Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:22 (GMT +7)
Xanh hoá các khu du lịch
Chủ nhật, 06/06/2021 | 14:15:21 [GMT +7] A A
Không chỉ khai thác dựa vào nguồn tài nguyên có sẵn, các khu du lịch lớn trên địa bàn Quảng Ninh cùng với sự đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngày càng chú trọng hơn vào việc kiến tạo cảnh quan, trong đó có hệ thống cây xanh, hoa, góp phần tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn du khách...
Gắn với bảo tồn
Vịnh Hạ Long có thể xem là một khu du lịch đặc biệt của Quảng Ninh, với quần thể hơn 1.900 đảo đá lớn, nhỏ. Đây cũng là nơi có sự đa dạng sinh học cao với nhiều loài thực vật đặc trưng cho vùng núi đá vôi, với đủ các màu sắc, tạo nên vẻ đẹp giàu sức sống cho những ngọn núi đá của di sản – danh thắng này.
Thời gian qua, bên cạnh các loại cây hoa cảnh quan thông thường, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã từng bước nghiên cứu, nhân giống, trồng bảo tồn một số loại cây đặc trưng, có vẻ đẹp cũng như có giá trị về mặt khoa học của Vịnh Hạ Long, nhằm giới thiệu tới du khách, để du khách có thể tiếp cận một cách gần hơn, như cây bông mộc, lan hài vệ nữ hoa vàng, cây cọ Hạ Long…
Cụ thể, cây bông mộc - loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, chỉ phân bố trên rất ít vùng núi đá vôi trong cả nước, trong đó có Vịnh Hạ Long, cũng là loài thực vật nằm trong Danh lục đỏ của IUCN (năm 2007), cho đến nay đã được đơn vị nhân giống và trồng với số lượng lớn nhất, lên tới hơn một nghìn cây.
Loài cây này sở hữu cái tên mộc mạc nhưng lại có hoa, quả đẹp với hạt được bọc ở trong bao hoa, tạo thành những quả bóng hoa màu hồng đậm hoặc màu đỏ trông rất đẹp mắt. Giữa mênh mông sóng nước, đá núi của Hạ Long, vào mùa hoa bông mộc kết thành từng mảng trên những ngọn núi nhưng với du khách vẫn khó có thể quan sát rõ được.
Chính vì vậy, những điểm nhân giống cây bông mộc được đơn vị lựa chọn, đầu tư để vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện sống của cây, vừa có thể giới thiệu cho du khách một loài thực vật đẹp của Vịnh Hạ Long trong quá trình tham quan di sản, như ven chân núi hòn Núi Lướt, hòn Hang Sò thuộc khu vực Ba Hang, khu vực Thiên Cung, Đầu Gỗ, hòn Vụng Ong, hòn Vạn Bội, đảo Ti tốp, động Sửng Sốt, động Mê Cung, động Tiên Ông, khu vực hang Cỏ, Vông Viêng, Bãi Đông... Nhiều điểm, bông mộc được trồng tập trung trên diện tích lớn, như tại hòn Núi Lướt với 800m2.
Bên cạnh đó, lan hài vệ nữ hoa vàng sở hữu vẻ đẹp độc đáo cũng là một trong số những loài thực vật có giá trị về nguồn gen quý tại Vịnh Hạ Long. Vì vậy, những năm qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã lập sơ đồ, khoanh vùng bảo tồn tại chỗ các điểm có phân bố loài lan này trên các đảo của Vịnh Hạ Long.
Sau này, đơn vị cũng dự kiến nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị loài lan này gắn với các điểm du lịch trên Vịnh, như tại khu vực làng chài Cống Đầm, bến cập tàu trên đường xuống của hang Sửng Sốt, nơi có thảm thực vật tự nhiên có dáng và hoa đẹp sẵn có tại những khu vực này…
Tạo sức hấp dẫn, sinh động cho các khu du lịch
Nếu như Hạ Long thiên về sử dụng chính các loài cây, hoa quý ngay trên Vịnh Hạ Long để làm cảnh, giới thiệu cho du khách, thì nhiều khu du lịch lại làm phong phú hơn khuôn viên của mình bằng các loại thực vật của nhiều vùng, miền.
Dịp đầu xuân vừa qua, du khách đến tham quan khu di tích – khu du lịch đền Cửa Ông phải xuýt xoa bởi vẻ đẹp của hơn 70 cây hoa mai anh đào, hơn bốn chục cây hoa ban Tây Bắc nở rộ khắp các lối đi, khuôn viên rộng lớn của công trình.
Quá trình quy hoạch mở rộng đầu tư, tôn tạo đền Cửa Ông những năm gần đây, hệ thống cây lâu niên trong khuôn viên cũng được chú trọng bảo vệ, gìn giữ, không chỉ tạo bóng mát mà còn gia tăng vẻ đẹp cho công trình. Nối tiếp đó là việc trồng những vườn hoa hồng lớn, nhỏ nơi đây. Qua thống kê của địa phương cho thấy, khuôn viên đền Cửa Ông hiện có 20 cây nhãn, long não, 9.300 cây hoa hồng…
Thực tế những năm gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp, đơn vị ngày càng chú trọng đầu tư công phu cho hệ thống cây xanh cảnh quan khi xây dựng công trình gắn với phát triển du lịch. Đa phần các điểm du lịch thường chọn những loại cây có hoa nở rực rỡ, dáng thế đẹp để tạo sự hấp dẫn cho công trình hoặc chọn từ các loại cây đẹp, đặc trưng của địa phương.
Như ở khu du lịch Vũng Đục (Cẩm Phả), doanh nghiệp đã đầu tư cả trăm cây hoa giấy, cây Osaka vàng cùng thang thang rừng, hoa sứ và các cụm tre, trúc... Ở chùa Ba Vàng (Uông Bí), chùa Cái Bầu – Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn) có khuôn viên rất rộng lớn, cùng với hệ thống cây tự nhiên có sẵn còn được trồng thêm rất nhiều loại cây lâu niên rồi những loại cây cho hoa đẹp, hương thơm như đào, hoa hồng...
Khu du lịch Yên Đức đúng với tiêu chí một khu du lịch đồng quê đã đầu tư trồng những loại cây “quê kiểng” thật sự, từ những hàng cau cao vút thanh thoát cho đến những ao hoa súng tím, những dọc khoai nước, đọn mạ non…
Thiết kế theo chủ đề riêng
Đầu tư cho hệ thống cây xanh, cảnh quan có ý tưởng, chủ đề riêng còn phải kể đến khu tắm khoáng nóng Yoko Onsen Cẩm Phả của SunGroup, Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm Yên Tử của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm.
Ở Yoko Onsen, tùng La hán là loại cây đặc trưng được doanh nghiệp kỳ công đưa từ Nhật Bản sang nhằm tạo thành những khu vườn Nhật đặc trưng với các mái nhà truyền thống, những cây cầu nhỏ, những dòng suối cạn… Thậm chí, trong những căn villa nhỏ, không gian tự nhiên luôn trồng một cây tùng La hán nhỏ gần với bể tắm ngoài trời…
Còn ở quần thể Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm dưới chân núi Yên Tử, hệ thống cây xanh cảnh quan được doanh nghiệp đầu tư trong nhiều năm qua, đặc biệt đầu tư tập trung với số lượng lớn nhất là từ năm 2018 trở lại đây.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, chia sẻ: Hơn 700 năm trước thì xích tùng đã được các tổ thiền trồng ở Yên Tử, tạo thành những quần thể xích tùng cổ rất đẹp và ý nghĩa hiện nay. Giờ đây, con đường bồ đề dẫn vào đất Phật từ Dốc Đỏ tới chân núi Yên Tử đã được hiện thực hoá như biểu trưng của con đường giải thoát, giác ngộ rồi và dự kiến sẽ còn được nối dài sang Ngoạ Vân, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Còn ở không gian dưới chân núi Yên Tử, đơn vị đã trồng hàng nghìn cây thuộc hàng chục loại theo chủ đề, gần gũi đời sống người Việt và ẩn chứa ý nghĩa với Yên Tử. Trong đó, quần thể cây mang ý nghĩa gắn với Phật giáo có thể kể đến như: Bồ đề, tùng La hán, tùng kim, trúc, đại, đa, cây sung, cây túc…
Tùng La hán ở đây trồng theo khu, sau cổng Khai tâm là 108 cây, tượng trưng cho 108 sự phiền não trong đời sống con người được đề cập tới trong giáo lý nhà Phật, với ngụ ý làm tan biến, hoá giải đi những phiền não cho du khách. Yên Tử gắn với Thiền phái Trúc Lâm nên doanh nghiệp cũng đầu tư trồng những hàng trúc, cụm trúc bên hồ, dọc trên con đường vào cung Trúc Lâm, xen giữa các căn nhà trong khu làng Nương… vừa tạo cảnh quan trang nhã vừa có ý nghĩa với Yên Tử.
Ông Thanh cho hay, khu làng Nương mang ý nghĩa là nơi sinh sống dưới chân núi của các cung tần mỹ nữ xưa từng theo vua Trần Nhân Tông về Yên Tử. Vì vậy, sự đa dạng của hệ thống cây ở Yên Tử như gợi lại những vùng quê xưa của các nàng, cũng rất gần gũi với đời sống người Việt ta.
Trong đó, cây to lấy bóng mát có thể kể đến hồng lộc, Sala, sấu, sưa trắng, long não, lộc vừng. Quần thể cây ăn trái có mít, bưởi, hồng, khế, đào, mơ. Cây lấy hoa, lấy hương có ngọc lan, đỗ quyên, muồng hoàng yến, phượng, hoa giấy, hoa gạo…
Bên cạnh đó có hàng nghìn m2 được trồng các loại cây nền, như cây chuỗi ngọc, cây hoa lạc vàng, cẩm tú mai… Các loại cây bản địa được trồng nhiều ở khu du lịch dưới chân núi Yên Tử còn có thể kể tới cây hoa mai vàng Yên Tử, hoa đỗ quyên, sim…, đã được đơn vị nhân giống, trồng với số lượng khá lớn.
Ý tưởng và chủ đề trồng cây ở quần thể khu du lịch dưới chân Yên Tử được đơn vị tham khảo ở các nơi, từ việc lấy ý kiến của các chuyên gia văn hoá lịch sử, chuyên gia về cảnh quan và sự tư vấn của kiến trúc sư công trình là ông Bill Bensley.
Theo đó, quan điểm thống nhất là không trồng cây thế được tỉa tót quá cầu kỳ, mà hướng tới những cây mang hồn Việt, cây ăn trái, có hương, hoa như cây vườn nhà, gần gũi đời sống người Việt. Doanh nghiệp muốn mượn cây để nói lên tinh thần thiền của Yên Tử, đơn giản, thuận theo tự nhiên nhiều hơn. Ngay cả cây tùng La hán cũng không tỉa tạo dáng thế cầu kỳ mà chủ yếu là dáng trực, với mong muốn sau này cây lên to tạo bóng mát là chính.
Để có quần thể cây xanh hoa trái bốn mùa như hiện nay, Công ty đã đầu tư công sức, chi phí chăm sóc hàng năm rất lớn, lên tới hàng chục tỷ đồng cho tới nay, tạo thêm điểm nhấn giàu sức hấp dẫn cho du khách khi về với non thiêng Yên Tử.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()