Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:56 (GMT +7)
Xây dựng cơ sở Đảng, thúc đẩy phong trào đấu tranh ở Khu mỏ
Thứ 4, 19/07/2023 | 09:22:23 [GMT +7] A A
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, ngay sau khi thành lập, các Đảng ủy mỏ đã chú trọng xây dựng, phát triển cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng ở những khu vực kinh tế yết hầu của tỉnh. Nhờ đó, mặc dù bị chủ mỏ đàn áp, khủng bố, song phong trào đấu tranh của Khu mỏ vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển mạnh hơn vào cuối năm 1930.
Từ các cuộc đấu tranh, các chi bộ Đảng đã lựa chọn được những người ưu tú trong công nhân để kết nạp vào Đảng. Do vậy, các cơ sở Đảng ở Khu mỏ phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Theo một báo cáo của Đảng, đến tháng 10/1930, tổng số đảng viên ở Khu mỏ là 64 người.
Song song với việc xây dựng tổ chức Đảng, các Đảng ủy mỏ còn quan tâm chỉ đạo xây dựng các tổ chức quần chúng để giác ngộ quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị đông đảo làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh.
Các chi bộ Đảng đã có nhiều hình thức phong phú nhằm tập hợp đông đảo quần chúng như các hội ái hữu, tương tế, hiếu hỷ, đá bóng, học chữ quốc ngữ v.v... Đảng bộ phân công đảng viên đi sâu vận động từng khối, như: khối viên chức, khối thợ thủ công, khối công nhân bốc vác, lái xe, khối những người buôn bán nhỏ...
Đảng bộ còn chủ trương tổ chức các lớp học văn hoá cho quần chúng, vì đại bộ phận quần chúng lao động Khu mỏ không biết chữ là trở ngại lớn cho công tác tuyên truyền giáo dục, giác ngộ họ.
Ở Mạo Khê, chi bộ Đảng đã ra tờ báo “Mỏ than” để tuyên truyên giáo dục quần chúng, có số báo in tới 50 bản.
Thông qua các tổ chức quần chúng, những lớp học văn hóa và những tờ báo của Đảng, các đảng viên làm công tác tuyên truyên giáo dục quần chúng, phổ biến các chủ trương của chi bộ Đảng, vạch trần âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của địch, đồng thời thông báo tình hình đấu tranh của thợ mỏ các nơi để nâng cao giác ngộ giai cấp cho quần chúng. Qua các cuộc đấu tranh với kẻ thù, một số chi bộ đã chọn lọc những người tích cực nhất, có tinh thần đấu tranh trong công nhân mỏ để kết nạp vào Công hội đỏ.
Từ trung tuần tháng 5/1930, mặc dù bọn chủ mỏ thực dân Pháp tìm mọi cách đàn áp, khủng bố phong trào, nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên bị bắt, nhưng địch vẫn không phá được tổ chức Đảng của Khu mỏ. Xứ ủy Bắc kỳ rất quan tâm đến phong trào cách mạng Khu mỏ, đã cử đồng chí Nguyên Công Hòa và một số cán bộ tiếp tục ra tăng cường cho Khu mỏ.
Phong trào đấu tranh của công nhân Khu mỏ vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Nhiều cuộc đấu tranh đã phối hợp chặt chẽ với phong trào đấu tranh chung của toàn qụốc. Điển hình là đợt đấu tranh của công nhân Khu mỏ với khẩu hiệu “Ủng hộ công nhân Bến Thủy và nông dân Thái Bình". Phối hợp với hai cuộc đấu tranh lớn này, chỉ 10 ngày sau, Đảng ủy mỏ Hòn Gai đã tổ chức rải truyền đơn ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân Vinh, Bến Thủy và nông dân Thái Bình, phản đối thực dân Pháp đàn áp dã man quần chúng biểu tình.
Ngày 10/5/1930, truyền đơn đã được rải ở nhiều nơi trong nội thị Hòn Gai, Hà Tu, Hà Lầm. Truyền đơn còn được rải trong xưởng máy, trên tầng than, ngay cả trong ngăn kéo bàn làm việc của bọn chủ mỏ và ở những đuờng phố đông người qua lại.
Tháng 10/1930, toàn Khu mỏ lại dấy lên một đợt đấu tranh mới với khẩu hiệu “Ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng về việc ủng hộ phong trào công nông Nghệ Tĩnh, Đặc khu ủy mỏ đã lãnh đạo các chi bộ Đảng liên tiếp rải truyền đơn kêu gọi công nhân đấu tranh tại nhiều nơi trong khu mỏ như ở Hòn Gai, Hà Tu, Cẩm Phả.
Bước sang tháng 11/1930, để chào mừng Cách mạng tháng Mười Nga, Đặc khu ủy đã phát động một phong trào đấu tranh trong Khu mỏ.
Tại Uông Bí, Vàng Danh, Đảng ủy mỏ tổ chức treo cờ đỏ, rải truyền đơn, dán áp phích ở nhiều nơi, kêu gọi công nhân đứng dậy đấu tranh đòi chủ mỏ không được lưu lương.
Tại Cẩm Phả, truyền đơn được rải và phân phát cho công nhân ở trên tầng. Cờ Đảng được cắm ở tầng 13. Một số đảng viên và hội viên Công hội đỏ cho nổ mìn ở cửa rạp hát, gây được tiếng vang trong thị xã…
Truớc những đợt sóng đấu tranh của công nhân mỏ liên tiếp nổ ra, chính quyền thực dân Pháp và bọn chủ mỏ điên cuồng khủng bố, đàn áp phong trào. Nhiều đồng chí trong Đặc khu ủy và Đảng ủy mỏ bị địch bắt, nhiều cơ sở Đảng bị vỡ, nhưng các đảng viên và cơ sở cách mạng còn lại vẫn tiếp tục hoạt động để khôi phục phong trào.
Ngọc Linh (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()