “Tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự ATGT trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025". Sở còn phát động các trường hưởng ứng phong trào thi đua đảm bảo trật tự ATGT với chủ đề năm ATGT 2021: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật đảm bảo trật tự ATGT”.
Trên cơ sở đó, các trường tiếp tục triển khai mô hình “Cổng trường Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn giao thông”, mô hình “Đội tuyên truyền ATGT trong các lớp học”; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục Luật giao thông cho học sinh, như: Phổ biến quy định về đội mũ bảo hiểm, quy định độ tuổi được điều khiển xe mô tô, xe gắn máy... phối hợp cùng cha mẹ học sinh tổ chức ký cam kết để con, em chấp hành luật giao thông. Cùng với đó, các trường học ở địa bàn thành thị còn phối hợp cùng các lực lượng chức năng như: Công an giao thông, cựu chiến binh phường, thị trấn, đoàn thanh niên... đảm bảo giao thông ở cổng trường, đoạn đường gần trường.
Các trường cũng chú trọng tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ, chăm sóc bản thân như: Kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước; giáo dục đạo đức trong học sinh trong việc thương yêu, giúp đỡ bạn bè... để tránh xảy ra hiện tượng bạo lực trong học đường hay bị lạm dụng, xâm hại, bị bắt cóc... Tạo sự công bằng, bình đẳng trong giáo dục với các đối tượng học sinh có khó khăn về học như học sinh khuyết tật, tự kỉ, học sinh dân tộc thiểu số thông qua triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác giáo dục hòa nhập, giáo dục dân tộc.
Với những hoạt động đảm bảo an toàn học đường đã tạo niềm tin tưởng của các bậc phụ huynh đối với các trường học trên địa bàn. Đây cũng là cơ sở để rèn luyện học sinh phát triển toàn diện về kiến thức, tinh thần, kỹ năng...
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()