Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:39 (GMT +7)
Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 Xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm
Thứ 6, 26/04/2024 | 11:01:37 [GMT +7] A A
Thời gian qua tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ việc thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, nhất là sản phẩm OCOP. Qua đó góp phần phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đẩy mạnh chương trình OCOP, xây dựng NTM...
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Nhận thức rõ vai trò của SHTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3683/QĐ-UBND (ngày 21/10/2021) "Phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 313/2020/NQ-HĐND "Về một số cơ chế tài chính khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh". Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm tỉnh hỗ trợ trên 1,8 tỷ đồng cho 50 đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về hoạt động KH&CN, trong đó có hoạt động SHTT. Đặc biệt, Sở luôn đồng hành và tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc thực hiện xác lập quyền SHTT cho các sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP. Trong đó tập trung hỗ trợ hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng mới, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; hoạt động áp dụng công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến; hoạt động tham dự chợ công nghệ và thiết bị, hội chợ thương hiệu…
Đến nay, Quảng Ninh có nhiều sản phẩm địa phương được cấp chứng nhận nhãn hiệu gắn với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý, như: Rau an toàn Quảng Yên, Trứng gà Tân An, Cua biển Quảng Yên; Miến rong Bình Liêu, Mật ong Bình Liêu, Dầu sở Bình Liêu; Nấm lim xanh Ba Chẽ, Măng mai Ba Chẽ, Mật ong Ba Chẽ; một số nhãn hiệu chứng nhận: Trà hoa vàng Ba Chẽ, Ba kích tím Ba Chẽ. Từ năm 2020 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của Tỉnh ủy "Về phát triển khoa học, công nghệ và đối mới sáng tạo đến năm 2030", Sở KH&CN đã hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương hiệu cho 24 sản phẩm OCOP 4 sao và 76 sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh thông qua đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Đồng thời duy trì hoạt động của Trạm khai thác thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp (IPPlatform), nhằm hỗ trợ khách hàng tra cứu, cung cấp thông tin về SHTT; kết nối, tư vấn hỗ trợ khai thác, phát triến các sáng chế phục vụ phát triển sản xuất.
Theo thống kê của Sở KH&CN, Quảng Ninh hiện có gần 2.000 văn bằng bảo hộ về nhãn hiệu, trên 30 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ, hàng chục giống cây trồng mới được đăng ký. Trong đó, Công ty CP Gạch ngói Đất Việt có 6 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ, được hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết số 313/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Các sáng chế này đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất hằng năm, làm lợi cho Công ty hàng chục tỷ đồng, góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tiết kiệm nguyên vật liệu.
Năm 2024, Sở KH&CN tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trong đó tập trung “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Khoai lang Móng Cái dùng cho sản phẩm từ khoai lang của TP Móng Cái”; “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Ruốc tôm Hạ Long dùng cho sản phàm ruốc tôm của TP Hạ Long”. Hai sản phẩm đã được nhận hỗ trợ kinh phí phát triển nhãn hiệu 720 triệu đồng theo Quyết định số 3683/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đợt I năm 2024.
Bà Phạm Thị Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Ba Chẽ, cho biết: Gà đồi dược liệu Ba Chẽ là một trong những sản phẩm đang trong quá trình đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Qua theo dõi, giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện một số mô hình thí điểm chăn nuôi gà kết hợp bổ sung dược liệu cho thấy các mô hình phát triển rất thuận lợi, sản phẩm Gà đồi dược liệu Ba Chẽ được coi là một loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Để gà đồi dược liệu có chỗ đứng trên thị trường, phát triển vững chắc, bên cạnh chú trọng đến chất lượng, địa phương rất quan tâm xây dựng thương hiệu, đăng ký xác lập quyền cho sản phẩm. Địa phương đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Cây lương thực và thực phẩm, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) để hoàn tất hồ sơ đăng ký chứng nhận nhãn hiệu “Gà đồi dược liệu Ba Chẽ” với Cục SHTT (Bộ KH&CN). Sở KH&CN đã hỗ trợ đơn vị về đăng ký sử dụng địa danh, xác nhận bản đồ vùng sản xuất và thực hiện các thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT cho sản phẩm.
Hoạt động bảo hộ SHTT là công cụ đắc lực để bảo vệ thương hiệu sản, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó góp phần triển khai hiệu quả hơn chương trình OCOP, chương trình xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()