Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:44 (GMT +7)
Xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”
Thứ 2, 20/06/2022 | 09:17:17 [GMT +7] A A
"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Lời căn dặn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy cán bộ là nhân tố quyết định, là khâu then chốt. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng và dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ.
Đồng bộ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng
Mỗi khâu trong công tác cán bộ có vai trò quan trọng khác nhau, trong đó công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhận thức sâu sắc vấn đề trên và coi đây là giải pháp cơ bản để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, tỉnh thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình, chất lượng công tác quy hoạch cán bộ ở tất cả các bước thực hiện, từ khâu rà soát, nhận xét, đánh giá cán bộ, xây dựng các tiêu chuẩn chức danh cán bộ làm căn cứ quy hoạch. Cùng với đó là đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu nữ, dân tộc, cơ cấu 3 độ tuổi, phương châm “động”, “mở”, đồng bộ ở cả 3 cấp (cơ sở, huyện, tỉnh), quy hoạch cấp dưới trước, lấy quy hoạch cấp dưới để xây dựng quy hoạch cấp trên; mở rộng dân chủ trong phát hiện, giới thiệu nguồn đưa vào quy hoạch; 100% cán bộ được quy hoạch bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn Trung ương quy định.
Tỉnh cũng mở rộng dân chủ trong phát hiện, giới thiệu nguồn đưa vào quy hoạch; công khai quy hoạch được thực hiện đúng quy định để cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch và đánh giá đúng về cán bộ thuộc diện được quy hoạch. Hằng năm tỉnh rà soát đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, bổ sung những nhân tố mới, có triển vọng phát triển...
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tổng số quy hoạch ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 162 lượt; ủy viên Ban Thường vụ các chức danh diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là 91 lượt. Quy hoạch cấp ủy huyện, thị, thành phố là 1.211 lượt; Ban thường vụ và các chức danh chủ chốt cấp huyện là 904 lượt. Quy hoạch chức danh lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh là 763 lượt. Nhiệm kỳ 2020-2025, quy hoạch ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 143 lượt; Uỷ viên Ban Thường vụ và các chức danh diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là 75 lượt. Quy hoạch cấp ủy cấp huyện, thị, thành ủy là 1.370 lượt; Ban thường vụ và các chức danh chủ chốt cấp huyện là 857 lượt. Quy hoạch chức danh lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh 627 lượt. Quy hoạch Ban Chấp hành cấp xã là 5.361 lượt...
Nhờ làm tốt công tác quy hoạch đã cơ bản tạo được sự chủ động trong công tác cán bộ, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, giữ vững đoàn kết nội bộ và sự ổn định chính trị. Đến nay, chất lượng cán bộ trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy quản lý và diện Ban Thường vụ cấp huyện quản lý ngày càng được nâng nên, với cơ cấu hợp lý; cán bộ trong quy hoạch khi được bầu, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, điều động có sự trưởng thành về mọi mặt.
Song song với công tác quy hoạch, các cấp ủy đảng chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm giúp cho quy hoạch đảm bảo điều kiện cần và đủ để thực hiện. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và tiêu chuẩn chức danh trong quy hoạch cán bộ, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhiệm kỳ, hằng năm; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC với việc thực hiện nghị quyết chuyên đề về cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực.
Tỉnh cũng dành nguồn lực thỏa đáng để đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC gắn với vị trí việc làm, cơ cấu ngạch, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, lãnh đạo quản lý; đầu tư, xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ trở thành cơ sở đào tạo chuyên sâu, vững mạnh, trọng điểm; đa dạng hóa các loại hình đào tạo để tạo điều kiện cho CBCCVC có cơ hội học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tính từ năm 2015 đến nay, gần 150.000 lượt CBCCVC của tỉnh được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, các lớp cao cấp, trung cấp lý luận chính trị có gần 4.000 lượt; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức có hơn 4.800 lượt; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức có hơn 12.000 lượt; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý hơn 3.000 lượt.
Hiện 100% CBCC ở cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; 90% CBCC được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 85% được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ. Đối với CBCC cấp xã, 100% có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 99% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm.
Còn đối với viên chức, đến nay 70% được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; 75% viên chức giữ chức vụ quản lý cơ bản được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm; 78% được bồi dưỡng về đạo đức nghiệp vụ, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành.
Cơ hội để cán bộ rèn luyện, trưởng thành
Căn cứ vào quy hoạch cán bộ và đối chiếu với tiêu chuẩn chức danh quy hoạch, cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác điều động, luân chuyển cán bộ theo quy hoạch, đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ trong nguồn quy hoạch.
Công tác luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo quản lý được thực hiện nghiêm Quyết định số 1276-QĐ/TU ngày 20/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó yêu cầu cán bộ đảm nhiệm cấp trưởng không quá 7 năm liên tục ở một chức vụ tại một địa phương, đơn vị. Việc điều động, luân chuyển theo nhiều hình thức “dọc, ngang”, tạo điều kiện cho cán bộ kinh qua nhiều vị trí để tạo nguồn; thực hiện luân chuyển cán bộ trẻ, có triển vọng; tăng cường cán bộ đến những nơi có nhu cầu, những nơi khó khăn, tuyến đầu; không luân chuyển đối với cán bộ có khuyết điểm, hạn chế về năng lực, uy tín.
Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh luân chuyển, điều động 3.349 lượt cán bộ, trong đó cấp tỉnh là 117 trường hợp; cán bộ diện ban thường vụ các huyện, thị, thành uỷ và sở, ban, ngành quản lý là 3.232 trường hợp. Trong năm 2021, riêng ở cấp tỉnh luân chuyển, điều động 33 lượt cán bộ.
Trong công tác luân chuyển cán bộ đều gắn với bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý không phải là người địa phương. Đến nay, một số ngành như: Công an, Viện kiểm sát, Thuế và Hải quan đạt tỷ lệ khá cao, trong đó ngành Công an đạt 100%. Đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp xã, 13/13 địa phương có Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương (100%); 9/13 địa phương có Chủ tịch UBND không phải là người địa phương (69,23%); 155/177 xã, phường, thị trấn có Bí thư Đảng ủy không phải là người địa phương (87,57%); 58/177 xã, phường, thị trấn có Chủ tịch UBND không phải là người địa phương (32,77%), là một trong những địa phương có tỷ lệ đạt cao nhất cả nước. Thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương đã tạo điều kiện rèn luyện, đào tạo cán bộ qua thực tiễn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm, công tâm, khách quan, trung thực; hạn chế những tác động tiêu cực trong mối quan hệ họ hàng, thân quen liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ.
Tại đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, 177 đồng chí bí thư cấp ủy cấp xã và 13 đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện được bầu trực tiếp tại đại hội, đạt tín nhiệm cao, đặc biệt là 100% đồng chí bí thư cấp ủy không là người địa phương đều đạt số phiếu tín nhiệm rất cao, nhiều đồng chí đạt tỷ lệ tín nhiệm tuyệt đối hoặc gần tuyệt đối như tại: Hạ Long (100%), Móng Cái (100%), Ba Chẽ (100%), Đầm Hà (98%)...
Cùng với luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp xây dựng kế hoạch, thực hiện luân chuyển cán bộ BĐBP về làm phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND các xã miền núi, biên giới, hải đảo để gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia. Đến nay, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Huyện ủy Bình Liêu, Hải Hà, Vân Đồn, Cô Tô và Thành ủy Móng Cái cử 24 cán bộ của BĐBP về giữ chức vụ phó bí thư Đảng uỷ xã, phường biên giới, biển đảo. Trong đó có 1 đồng chí tham gia đại biểu HĐND cấp huyện, 3 đồng chí tham gia đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026.
Từ thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ luân chuyển đều được tiếp cận, sâu sát với thực tiễn, nắm vững tình hình địa phương, cơ sở, từng bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Cán bộ được luân chuyển, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng tiếp cận nhanh công việc mới, trách nhiệm, tâm huyết, được bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện, am hiểu nhiều lĩnh vực, đóng góp công sức, trí tuệ cho các địa phương. 95% số cán bộ được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt mục đích luân chuyển.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, công tác luân chuyển cán bộ được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tích cực, góp phần đào tạo, thử thách cán bộ qua thực tiễn và tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục một bước tình trạng cục bộ, khép kín, trì trệ của đội ngũ cán bộ. Đa số cán bộ được luân chuyển là những người có trình độ năng lực, có kinh nghiệm lãnh đạo, được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện ở cơ sở. Cũng từ việc lựa chọn người có năng lực, triển vọng phát triển giữ vị trí người đứng đầu cấp ủy các cấp, ngành, địa phương để thử thách, rèn luyện giúp cán bộ trưởng thành, nâng cao bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm, năng lực công tác, kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, ghi dấu ấn đậm nét ở địa bàn công tác, tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, đã tạo nguồn cung cấp cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho cấp tỉnh, cấp huyện trong tỉnh.
Qua công tác luân chuyển cán bộ gắn với việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không là người địa phương đã đào tạo được nhiều cán bộ, nhiều đồng chí trưởng thành, được bố trí đảm nhiệm chức vụ cao hơn. Trong đó, có 4 đồng chí lãnh đạo của tỉnh đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, XIII; 13 đồng chí được bố trí đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ, trưởng đoàn thể tỉnh. Một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt sở, ngành tỉnh được tín nhiệm điều động, đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp cục, vụ và tương đương ở các bộ, ngành Trung ương, cơ quan của Quốc hội; nhiều đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; giữ chức vụ chủ chốt ở các địa phương, các sở, ban, ngành tỉnh.
Với sự đồng bộ, liên thông trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và điều động, luân chuyển cán bộ, công tác cán bộ của tỉnh đã đi vào nền nếp. Đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên; vững vàng về tư tưởng chính trị, trong sáng về đạo đức, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, luôn rèn luyện, phấn đấu về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đó chính là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()