Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:03 (GMT +7)
Xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo mô hình bệnh viện thông minh tiêu chuẩn quốc tế
Thứ 3, 20/06/2023 | 19:44:00 [GMT +7] A A
Ngày 20/6, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy để nghe và cho ý kiến về kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại khu vực Nam Cầu Trắng, TP Hạ Long; đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 cùng nhiều nội dung quan trọng.
Thực hiện Quyết định 80 của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 72 của Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương ưu tiên dành toàn bộ quỹ đất 33,16 ha của Nhà máy sàng tuyển than Nam cầu Trắng để xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh và thu hút đầu tư các công trình y tế, giáo dục và công cộng khác cho sau này. Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại vị trí mới là công trình cấp đặc biệt, dự án nhóm A có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh và du khách, góp phần quan trọng trong việc tạo điểm nhấn không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.
Để lựa chọn được phương án tối ưu theo mô hình bệnh viện công viên, bệnh viện xanh, bệnh viện thông minh, UBND tỉnh đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh và có 7 đơn vị nộp hồ sơ thi tuyển với 9 phương án dự thi. Các đơn vị tư vấn dự thi đều là những đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm trong việc thiết kế các công trình bệnh viện trong nước và quốc tế, trong đó có cả những đơn vị liên danh với tư vấn Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp tư vấn dự thi. 9 phương án dự thi đều được nghiên cứu nghiêm túc và có chất lượng chuyên môn khá tốt, đưa ra nhiều mô hình, quan điểm, tư duy về thiết kế Bệnh viện Đa khoa quy mô lớn sinh động, đặc sắc, đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Qua các vòng thi, dựa trên kết quả đánh giá ưu điểm về quy hoạch, cảnh quan, công năng và hình thái kiến trúc, tính khả thi, hiệu quả đầu tư, Hội đồng thi tuyển đã chấm điểm, bỏ phiếu độc lập lựa chọn 1 phương án đạt giải Nhì và 3 phương án đạt giải Ba.
Qua thảo luận, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu việc lựa chọn phương án kiến trúc xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại khu vực Nam Cầu Trắng phải tính toán kỹ, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm đất tối đa, tiết kiệm suất đầu tư tối đa, đảm bảo tiện ích tối đa cho nhân dân. Đặc biệt, phải hướng mục tiêu xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành mô hình bệnh viện xanh, bệnh viện thông minh theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phục vụ cho phát triển du lịch.
Tính toán quỹ đất xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại vị trí mới không quá 10ha, giai đoạn 1 quy mô không quá 1.000 giường bệnh. Đồng thời, nghiên cứu dành quỹ đất đủ lớn ở khu vực này để thu hút một bệnh viện tư nhân chất lượng cao và một trường học chất lượng cao trong tương lai.
Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo lập quy hoạch toàn bộ quỹ đất để thực hiện GPMB theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh và các cơ quan chức tiếp tục làm rõ phương án sử dụng Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện nay, trong đó phải đánh giá kỹ lưỡng về hiện trạng cơ sở vật chất, công năng sử dụng, tính hiệu quả của các phương án đề xuất để tránh lãng phí nguồn lực, đất đai, tài sản công và cơ sở vật chất.
Cũng tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về kết quả rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển, chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn gắn với thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi có Chỉ thị 13, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, các địa phương rà soát tổng thể khu vực biển thuộc phạm vi địa bàn quản lý và đề xuất các điểm, khu vực, vùng không gian biển có tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở rà soát, hiện trạng nuôi trồng thủy sản trên biển hiện nay là 7.690ha; diện tích nuôi biển đã tích hợp vào quy hoạch tỉnh là 43.214ha. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương ven biển đánh giá tổng thể hiện trạng các vùng nuôi biển; xây dựng quy hoạch chi tiết khu vực biển để nuôi trồng thủy sản bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch nuôi thủy sản biển đã tích hợp vào Quy hoạch tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện thủ tục đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, giấy phép nuôi trồng thủy sản và nghĩa vụ tài chính theo quy định... Hiện, các địa phương tích cực triển khai theo tiến độ.
Về thay thế phao xốp, đến nay đã thực hiện chuyển đổi được 91% nằm trong diện tích được quy hoạch nuôi. Số phao xốp còn lại xen kẹp trong diện tích nuôi trồng được quy hoạch còn phải chuyển đổi là 9%, các địa phương cam kết hoàn thành trước 30/6/2023.
Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, để phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững, cần phải sớm có quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh và thực hiện công khai, minh bạch; tập trung cho nuôi biển theo quy mô lớn, công nghệ cao ở những vị trí có lợi thế, nằm trong quy hoạch tỉnh; đồng thời phải giải quyết những vấn đề các hộ dân nuôi trồng thủy sản đang phải đối mặt như điện, con giống, giám sát dịch bệnh, thị trường.
Để đảm bảo yêu cầu này, trên cơ sở đề xuất, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chậm nhất trong quý III phải hoàn thành quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tỉnh đảm bảo công khai, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. Khi có quy hoạch, UBND tỉnh và các địa phương tập trung phát triển mô hình HTX nuôi trồng thủy sản và thu hút, tạo điều kiện tối đa cho hộ dân nuôi trồng thủy sản tham gia HTX, mục tiêu đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân gắn với phát triển nghề nuôi biển vững.
Để các hộ dân yên tâm, tập trung nuôi trồng các vụ mới, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan Nhà nước sâu sát, nắm bắt tình hình thực tế, đảm bảo các yếu tố hạ tầng về điện, nước, thức ăn, con giống, giám sát dịch bệnh ở những vùng nuôi trồng thủy sản; không để nảy sinh chuyện người dân gặp khó khăn về con giống, thức ăn, dịch bệnh cũng như hạ tầng điện nước.
Về chuyển đổi phao xốp, kiên trì vận động, tổ chức thực hiện các chủ trương đã có để đảm bảo sự công bằng minh bạch. Đồng thời, các cơ quan nhà nước phải tạo điều kiện tốt nhất để người dân được tiếp cận với nguồn phao HDPE bền vững theo hướng hợp chuẩn, hợp quy, giá trị cạnh tranh, có lợi nhất cho người dân.
Phải đẩy mạnh ứng dụng KHCN từ khâu sản xuất giống đến thức ăn, quy trình nuôi trồng, giám sát dịch bệnh, thu hoạch, chế biến; sớm hoàn thiện đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đầm Hà để tạo đột phá cho ngành nông, lâm, thủy sản.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy nghe báo cáo nội dung đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2035. Mục tiêu chung của đề án nhằm phát triển kinh tế ban đêm dựa trên việc khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ du khách. Qua đó, thu hút, tăng khả năng chỉ tiêu và thời gian lưu trú của du khách; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo lực lan tỏa cho các ngành khác cùng phát triển. Từng bước xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm đến sôi động, hấp dẫn, đặc sắc, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực về đêm của người dân và du khách, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh với các điểm đến khác trong nước và quốc tế. Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Tỷ trọng khu vực dịch vụ 45-47% đến năm 2025; đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh thành trung tâm du lịch quốc tế.
Thường trực Tỉnh ủy thống nhất thực hiện thí điểm phát triển kinh tế đêm tại những địa phương là các trung tâm du lịch, có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, y tế, điện, nước, thông tin liên lạc có chất lượng, đồng bộ hiện đại. Đồng thời, phải là những nơi có năng lực phòng cháy chữa cháy, có lực lượng chức năng trên địa bàn đủ sức giải quyết các tình huống phát sinh; những nơi có tài nguyên, tài sản du lịch, văn hóa có thể phát triển sản phẩm du lịch về đêm… Từ đó nhằm tăng sức hấp dẫn, thúc đẩy mức chi tiêu nhân dân, du khách về đêm.
Kinh tế ban đêm phải hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cho người tham gia, không gây ô nhiễm môi trường và không làm phát sinh các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Để phát triển kinh tế ban đêm bền vững thì cả 3 chủ thể: chính quyền, người dân và doanh nghiệp đều phải tham gia với trách nhiệm cao nhất. Chính quyền phải thay đổi cách vận hành; người dân phải thay đổi tư duy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm trên cơ sở xây dựng các quy chuẩn tiêu chuẩn kiểm soát về đêm. Việc phát triển kinh tế ban đêm trước hết tập trung vào 4 lĩnh vực: ẩm thực, văn hóa, mua sắm, trải nghiệm về đêm.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()