Tất cả chuyên mục

Thực hiện lời Bác dạy “Phải xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp và vững mạnh”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đã đoàn kết một lòng, quyết tâm đi theo con đường Bác đã chọn. Với nhiều nỗ lực, thời gian qua, Quảng Ninh đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật là sắp xếp, kiện toàn, đổi mới hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân...
Mạnh dạn đi trước, đón đầu
Ngay sau khi các nghị quyết đại hội Đảng được ban hành, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo quán triệt, triển khai cụ thể hóa, đồng thời theo dõi, kiểm tra việc thực hiện; xây dựng và triển khai các nghị quyết chuyên đề trên tất cả các lĩnh vực; xây dựng các đề án lớn báo cáo Trung ương cho chủ trương triển khai nhằm đề xuất các cơ chế, đột phá cho phát triển, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; cụ thể hóa các chủ trương lớn, mới của Trung ương ở một địa bàn cụ thể. Các đề án đều thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, đặt ra các mục tiêu, giải pháp mang tính dài hạn, xuyên suốt qua các năm trong giai đoạn 2015-2020 và các năm tiếp theo của nhiệm kỳ tới.
![]() |
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khoá XIII. Ảnh: Đỗ Phương |
Điều này được thể hiện rõ nét ở việc, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi, thực hiện những giải pháp đột phá để tiến hành đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, suy thoái tư tưởng, tha hoá quyền lực. Trong đó, đã có nhiều biện pháp triển khai sáng tạo, đi trước những chỉ đạo của Trung ương, là cơ sở thực tiễn để Trung ương nhận thức rõ hơn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.
Trước khi có Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Hội nghị TW6 (khóa XII), tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và tiến hành rà soát trong toàn hệ thống chính trị về tổ chức bộ máy, biên chế; quyết tâm đổi mới, khắc phục yếu kém, bất cập. Trên cơ sở đó, xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25), ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 3/3/2015 của Tỉnh ủy để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong cả hệ thống chính trị và được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW được ban hành, căn cứ vào nội dung Nghị quyết, tỉnh tiếp tục ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 5/2/2018 thực hiện Nghị quyết để chỉ đạo quyết liệt, tiếp nối triển khai Đề án 25 với các yêu cầu cao hơn, toàn diện và đồng bộ hơn...
Khẳng định vai trò, vị thế một Quảng Ninh đổi mới, năng động
Tỉnh đã mạnh dạn, quyết tâm thực hiện các đột phá về thể chế, về tổ chức, bộ máy; về quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo cán bộ, xây dựng nguồn lực con người; xây dựng mô hình mới về phương thức đầu tư, quản lý, cải cách hành chính, chính quyền điện tử... Đây chính là tiền đề cho tỉnh tiếp tục nghiên cứu, phát triển những mô hình, hình thái vận động mới với quy mô, hình thức khác biệt, phá vỡ nếp nghĩ theo cơ chế cũ, kích thích tiếp cận tư duy sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trên cơ sở có bước đi thận trọng (làm thí điểm, rút kinh nghiệm để triển khai rộng hơn).
Công tác xây dựng đảng, chính quyền và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến, tiến bộ, đã nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đội ngũ cán bộ từ tỉnh tới cơ sở đổi mới tư duy, tầm nhìn, phong cách, lề lối làm việc; trình độ, năng lực được nâng lên... từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đặc biệt, Quảng Ninh đã ghi nhiều dấu ấn trong việc sắp xếp, kiện toàn, tinh giản tổ chức bộ máy theo hướng giảm những tổ chức, đơn vị có sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, ít hiệu quả hoặc chưa phù hợp về mô hình quản lý, cơ cấu tổ chức. Đồng thời, thành lập mới, chuyển đổi mô hình quản lý đối với những cơ quan, đơn vị cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương.
![]() |
Tiên Yên hợp nhất Văn phòng Huyện ủy - HĐND - UBND huyện (tháng 4/2019). Ảnh: Xuân Thao (CTV) |
Trong đó nổi bật là tỉnh đã quyết tâm hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo nguyên tắc thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo; bổ sung thẩm quyền, tối ưu chính sách, chuẩn hóa ngạch bậc, kết hợp bầu cử và bổ nhiệm. Cụ thể hợp nhất cơ quan UBKT với Thanh tra và Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ ở 14/14 đơn vị cấp huyện (giảm 28 đầu mối); hợp nhất Văn phòng Huyện ủy, HĐND và UBND tại các huyện Tiên Yên, Cô Tô, Hoành Bồ. Hợp nhất 5 trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tỉnh để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Triển khai Đề án thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đi vào hoạt động từ 1/1/2019, đảm bảo các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Cùng với đó, tỉnh đã thí điểm thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp huyện và cấp tỉnh; hoạt động trên nguyên tắc phối hợp và thống nhất về hành động, phân công về đối tượng, tôn trọng các quy định hiện hành của Hiến pháp, pháp luật. Đối với cấp huyện đã triển khai được 3 năm và thực hiện tại 14/14 địa phương; cấp tỉnh thực hiện từ đầu năm 2018 và đã bảo đảm hoạt động ổn định. Đặc biệt tỉnh đã chủ động đề xuất Đề án và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương về thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Sau 7 tháng từ ngày thành lập 1/1/2019, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã từng bước đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả hoạt động theo mô hình "Tòa soạn hội tụ" ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp truyền thông đa phương tiện, sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (giảm 8 đầu mối cấp phòng so với trước khi hợp nhất)...
Song song với việc cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, Quảng Ninh cũng đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tỉnh đã tiến hành rà soát công tác quản lý biên chế toàn hệ thống chính trị, điều chỉnh giao biên chế năm 2017, 2018; ban hành quy định chung về quản lý thống nhất biên chế của hệ thống chính trị trên cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế; vai trò quản lý và điều hành của chính quyền; thẩm định, giám sát của HĐND... phấn đấu bảo đảm lộ trình đến năm 2021 tinh giản 10% biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cũng trong thời gian qua, Quảng Ninh đã ban hành quy định thống nhất số lượng cấp phó trong các cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rà soát, luân chuyển, điều động, sắp xếp cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ được quan tâm, qua đó đã phát huy năng lực cán bộ, sớm bảo đảm số lượng cấp phó theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương...
Những đổi mới, nỗ lực, quyết tâm của Quảng Ninh trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh đã mang lại những hiệu quả tích cực cho sự phát triển của tỉnh cũng như trong nhân dân. Qua đó, khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế mới về một Quảng Ninh đổi mới, năng động; tạo thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước nói chung.
Hoài Anh
[links()]
Ý kiến ()