Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:24 (GMT +7)
Xây dựng khu hậu cần nghề cá gắn với du lịch văn hóa cộng đồng
Chủ nhật, 09/10/2022 | 08:11:45 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là một trong 5 địa phương được lựa chọn để thí điểm phát triển du lịch cộng đồng nghề cá ven biển, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các vùng miền ven biển, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân.
Theo Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030, Chương trình có 6 dự án ưu tiên. Trong đó, từ năm 2022-2030, Chương trình ưu tiên triển khai Dự án thí điểm gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại cảng cá, làng chài, làng nghề truyền thống ven biển tại các tỉnh như: Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kiên Giang.
Theo đó, sẽ xây dựng ít nhất một mô hình thí điểm du lịch cộng đồng tại các làng (xã) ven biển tại mỗi địa phương trong giai đoạn 2021-2025 và nhân rộng ra các tỉnh, thành phố ven biển có điều kiện phù hợp. Chuyển đổi một số tàu cá khai thác sang phục vụ phát triển du lịch. Hỗ trợ quy hoạch, đầu tư hạ tầng tại các điểm phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch cộng đồng.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT, cho biết: Những nội dung này, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những chỉ thị và kế hoạch cụ thể. Dự kiến sẽ được triển khai ở Hạ Long và Vân Đồn. Tuy nhiên, hiện nay Vân Đồn vẫn còn là bãi đất trống. Trong khi đó, ở Hạ Long thì còn chưa có quy hoạch.
Cũng theo ông Minh, trước đây Quảng Ninh đã từng manh nha có những mô hình này ở một số điểm như Vung Viêng, Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, hoạt động này còn tương đối manh mún, chưa bài bản và hiệu quả đem lại chưa được như mong muốn. Một mô hình khác đã đem lại hiệu quả bước đầu là Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phất Cờ trên Vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn) là một hình mẫu hiện thực hóa chủ trương, chiến lược của nhà nước về phát triển kinh tế bền vững.
Đảo Phất Cờ triển khai mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi một số loài thủy, hải sản, đặc sản biển là địa chỉ hấp dẫn cho du lịch trang trại biển - Hướng phát triển mới nhằm từng bước hiện thực hóa Kế hoạch số 16/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 18/1/2022 về phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trang trại nổi có cả đón khách, nơi phục vụ khách tham quan bơi, tắm biển; bè check in, câu cá trên bè và chế biến, thưởng thức hải sản.
Quảng Ninh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, phát triển thủy sản. Cụ thể, Tỉnh ủy Quảng Ninh có Chỉ thị 13-CT/TU ngày 10/8/2021 về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh. UBND tỉnh có Kế hoạch 215/KH-UBND ngày 2/11/2021 thực hiện Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Theo Kế hoạch 227/KH-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mục tiêu sẽ thành lập và hoạt động các khu bảo tồn bao gồm: Khu bảo tồn biển Cô Tô, khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui, Tiên Yên; nghiên cứu thành lập khu bảo tồn Vịnh Hạ Long; rà soát diện tích hợp phần biển của Vườn quốc gia Bái Tử Long đề xuất công nhận là khu bảo tồn biển.
Hiện nay, cộng đồng ngư dân có nhu cầu cấp thiết một nơi đỗ tàu thuyền an toàn, khi các khu neo đậu truyền thống ngày càng bị hạn hẹp, về không gian và mất đi do quy hoạch. Ngư dân cần một nơi đảm bảo hoạt động kinh tế ngư nghiệp ổn định đầu vào và đầu ra. Trong khi đó, môi trường sinh thái cũng cần được quản lý chặt chẽ, Di sản Hạ Long cần được bảo vệ và khai thác ngư nghiệp có kế hoạch.
Đứng trước xu thế đó, Công ty CP Du thuyền Đông Dương đã đề xuất ý tưởng xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp du lịch tại khu vực giáp ranh Hạ Long - Cẩm Phả. Dự án được xác định hướng đến những mục tiêu như: Tạo ra một khu vực hậu cần nghề cá cho ngư dân có khu neo đậu an toàn có đầy đủ các dịch vụ đầu ra, đầu vào, bảo vệ môi trường quản lý rác thải và chất thải, bảo vệ ngư trường khai thác, tạo ra những sản phẩm dịch vụ cao cấp và độc đáo cho Hạ Long, Quảng Ninh.
Định hướng ý tưởng cho khu hậu cần nghề cá Quảng Ninh dựa trên quan điểm quy hoạch giao thông mạch lạc, có thể linh hoạt chuyển đổi các chức năng sau này. Tuy nhiên, cảnh quan vẫn phải mềm mại, thu hút và hấp dẫn khách du lịch. Dự án phải phân chia thành 3 khu vực chính là khu vực dịch vụ phục vụ nghề cá, khu vực thương mại dịch vụ nhà hàng, khách sạn, ki ốt, quảng trường và khu vực cảnh quan tự nhiên.
Khu vực hậu cần nghề cá bố trí thuận tiện cho việc vận chuyển và buôn bán hải sản, các trạm xăng, điểm sửa chữa tàu thuyền, cảng cá, cơ sở chế biến và chợ, khu buôn bán và sản xuất kết nối thuận tiện với trục đường chính. Khu vui chơi bến cảng là động lực để phát triển thương mại dịch vụ cho dự án, với cảnh quan hiện đại, hấp dẫn đi kèm với các hoạt động vui chơi, phố đi bộ, phố ẩm thực, khu trưng bày và buôn bán hải sản cũng như là nơi diễn ra các hoạt động chèo thuyền, café trên du thuyền. Khu bến cảng hoạt động có khả năng vận hành 24/24h là nơi nhộn nhịp thu hút các bạn trẻ cũng như các gia đình có nhu cầu du lịch ngắn vào cuối tuần.
Ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du thuyền Đông Dương, chia sẻ: Khu hậu cần nghề cá kết hợp du lịch sẽ tạo ra các sản phẩm dịch vụ du lịch nhiều lợi ích như: Tham quan làng chài, bảo tàng tàu thuyền, trải nghiệm đánh cá cùng ngư dân; thưởng thức ẩm thực làng chài, homestay làng chài, lễ hội văn hóa biển đảo Đông Bắc v.v..
Ngoài công năng neo đậu tàu thuyền, khu hậu cần nghề cá còn là nơi tàu thuyền chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư, nhiên liệu cho chuyến đi biển, nơi thu mua thủy hải sản, nơi chế biến thủy hải sản. Đồng thời, cũng là nơi quản lý ngư trường, cấp phép tàu đủ điều kiện khai thác, cấp phép khai thác ngư trường, quản lý ngư trường.
Huỳnh Đăng
- CNN International mong muốn tiếp tục hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam
- Nâng chất nguồn nhân lực du lịch
- Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng các địa phương
- Phục hồi nguồn cung nhân lực du lịch: Chú trọng cả lượng và chất
- Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch
- Đa dạng các hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch
Liên kết website
Ý kiến ()