Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 08:29 (GMT +7)
Xây dựng cộng đồng đọc sách, cộng đồng học tập
Chủ nhật, 17/11/2024 | 07:34:06 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, ngành văn hóa và các địa phương trong tỉnh đã quan tâm đầu tư, lan tỏa văn hóa đọc, mang lại nhiều tín hiệu tích cực nhằm phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng cộng đồng đọc sách, cộng đồng học tập.
Ngay từ năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành "Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh". Trong Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ''Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững", có 18 mục tiêu và 5 nhóm giải pháp, trong đó đề ra nhiệm vụ và giải pháp: Khuyến khích phát triển văn hoá đọc gắn với các thiết chế thư viện.
Theo thống kê của Thư viện tỉnh, 100% thành phố, huyện, thị xã, trường học trên địa bàn tỉnh đều có thư viện, 80% nhà văn hóa xã có tủ sách. Các thư viện cơ sở đều chú trọng đẩy mạnh hoạt động thư viện gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi, sự kiện nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, như: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, hội sách, cà phê sách, Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời, trưng bày, triển lãm trực tiếp và trực tuyến nhằm phục vụ bạn đọc trên khắp cả nước, đẩy mạnh công tác liên thông thư viện trong và ngoài tỉnh...
Có thể nhận thấy, văn hóa đọc đã có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách của học sinh, sinh viên, bồi đắp lòng nhân ái, vị tha. Tất cả được hình thành và nuôi dưỡng từ việc đọc sách. Một số em học sinh, sinh viên đã đem sách và tình yêu sách đến với những hoàn cảnh còn khó khăn trong xã hội, xây dựng kế hoạch hành động hay sáng kiến kinh nghiệm thúc đẩy việc đọc sách, phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng, chung tay lan tỏa văn hóa đọc với các chương trình quyên góp, trao đổi sách. Nhiều dự án kết nối cộng đồng người đọc sách, xây dựng CLB đọc sách, các kênh truyền thông, triển lãm… đã đưa sách báo đến gần hơn với mọi người.
Sở VH-TT, Sở GD&ĐT đã phối hợp có hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc trong nhà trường. Đặc biệt là việc triển khai Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc hằng năm được coi như là một trong những sự kiện văn hóa, giáo dục thiết thực nhằm lan tỏa, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Từ năm 2019 đến nay, tại Quảng Ninh, qua 4 lần tổ chức, Cuộc thi đã thu hút hơn 200.000 lượt thí sinh tham gia và trở thành địa chỉ quen thuộc, sân chơi bổ ích cho học sinh. Bên cạnh đó, tại vòng chung kết toàn quốc các năm, vượt qua hàng triệu thí sinh trong cả nước, các thí sinh tỉnh Quảng Ninh đã vinh dự nhận được những giải thưởng cao.
Năm 2024, Cuộc thi tiếp tục được tổ chức trên phạm vi toàn tỉnh với bộ câu hỏi được xây dựng mới, thẩm định kỹ lưỡng nhằm phát huy khả năng tư duy, tính sáng tạo của từng nhóm thí sinh, giúp thí sinh xây dựng kế hoạch hành động hoặc sáng kiến nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng, hướng đến đối tượng cụ thể là trẻ em, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khiếm thị, người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Phòng VH-TT, phòng GD&ĐT, trung tâm TT-VH các huyện, thị xã, thành phố cũng đã vào cuộc tích cực hướng dẫn các trường học trên địa bàn triển khai. Chỉ trong 5 tháng triển khai, Ban Tổ chức Cuộc thi đã tiếp nhận được 36.446 bài dự thi đến từ 196 trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nhiều địa phương trong tỉnh có số lượng bài dự thi lớn như: TP Hạ Long có 13.797 bài, TP Đông Triều có 10.567 bài, TP Uông Bí có 3.735 bài, TP Cẩm Phả có 4.344 bài.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Phó Giám đốc Sở VH-TT, đánh giá: Năm 2024, số lượng bài thi gấp đôi năm 2020. Tham gia cuộc thi cấp quốc gia, Quảng Ninh tiếp tục đạt kết quả cao... Điều đó cho thấy, các em học sinh đã thực sự quan tâm đến việc đọc sách. Văn hoá đọc đã tác động lớn đến việc hình thành trí tuệ, nhân cách của học sinh.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, để tiếp tục phát triển văn hoá đọc cần tăng cường liên kết giữa phong trào văn hoá đọc và giáo dục trong nhà trường, đầu tư khai thác và ứng dụng công nghệ số cũng như cơ sở hạ tầng trong công tác đọc sách, giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh, triển khai các mô hình khuyến đọc sáng tạo và thiết thực cho xã hội, đặc biệt là khen thưởng các cá nhân, tập thể có mô hình hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn. Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng mô hình không gian đa phương tiện và trải nghiệm với sách, quan tâm đầu tư nâng cấp mở rộng và hiện đại hoá không gian đọc sách trên nền tảng lõi là thư viện cấp tỉnh, cấp huyện và thư viện trường học, kết hợp tổ chức các sự kiện gắn với văn hoá đọc, như: Triển lãm sách, giao lưu với độc giả, hội sách giá ưu đãi...
Lê Thanh
- Tọa đàm về phát triển văn hóa đọc
- Tổng kết, trao giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Quảng Ninh đoạt 4 giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024
- Lan tỏa văn hóa đọc trong thế hệ trẻ
- Văn hóa đọc - Những chuyển động tích cực
- Sôi nổi Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc
- Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ninh năm 2024 có 46 giải cá nhân
- Bắt đầu chấm thi Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024
Liên kết website
Ý kiến ()