Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:36 (GMT +7)
Vân Đồn: Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản
Thứ 2, 15/04/2024 | 16:32:40 [GMT +7] A A
Bên cạnh hỗ trợ người dân mở rộng diện tích NTTS, huyện Vân Đồn khuyến khích người dân liên kết với các cơ sở để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản bền vững.
Huyện quan tâm quy hoạch, định hướng, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức đầu tư chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị thủy sản. Điển hình, huyện sắp xếp lại vùng nuôi đảm bảo mật độ, nguồn giống, vùng nuôi an toàn sạch sẽ; nuôi quảng canh chuyển dần sang bán thâm canh với các kỹ thuật nuôi treo dây, khay treo, lồng treo, lồng thả đáy; sử dụng các vật liệu sạch HDPE vào nuôi trồng; cải tạo khu vực nuôi, quản lý quá trình nuôi...
Một trong những thương hiệu được khẳng định là "Chả mực bà Nụ". Sản phẩm này hiện đã xây dựng mạng lưới tiêu thụ trên toàn quốc. Quy mô sản xuất càng mở rộng đòi hỏi cần có nguồn nguyên liệu lớn, bền vững. Để chủ động nguồn nguyên liệu, cơ sở đã hợp đồng với nhiều chủ tàu ở địa phương thu mua sản phẩm mực sau khai thác, đảm bảo lợi ích của các bên.
Anh Nguyễn Đình Tuấn, chủ cơ sở "Chả mực bà Nụ", cho biết: Sản xuất sản phẩm thương hiệu, chất lượng đòi hỏi phải chuẩn từ khâu nguyên liệu. Cơ sở đã ký kết tiêu thụ với các tàu khai thác của ngư dân trên địa bàn. Sản phẩm phải còn tươi, không có tạp chất, không sử dụng hóa chất, kháng sinh để bảo quản trong quá trình vận chuyển vào đất liền. Với hình thức liên kết đã giảm các khâu trung gian, giảm chi phí, chủ động nguyên liệu trong sơ chế, chế biến, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Huyện khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm thủy sản. Công ty TNHH Quan Minh (huyện Vân Đồn) đã nắm bắt chính sách thu hút đầu tư và thế mạnh về nguồn nguyên liệu thủy sản chất lượng cao để xây dựng vùng nuôi tập trung, áp dụng nuôi trồng theo hướng VietGAP, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của huyện. Công ty chú trọng chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn sản xuất, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ.
Ông Hoàng Việt Cường, Giám đốc Công ty TNHH Quan Minh, cho biết: Công ty chủ động ký kết với đối tác nước ngoài như Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc)... để kết nối hỗ trợ các hộ dân cũng như tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm thủy sản xuất khẩu tới đây. Từ đó có hướng đi lâu dài để hỗ trợ các dự án NTTS của Công ty cũng như các đối tác, các hộ NTTS phát triển ổn định, bền vững.
Trên địa bàn huyện hiện có 4 doanh nghiệp, 3 HTX, 38 hộ gia đình chế biến hàu. Theo rà soát, đã có 5-6 cơ sở đầu tư máy móc, nhà xưởng chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Đài Loan và các thị trường khác. Mỗi cơ sở đầu tư khoảng 300 triệu - trên 1 tỷ đồng trang thiết bị, nhà xưởng…, đảm bảo quy trình chế biến khép kín.
Theo đánh giá của huyện, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người sản xuất đã tạo điều kiện để nhân rộng những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, cung cấp cho thị trường sản phẩm thủy sản an toàn. Ngành Nông nghiệp huyện khuyến khích phát triển các vùng nuôi trồng tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ kết nối và phát triển liên kết, nhất là giữa các doanh nghiệp với các cơ sở sản xuất của ngư dân, người nuôi thủy sản, đảm bảo đầu ra ổn định, nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng cao. Cùng với đó là tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, người dân tham gia vào chuỗi liên kết thực hiện các quy định về vệ sinh ATTP, xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế.
Vân Anh
- Phát triển thủy sản hướng về phía biển
- Khai thác thủy sản không có Giấy phép bị phạt tới 100 triệu đồng
- Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp
- Quyết liệt phòng chống khai thác thủy sản trái phép
- Đẩy nhanh quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung
- Đầm Hà phát triển toàn diện ngành thủy sản
- Sớm đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc
Liên kết website
Ý kiến ()