Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:39 (GMT +7)
Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên: Nghiêm khắc và nhân văn
Thứ 5, 04/04/2024 | 10:21:16 [GMT +7] A A
Sáng 4/4, tại TP Hạ Long, Tòa án Nhân dân tối cao, Cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã phối hợp tổ chức hội thảo Lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. GS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.
Hiện nay ở Việt Nam có 3 đạo luật gồm: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Thi hành án Hình sự điều chỉnh trực tiếp về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành tồn tại một số hạn chế, dẫn đến các thủ tục tố tụng hình sự chưa thật sự thân thiện, phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của người chưa thành niên.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, nhấn mạnh: Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em từ rất sớm. Tuy nhiên cho đến nay, trong khối ASEAN chỉ còn 2 quốc gia trong đó có Việt Nam, là chưa có luật chuyên biệt cho đối tượng này. Chúng tôi đã đề xuất và được Quốc hội đồng ý chủ trương xây dựng luật. Dù đã tham khảo tối đa kinh nghiệm quốc tế, quyết tâm khắc phục những hạn chế của pháp luật hiện tại, nhưng chúng tôi mong muốn nhận được những góp ý tâm huyết, chuyên nghiệp, trách nhiệm. Mục tiêu là xây dựng được đạo luật đủ nghiêm khắc để bảo vệ an ninh trật tự xã hội, nhưng vẫn nhân văn để mở đường cho người chưa thành niên nếu có vi phạm.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã có nhiều ý kiến đóng góp để xây dựng dự thảo Luật hoàn chỉnh và chất lượng, đảm bảo việc thi hành pháp luật đối với người chưa thành niên đầy đủ, nghiêm túc; bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội; chú trọng nhiều đến việc tạo cơ hội cho người chưa thành niên sửa chữa, cải thiện hành vi.
Nhiều chuyên gia thể hiện sự quan tâm đến các biện pháp xử lý chuyển hướng được đưa ra trong dự thảo, gồm: Khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập; dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; lao động công ích; cấm tiếp xúc; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; giáo dục tại trường giáo dưỡng. Các hình phạt được áp dụng gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, không áp dụng án chung thân, tử hình. Nhìn chung, đạo luật được xây dựng theo tinh thần thân thiện hơn, đủ sức răn đe nhưng vẫn rất nhân văn, đảm bảo các quy trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, tuyên án, thi hành án… phù hợp với độ tuổi đối tượng chưa thành niên, mức độ phạm tội và văn hóa Việt Nam.
Bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam, chia sẻ: Người chưa thành niên là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, đang trong quá trình phát triển về thể chất, cảm xúc. Vì vậy chúng ta phải có cách tiếp cận chuyên biệt, thông qua việc có bộ luật tư pháp toàn diện, đảm bảo khả năng tiếp cận công lý cho trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, các đối tượng là nhân chứng, người bị hại. Tôi khuyến nghị cần xây dựng một lực lượng cán bộ xã hội chuyên nghiệp hơn ở các cấp; bổ nhiệm cán bộ tư pháp chịu trách nhiệm về người chưa thành niên, xây dựng mạng lưới cộng tác viên tư pháp. Các nhà hoạch định chính sách, bộ ngành liên quan phải ủng hộ đầy đủ các cách tiếp cận mới mà đạo luật này đề ra, để đảm bảo có nguồn nhân lực dồi dào, đầu tư tài chính cần thiết để thực thi thành công sau khi luật được ban hành. Người dân cũng cần được tuyên truyền để hiểu được tầm quan trọng của luật này.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 162 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương. Hiện tại vẫn còn một số vấn đề đang trong thời gian lấy ý kiến. Dự kiến, tháng 10/2024 đạo luật sẽ được trình Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2025.
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()