Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:18 (GMT +7)
“Xây dựng các phương án dạy học thích ứng trong tình hình mới”
Thứ 6, 03/09/2021 | 12:03:38 [GMT +7] A A
Chỉ còn vài ngày nữa là đến năm học mới 2021-2022. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong cả nước, việc đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường đang được tất cả các cấp ngành, các bậc phụ huynh, nhân dân quan tâm. Liên quan đến công tác chuẩn bị cho năm học mới, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT.
- Thưa bà, để lễ khai giảng năm học mới diễn ra thuận lợi, ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã có sự chuẩn bị như thế nào?
+ Năm học 2021-2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 646 cơ sở giáo dục, với 10.453 lớp, trên 321.000 học sinh, trẻ mầm non (chưa bao gồm số lượng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục). Sở GD&ĐT đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp với 62.210 học sinh.
Để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện tổ chức khai giảng và cho năm học mới, Sở đã ban hành Hướng dẫn số 2280/HD-SGDĐT (ngày 18/8/2021) về tổ chức cho học sinh tựu trường, khai giảng và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 thích ứng với các tình huống phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, vào 7h30 ngày 5/9/2021 đồng loạt tổ chức khai giảng ở tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Lễ khai giảng phải được tổ chức trang trọng, ngắn gọn, ý nghĩa và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Thời gian không quá 60 phút, với các nội dung: Đón học sinh đầu cấp; nghi thức chào cờ; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước; diễn văn khai giảng và đánh trống khai trường.
Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí tăng cường cơ sở vật chất trường học tại Quyết định số 2581/QĐ-UBND ngày 6/8/2021. Trong đó, hỗ trợ các địa phương để thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình vệ sinh, thư viện, phòng học không đảm bảo an toàn, xóa phòng học tạm; trang bị thiết bị lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Các địa phương trong tỉnh đã cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình nhà vệ sinh tại 87 trường học, tổng kinh phí trên 71,3 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các phòng học không đảm bảo an toàn, xóa phòng học tạm tại 89 trường học, tổng kinh phí trên 189 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa nâng cấp thư viện phát triển văn hóa đọc cho 49 trường tiểu học, tổng kinh phí trên 29 tỷ đồng…
- Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường, ngành đã xây dựng những phương án gì, thưa bà?
+ Năm học 2021-2022 là một năm học đặc biệt bởi diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19. Để đảm bảo kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, thống kê số lượng CBCCVC và học sinh đang tạm trú ở các địa phương ngoài tỉnh Quảng Ninh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng phương án hỗ trợ học sinh học tập tại nơi cư trú.
Các trường đã xây dựng kế hoạch chuyển trạng thái dạy học thích ứng với tình huống khi có 500 đến 1.000 người mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhằm đạt được "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch an toàn, vừa nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
- Trong năm học tới, ngành đặt ra những giải pháp nào để nâng cao chất lượng dạy học, thưa bà?
+ Năm học này, toàn ngành sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện TTHC ở các cơ sở giáo dục, đặc biệt đối với việc rà soát các TTHC để cắt giảm, thu gọn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, tập trung bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Ngành đặt mục tiêu giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học; tiếp tục xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập, thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT; tiếp tục xây dựng bài giảng điện tử, bài giảng trực tuyến dùng chung đảm bảo hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu tổ chức dạy học trực tuyến của các cơ sở giáo dục; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT...
Xin cảm ơn bà!
Lan Anh
- Nỗ lực triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới
- Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng
- Chương trình giáo dục mới: Cần đánh giá đúng để triển khai phù hợp
- Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đề xuất miễn học phí kỳ I
- Ba Chẽ: Tích cực cải thiện chất lượng giáo dục
- Giáo dục mầm non hướng tới tạo môi trường thực sự 'yên vui', 'yên tâm' và 'yên lòng'
Liên kết website
Ý kiến ()