Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:20 (GMT +7)
Xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp tình hình mới
Thứ 2, 21/06/2021 | 12:02:10 [GMT +7] A A
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2021 đang trở nên rất thách thức khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã lan rộng ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp.
Việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm.
Ðiều hành linh hoạt, sáng tạo
Hai đợt bùng phát dịch Covid-19 đã kéo giảm tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2021 từ mức 6,22% như mục tiêu tại kịch bản điều hành xuống còn khoảng 5,8%. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) nhận định: Mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% trở nên vô cùng thách thức khi triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro. Hai quý còn lại của năm phải đạt tốc độ tăng trưởng hơn 7% mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Ðánh giá tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đến tình hình kinh tế - xã hội, TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, sẽ tác động rất mạnh đến nền kinh tế trên nhiều khía cạnh như: Chuỗi cung ứng, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, lao động việc làm, nợ xấu, thu ngân sách. Tăng trưởng GDP sẽ chậm lại, quý II đạt khoảng 5,5% - 5,8% và sáu tháng đầu năm đạt khoảng 5%. Trong những tháng cuối năm, tăng trưởng sẽ phục hồi trở lại, dự kiến tăng trưởng cả năm có thể đạt 6,1% - 6,3%. "Ðây là mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, do dịch lần này tác động trực tiếp đến khu vực sản xuất là Bắc Giang và Bắc Ninh. Hai địa phương này chiếm khoảng 10% sản xuất công nghiệp và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước", TS Cấn Văn Lực phân tích.
Ðáng lưu ý, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tính chất nguy hiểm nhất từ trước đến nay, đòi hỏi phản ứng điều hành của Chính phủ phải sớm thích nghi vì nhiều kinh nghiệm chống dịch tích lũy từ trước đã không còn phù hợp. Ðiểm nổi bật trong cao điểm chống dịch lần này là chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tiến công, không để đứt gãy sản xuất và giảm đến mức thấp nhất những tác động ảnh hưởng của dịch đến đời sống kinh tế - xã hội. TS Nguyễn Ðức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết: Quan điểm của Chính phủ là từng địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để có các giải pháp thực hiện thành công "mục tiêu kép", sau đó nghiên cứu đánh giá tác động để nhân rộng trong cả nước. Ðơn cử, tại tỉnh Bắc Giang, ngay trong những ngày đỉnh dịch bùng phát cũng không phải thực hiện phong tỏa toàn tỉnh. Vụ thu hoạch vải của Bắc Giang rơi vào đúng thời điểm dịch bùng phát mạnh, nhưng địa phương này đã chủ động có kế hoạch ứng phó bằng cách xây dựng các vùng vải an toàn; tiêm vaccine cho người trồng vải và lái xe chở hàng đến điểm tiêu thụ; đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo "luồng xanh" để vải thiều nhanh chóng được thông qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 khi đủ thủ tục quy định về phòng, chống dịch... và mở nhiều kênh tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề quan trọng cũng được Chính phủ xử lý rất nhanh. Như việc quyết định cơ chế nhập khẩu vaccine hay họp đột xuất để nắm tình hình và nhanh chóng ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho dự án đường cao tốc bắc - nam nhằm thúc đẩy đầu tư công. "Chính phủ đang thực hiện theo đúng phương châm của chủ nghĩa duy vật biện chứng là lượng đổi thì chất đổi, làm từ những việc nhỏ, thành công ở từng địa phương để nghiên cứu đánh giá tác động rồi mới nhân rộng lên cấp quốc gia", TS Nguyễn Ðức Kiên nhấn mạnh.
Giữ ổn định kinh tế vĩ mô
Cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch sáu tháng cuối năm 2021 tại phiên họp thứ 57 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn. Ðồng thời, đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2021, tiếp tục phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan với lạm phát và quan tâm đến các chỉ tiêu bội chi ngân sách, nợ công... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 để đưa ra các dự báo, đề xuất phù hợp nhằm có chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả hơn. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, đẩy nhanh thực hiện "Chiến lược vacine" và kiến nghị các giải pháp đủ mạnh để tấn công, kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 thời gian tới. Trong đó, có giải pháp với lộ trình cụ thể về kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân để bảo đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.
TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhận định: "Tìm kiếm động lực tăng trưởng cho những tháng cuối năm gặp rất nhiều thách thức. Do đó, Chính phủ cần đánh giá các kịch bản điều hành đã đề ra tại Nghị quyết 01 còn phù hợp hay không, những chỉ tiêu nào cần điều chỉnh để tiến tới xây dựng một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế".
Theo Bộ trưởng KH và ÐT Nguyễn Chí Dũng, sáu tháng cuối năm, Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa bảo vệ sức khỏe người dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; theo dõi sát diễn biến giá cả để phân tích, dự báo, rà soát kịch bản tăng trưởng, kịp thời đề xuất giải pháp kiểm soát lạm phát. Chính phủ sẽ sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vaccine và tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Động lực tăng trưởng cuối năm đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó là sự gia tăng đầu tư và mở rộng các hoạt động thương mại... (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Theo Nhân Dân
Liên kết website
Ý kiến ()