Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:17 (GMT +7)
Xâm phạm bản quyền trong mua bán, giao dịch trực tuyến
Chủ nhật, 08/12/2024 | 08:02:17 [GMT +7] A A
Xu hướng “bùng nổ” thương mại điện tử đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức giao thương, giúp việc mua bán qua môi trường số trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Nhưng đồng hành với đó là các hành vi xâm phạm bản quyền cũng diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của các chủ sở hữu bản quyền, người tiêu dùng và gây suy yếu nền kinh tế sáng tạo.
Theo các chuyên gia, những đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan thường bị xâm phạm trong thương mại điện tử hiện nay là các xuất bản phẩm như sách, báo, tạp chí, các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, bản ghi âm, ghi hình âm nhạc, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, game online… Thời gian qua, báo giới tốn không ít giấy mực phản ánh tình trạng kinh doanh hàng hóa sao chép lậu như sách, đĩa game… trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó là hiện tượng sử dụng trái phép ảnh có bản quyền để chào bán sản phẩm; sao chép trái phép hình ảnh có bản quyền lên sản phẩm kinh doanh; tải và phân phối trái phép các sản phẩm trên nền tảng số…
Dù đã tham gia 8 trong 9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan, nhưng Việt Nam vẫn xếp thứ 3 Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) về vi phạm bản quyền trên không gian số (nghiên cứu năm 2022 của Media Partners Asia), với khoảng 15,5 triệu người xem nội dung bất hợp pháp, gây thất thoát 348 triệu USD/năm. Năm 2023, thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các cơ quan liên quan ngăn chặn 2.763 website, 3.611 link vi phạm.
Tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian số đang vô cùng nhức nhối, và càng trở nên tinh vi, khó kiểm soát hơn, nhất là trong bối cảnh các hành vi vi phạm có sự tham gia từ nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau. Trong hoạt động thương mại điện tử, có không ít đối tượng thường lập, sử dụng nhiều tài khoản để thực hiện hành vi vi phạm và nhanh chóng mở tài khoản mới sau khi tài khoản cũ bị xử lý, dỡ bỏ. Thêm nữa, các chế tài xử phạt hiện nay cũng chưa đủ sức răn đe.
Trên các kênh thương mại điện tử, các đối tượng vi phạm thường không cung cấp thông tin liên hệ, địa chỉ cụ thể, không có kho, cửa hàng lưu trữ, chỉ bán online, hàng bị phân tán nhiều nơi cho nên khó truy vết, xử lý. Chưa kể, một số sàn thương mại điện tử lớn hiện nay như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki,… chủ yếu mới chỉ yêu cầu người bán cung cấp một số thông tin, tài liệu chứng minh sản phẩm hợp lệ, chứ chưa thắt chặt việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán một cách thường xuyên, liên tục, cũng tạo “kẽ hở” để nhiều đối tượng lợi dụng vi phạm…
Ngoài ra, một bộ phận người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm mình đang mua, sử dụng là vi phạm bản quyền, nhưng vẫn lựa chọn vì giá rẻ và tiện dụng khi mua sắm. Điều này càng “tiếp tay” cho các hành vi xâm phạm bản quyền.
Các chuyên gia cho rằng, cần có một hệ thống quản lý bản quyền đồng bộ, toàn diện, kết hợp giữa các chính sách pháp lý, biện pháp công nghệ và hợp tác quốc tế. Các biện pháp giám sát, xử lý vi phạm cần được các cơ quan có thẩm quyền tăng cường hơn với chế tài xử phạt mạnh hơn.
Cần quy định các nền tảng thương mại điện tử phải áp dụng các công cụ công nghệ để giám sát và ngăn chặn hành vi xâm phạm bản quyền. Các hệ thống nhận dạng nội dung, theo dõi bản quyền tự động và công cụ nhận diện hình ảnh là những giải pháp công nghệ hữu ích và quan trọng giúp phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm ngay khi chúng xuất hiện.
Như việc năm 2019, “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon đầu tư Project Zero - một công cụ công nghệ cao nhằm hỗ trợ các chủ thể quyền tự xác định và loại bỏ hàng giả; cùng với công nghệ giúp phân loại hàng giả, hàng chính hãng trước khi xuất bán trên nền tảng. Kết quả là năm 2022, có tới 6 triệu mặt hàng được phát hiện là giả và 1.300 tội phạm bị truy tố.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần siết chặt quy định về việc mở các tài khoản kinh doanh trực tuyến trên mạng, các tài khoản giao dịch thương mại điện tử để bảo đảm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sàn thương mại điện tử với cơ quan thực thi và chủ thể bản quyền; xây dựng chính sách, công cụ bảo vệ bản quyền rõ ràng, công khai và minh bạch...
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()