Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 14:10 (GMT +7)
Xanh lại những cánh rừng
Chủ nhật, 27/10/2024 | 10:42:04 [GMT +7] A A
Bão đi qua làm cây gãy đổ nhưng không thể làm người trồng rừng gục ngã. Khi cây chưa kịp đứng dậy thì người phải gượng dậy trước để vực cho cây đứng lên. Rồi đây, những cánh rừng Ba Chẽ sẽ lại tươi xanh như ngày nào. Xanh như thể bão lũ chưa từng đi qua.
Khi thiên nhiên cuồng nộ
Dù đã được dự báo từ trước, nhưng dường như cơn bão số 3 đã đi ra ngoài cả những dự liệu của người trồng rừng ở Ba Chẽ. Chị Bùi Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ, kể: Thấy trời bắt đầu có gió mạnh, tôi lao ra sân xem sao. Tôi tá hoả nhìn lá cây bay mù trời, đồ đạc quần áo nhà ai bay đầy ngoài đường. Cây bật gốc đổ xuống. Tôi nghĩ ngay đến cây trên rừng. May sao lúc này sóng điện thoại di động vẫn còn. Tôi rút luôn điện thoại điện cho các anh em đang trực Công ty cố gắng giữ lấy nhà xưởng. Anh em đều bất lực nhìn bão gió càn quét. Không thể làm gì được. Thôi đành đi vào. Còn người là còn tất cả.
Thế nhưng, cơn cuồng nộ của thiên nhiên vẫn chưa chịu dừng lại. "Bão tan, tôi ra đường nhìn cây gãy đổ ban nãy lại đổ xoay theo hướng khác vào cả sân nhà dân. Lúc này, mới biết gió đổi chiều trong bão. Tôi hoang mang hơn bởi nếu gió mạnh cỡ đó lại còn đổi chiều nữa thì rễ cây trên rừng chắc là sẽ đứt hết. Cây nào nhẹ thì bay trong bão. Cây nào đứng được thì cũng đứt rễ, chột cành khó mà gượng dậy. Có tu bổ thì cũng thui chột"- chị Hương nhớ lại.
Yêu màu xanh của cây lá, hơn hai chục năm nay, từ giã quê hương Hải Phòng, chị Hương một thân một mình ra Ba Chẽ lập nghiệp bám rừng bám bản. Rừng xanh là cuộc sống, là tình yêu của chị. Bão đã làm cho một người phụ nữ đất cảng tưởng chừng rất kiên cường cũng phải có những lúc yếu lòng.
Chị Hương chia sẻ câu chuyện mà đôi mắt vẫn còn đỏ hoe: Tôi khóc ngay trên rừng vì tuyệt vọng. Khóc như là trẻ con. Cuộc đời tôi sau nhiều biến cố đều chọn ở lại với rừng, không thể bỏ rừng. Ngay cả khi một mình, chồng không còn, con không có, bố mẹ gọi về quê cho thân gái đỡ khổ nhưng tôi không bỏ rừng mà đi. Đến giờ này, khi tôi có bạn đồng hành và chúng tôi đã cùng nhau trồng lên những cánh rừng mới, chỉ chờ ngày thu hoạch. Tôi cũng đã nhẩm tính số tiền thu được và lên kế hoạch cho việc này việc nọ thì phút chốc lại thành ra tay trắng.
Những cánh rừng không chịu nổi sức gió mà nhanh chóng bị tàn phá. Sau bão, các chủ rừng và đơn vị chuyên môn đã đi khảo sát thực tế, cho thấy diện tích rừng dưới 4 tuổi đều bị thiệt hại hoàn toàn và không thể tận thu. Những cánh rừng từ trên 5 tuổi có thể tận thu một phần, tuy nhiên chi phí tận thu cao trong khi giá thu mua gỗ rừng trồng xuống rất thấp. Vì thế mà hạch toán tiền khai thác rừng lúc này là thu không đủ bù chi.
Không chỉ riêng đơn vị của chị Hương mà nhiều chủ rừng ở Ba Chẽ đều điêu đứng. Theo thống kê của huyện Ba Chẽ, toàn huyện bị thiệt hại khoảng 18.613ha cây lâm nghiệp, chủ yếu là keo từ 2 cho đến 6 năm tuổi. Trong đó, có 13.000ha rừng của các hộ dân, 5.300ha của các doanh nghiệp; gãy, đổ khoảng 100ha thông, 50ha cây gỗ lớn (chủ yếu là lim xanh 3 năm tuổi). Tổng thiệt hại về rừng ước tính khoảng 740 tỷ đồng. Là đơn vị có diện tích rừng trồng và quản lý lớn nhất trên địa bàn huyện, sau bão, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ bị thiệt hại nặng nề gần 100 tỷ đồng với gần 2.300ha rừng gãy, đổ.
Chị Hương vừa kể vừa chỉ tay về phía những cánh rừng mờ xa vốn xanh ngắt nay đã úa tàn. Lá trên rừng bị bão vò cho xám xịt như vừa chết cháy. Càng nhìn, chị Hương càng tiếc hùi hụi bởi chỉ vài ngày trước cánh rừng này còn thắm xanh. Đã có người muốn trả cho chị 8 tỷ đồng để mua. Cánh rừng kia nếu bán thì chị cũng lãi được cỡ 1,4 tỷ đồng. Nhưng chị còn đắn đo, cân nhắc cố gắng đợi thêm chút nữa để giá bán nhích lên cao hơn. Ai ngờ, bão về cuốn đi hết. "Cũng chẳng ai ngờ bão năm nay lại to đến nhường vậy" - Chị Hương buông lửng câu chuyện với tôi kèm cái thở dài thườn thượt vào buổi chiều thu lay lắt nắng.
Ươm lại những hạt mầm
Bão qua đi, đường đã được các lực lượng dọn dẹp nhưng chưa hết nỗi lo toan. Bão đi liền với mưa to lũ về dâng cao tràn bờ sông Ba Chẽ. "Tôi chưa bao giờ thấy lũ kiểu đó. Có một tháng mà 2 trận lũ. Lũ dâng nước đầy sân. Chúng tôi vượt gió, vượt mưa huy động nhân viên Công ty di chuyển tủ lạnh lên cao. Trong tủ lạnh chứa cả chục triệu tiền hạt giống. Nếu nước vào làm hạt giống ẩm nảy mầm là mất hết. Nói thật là lúc bấy giờ cũng chẳng có thời gian mà ngồi gặm nhấm nỗi buồn cây đổ gãy. Tôi phải lo cứu lấy mớ hạt giống kia. Phải nghĩ ngay đến việc ươm cây trồng vào những vị trí bị bão tàn phá thay thế cho những cây gãy đổ đứt rễ kia"- chị Hương bộc bạch.
Trong khi một tốp nhân viên đang gieo hạt ở vườn ươm thì Công ty bố trí nhân lực còn lại đến tận từng vạt rừng để kiểm đếm, thống kê thiệt hại, lên phương án xử lý thực bì. Đồng thời, phân loại rừng theo mức độ thiệt hại và theo tuổi rừng để có kế hoạch chăm sóc hoặc trồng lại. Trên tinh thần chủ động vượt khó, phần lớn các hộ trồng rừng, các chủ rừng ở Ba Chẽ như chị Hương đã nhanh chóng bắt tay vào phục hồi rừng. Đối với diện tích rừng dưới 4 năm tuổi đổ gãy gần như không thể tận thu, các chủ rừng tập trung thu dọn. Đối với diện tích rừng trên 4 năm tuổi, đã hình thành tỷ lệ gỗ rừng, tiến hành khai thác theo hướng vừa tận thu vừa dọn dẹp. Vì thế các chủ rừng còn phải mất chi phí dọn rừng đổ gãy trước khi trồng lại rừng. Nghịch lý ở chỗ nhiều khi số tiền tận thu được còn chả đủ để bù chi phí thuê nhân công. Các đơn vị khoanh vùng những khu vực thuận lợi, dễ trồng rừng để ưu tiên khắc phục trước, những cánh rừng có tỷ lệ đổ gãy ít hoặc cây bị đổ nhưng không bật gốc thì để khai thác tận thu sau.
Riêng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ của chị Hương còn phải xoay sở phương án trả nợ gỗ mỏ đến năm 2030 (còn 6 năm là tương đương với chu kỳ trồng và phát triển rừng) để đủ gỗ keo tiêu chuẩn chống và chèn lò cho thợ mỏ ngành Than. Bão làm lỡ nhiều việc của chị nhưng không được phép để lỡ đơn hàng của đối tác. Thiếu gỗ chèn lò chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của ngành Than, nhìn rộng ra là ảnh hưởng đến cả tỉnh. Là người biết nhìn xa trông rộng, hơn ai hết chị Hương thấu hiểu điều đó.
Những chủ rừng từng dồn tâm sức, mồ hôi, nước mắt, dồn vốn liếng cho rừng, dồn cả hy vọng và niềm tin vào rừng, giờ gần như phải làm lại từ đầu. Cơn bão qua đi, tâm trí chị Hương bây giờ lại rơi vào cơn bão lo toan. Lo lấy tiền trả lương cho 50 nhân viên. Lo lấy gì thế chấp mà vay được vốn ngân hàng. Vay tín chấp thì được vỏn vẹn có 2 tỷ đồng, không thấm tháp gì so với nhu cầu về vốn cho Công ty. Rồi cây chết nỏ trên rừng, không may chủ rừng bên cạnh đốt lửa bén sang thì những diện tích cây đổ gãy đang có thể tận thu cũng cháy hết. Nếu tận thu ngay bây giờ thì tiền đâu thuê nhân công. Thuê được người có được keo bán thì lại phải bán giá thấp. Mà để lại chờ giá nhỉnh hơn chút thì lấy tiền đâu mà trang trải trước mắt. Nói dại nhỡ rừng bén lửa thì chả còn gì mà tận thu. Bây giờ giải pháp tức thời của các chủ rừng như chị là xin địa phương hỗ trợ cho dựng tạm những chòi canh lửa.
Mải nghe chuyện, tôi ngồi nhâm nhi cốc trà hoa vàng mà chị Hương vừa rót, lặng lẽ nhìn chiếc tủ lạnh của Công ty. Trong đó, còn những túi hạt giống mà chị đang bảo quản rất cẩn thận. Bất giác, tôi nhớ đến hai câu ca dao của các cụ ta xưa: "Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây". Chồi non ở trên rừng thì vẫn còn nhiều bởi cây tuy gãy cành nhưng thân và gốc vẫn xanh.
Và một điều khác lạ đang diễn ra: Mùa thu hằng năm là mùa cây khô lá vàng nhưng mùa thu ở Ba Chẽ năm nay cây cối lại bắt đầu nảy lộc non. Không chỉ còn chồi mà còn những hạt giống, còn những mầm non ở các vườn ươm. Tôi biết, rồi đây không lâu nữa đâu, những cánh rừng Ba Chẽ sẽ được phủ xanh trở lại. Và những đôi mắt của các chủ rừng cũng không còn khắc khoải, rười rượi một nỗi buồn xa xăm như người phụ nữ kiên cường đang ngồi đối diện với tôi đây.
Phạm Học
- Quảng Ninh tái thiết sản xuất thuỷ sản theo hướng bền vững
- Hỗ trợ tái thiết sản xuất lâm nghiệp bị thiệt hại do thiên tai
- Đồng hành cùng nhân dân tái thiết cuộc sống
- Chung sức tái thiết cuộc sống sau bão số 3
- Tái thiết Quảng Ninh sau thảm hoạ Yagi
- Quảng Ninh xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão số 3
Liên kết website
Ý kiến ()