Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:50 (GMT +7)
Đừng để nỗi đau tiếp diễn!
Thứ 2, 18/10/2021 | 08:17:58 [GMT +7] A A
"Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", không chỉ là tựa đề của một bài hát về thiếu nhi, mà còn là thông điệp về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, để tất cả trẻ em có một tuổi thơ tươi vui, một tương lai tốt đẹp.
Những câu chuyện buồn
“Mỗi năm, đội ngũ luật sư trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (TGPLNN) Sở Tư pháp tham gia bảo vệ cho nhiều trẻ em, người chưa thành niên là đương sự trong các vụ việc tố tụng. Trong đó, những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em luôn để lại ám ảnh không quên” - Chị Vũ Thu Uyên, luật sư, trợ giúp viên Trung tâm TGPLNN, cho biết.
Cuối năm 2017, chị Uyên cùng đồng nghiệp tham gia bảo vệ cho cháu Ph.T.L (SN 2004, trú tại TP Hạ Long), bị đối tượng Nguyễn Hải M xâm hại tình dục. Qua tiếp cận hồ sơ và trao đổi trực tiếp với người bị hại được biết đối tượng Nguyễn Hải M là người quen của gia đình có đến nhà để đưa cơm, nhân lúc bố mẹ cháu L không có nhà đã nảy sinh ý định xấu với cháu.
“Sau 4 tháng khi xảy ra sự việc trên, chúng tôi mới nhận được thông tin đề nghị trợ giúp từ phía gia đình. Dù vậy, khi tiếp xúc, cháu L vẫn đang trong trạng thái hoảng sợ, mất bình tĩnh, không nói chuyện, không muốn gặp người lạ. Phải mất rất nhiều thời gian, cùng với sự phối hợp an ủi, động viên từ người thân trong gia đình, nhà trường, cháu L mới chấp thuận và mở lời cung cấp những tình tiết liên quan đến vụ án, phục vụ điều tra, xét xử” - Chị Uyên kể lại.
Đặc biệt, có những vụ việc xâm hại ngoài nỗi đau về thể xác, tinh thần mà các em phải chịu, thì hậu quả để lại hết sức nặng nề. Đầu tháng 12/2020, Trung tâm TGPLNN nhận được đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý của cháu N.T.H (SN 2006, trú tại xã Bắc Sơn, TP Móng Cái), là người bị hại trong vụ án giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi. Đơn được chuyển cho chị Vũ Thu Uyên, tham gia tố tụng từ giai đoạn xét xử bảo vệ quyền và lợi ích cho cháu H.
“Khi tôi tiếp xúc với cháu H thì cháu đã là bà mẹ của 2 trẻ sinh đôi. Đáng buồn thay, cha của 2 đứa trẻ ấy cũng là cha của H. Có nghĩa là kẻ xâm hại cháu H chính cha ruột cháu” - Chị Uyên cho biết. Theo cáo trạng của Viện KSND TP Móng Cái, bị cáo Nịnh A Ph, SN 1986 và vợ Nình Móc H đều trú tại xã Bắc Sơn (TP Móng Cái), có kết hôn và sinh được 4 người con, trong đó có cháu N.T. H, SN 2006. Một buổi tối cuối tháng 1/2020, do vợ không có nhà, bị cáo Nịnh A Ph đã giở trò đồi bại với cháu H. Thú tính của gã Ph còn lặp lại kèm theo những lời đe dọa yêu cầu cháu H không được tiết lộ với người khác. Đến tháng 8/2020, sau khi thấy H có những biểu hiện khác thường, gia đình đưa đi khám tại Trung tâm Y tế TP Móng Cái thì phát hiện H đã có song thai 27 tuần. Đầu tháng 9/2020 cháu H chuyển dạ sinh non.
2 vụ việc trên, kẻ ác đã bị pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng những ám ảnh về việc bị xâm hại đã ảnh hưởng lớn đến tâm, sinh lý, sự phát triển của trẻ sau này.
Mới đây nhất, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc đau lòng mà người bị xâm hại là trẻ em. Đơn cử như vụ việc cháu T.T.Q (SN 2008, trú tại huyện Ba Chẽ) bị đối tượng Triệu A H là cha đẻ xâm hại. Tháng 8/2021, cháu B.N.K (SN 2008, trú tại TP Cẩm Phả) được gia đình đưa đến Công an huyện Vân Đồn trình báo nội dung việc bị Phạm Văn S (SN 1988, trú tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) xâm hại tình dục. Quá trình điều tra, Cơ quan Công an xác định, vào khoảng cuối tháng 6, K và S sau thời gian quen và nhắn tin thông qua mạng xã hội Facebook và Zalo dẫn đến nảy sinh tình cảm. Ngày 16/7, S chở K về nhà riêng của mình và có hành vi quan hệ tình dục với cháu K. Ngày 13/8, Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với S về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi", đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với S để tiến hành điều tra.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng tỉnh, trong 8 tháng năm 2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ xâm hại tình dục trẻ em, tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, phần lớn các đối tượng xâm hại là người có mối quan hệ thân quen với trẻ. Từng ấy vụ việc đồng nghĩa với việc có từng đó trẻ em và gia đình, người thân đang phải chịu đựng nỗi đau do những kẻ ác tâm, thú tính mang đến. Sự gia tăng của các vụ việc xâm hại gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức xuống cấp, luân thường, đạo lý đảo lộn... Qua đây cũng cần nhấn mạnh hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường và xã hội để bảo vệ trẻ trước nguy cơ xâm hại.
Để mọi trẻ em được an toàn, phát triển toàn diện
Để làm tốt công tác bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và cộng đồng chung tay thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị bằng nhiều hình thức, như: Hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm… Tiêu biểu, từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về kỹ năng phòng, chống xâm hại, buôn bán, bạo lực và các dịch vụ hỗ trợ trẻ em; in sao 750 đĩa có nội dung về dịch vụ bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em cấp cho các huyện, thị xã, thành phố; cấp phát 25.000 cuốn sách về phòng, chống xâm hại tình dục. Sở Y tế tổ chức các hội nghị, tập huấn và nói chuyện chuyên đề phòng, chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Sở VH&TT tăng cường hoạt động phổ biến các kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống khi bị bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em...
Bên cạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, tỉnh chú trọng xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ thông qua trường học an toàn, thân thiện, xã hội an toàn lành mạnh. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh quan tâm xây dựng mối quan hệ, gần gũi giữa giáo viên kết nối với học sinh, để các em tin cậy, chia sẻ. Trong cộng đồng, các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ trẻ, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin cho trẻ cũng được chú trọng. Hoạt động vui chơi cho trẻ được tăng cường với nhiều lớp kỹ năng sống, nhất là kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục, được tổ chức thường xuyên trong các dịp hè. Tỉnh đang duy trì nhiều mô hình nhằm xây dựng xã hội an toàn, như: Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới; gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; giảm thiểu lao động trẻ em…
Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đẩy nhanh tiến độ điều tra, phối hợp với Viện KSND, TAND tiến hành truy tố, xét xử nghiêm minh những đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em. Để hành vi xâm hại trẻ em của các đối tượng được điều tra, xử lý kịp thời, Công an tỉnh đề nghị mỗi người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không được thỏa hiệp hoặc vì mặc cảm mà không tố giác tội phạm. Khi phát hiện dấu hiệu trẻ bị xâm hại, người dân có thể liên hệ với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất, hoặc gọi vào Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em thuộc Bộ LĐ-TB&XH qua số 111 để được tư vấn, hỗ trợ.
Trẻ em là những mầm non, những người chủ tương lai của đất nước, để trẻ em được lớn lên an toàn, phát triển, không chỉ là trách nhiệm và nỗ lực của một cấp, ngành, mà cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và mỗi người dân.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()