Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:27 (GMT +7)
Xã Quảng An: Nhiều mô hình thoát nghèo bền vững
Thứ 3, 16/04/2024 | 10:38:14 [GMT +7] A A
Xã Quảng An (huyện Đầm Hà) có 9 dân tộc anh em, người dân tộc thiểu số chiếm 74%, một thời luôn nằm trong các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Từ cuối năm 2023 đến nay, xã đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí trung ương.
Năm 2023, nguồn hỗ trợ 1719 đã đầu tư nhiều công trình ở Quảng An như: Công trình Suối Mắm với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng, kiên cố hóa kênh tưới nước thôn An Sơn tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng, xây nhà văn hóa thôn Mảo Sán Cáu tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng, đầu tư hệ thống nước sạch cho 7 thôn xã Quảng An (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách chương trình xóa nghèo ở xã Quảng An, cho hay: Chúng tôi không chỉ coi việc giúp người nghèo thoát nghèo là đã xong, mà còn giúp họ ổn định cuộc sống tránh tái nghèo. Chúng tôi đề cao vai trò của các doanh nghiệp khi họ đến xã đầu tư tạo nhiều mô hình để người được thoát nghèo tham gia. Khi người dân làm ra hàng hóa, sau đó hàng hóa của họ được tiêu thụ tốt thì họ sẽ hăng hái hơn việc tăng gia sản xuất.
Cùng cán bộ xã Quảng An, chúng tôi đến tìm hiểu mô hình Tổ sản xuất cây giống nông nghiệp xã Quảng An, anh Lỷ Chăn Sầu, tổ trưởng cho biết: “Tổ sản xuất của chúng tôi có 11 xã viên đều là bà con dân tộc thiểu số, hằng năm chúng tôi sản xuất được hơn 20 vạn cây giống keo, quế cho người trồng rừng đa phần là người dân tộc thiểu số ở Quảng An. Trước đây khi chưa có tổ sản xuất, người trồng rừng ở xã phải đi các huyện xa mua cây giống, thuê xe chở cây rất tốn kém lại không chủ động được nguồn cây giống. Nay thì bà con mua gần nhà, nhiều điều kiện lựa chọn lại không phải chi phí tốn kém cho việc đi lại, thuê xe vận chuyển”.
Mô hình trồng cây bách bộ được thực hiện trên diện tích 11ha ở thôn Tán Trúc Tùng. Mô hình có 11 hộ đều là người dân tộc thiểu số tham gia. Anh Chìu A Xám, dân tộc Dao, có 1 ha trồng cây bách bộ bày tỏ: “Khi bắt tay vào trồng giống cây này, chúng tôi đã ký kết Công ty Xuất nhập khẩu nông lâm Thiên Kim là doanh nghiệp đang hoạt động tại xã Quảng An. Điều đó giúp chúng tôi yên tâm sản xuất khi biết được rằng hàng mình sản xuất ra sẽ bán cho ai, để thu hồi vốn tái sản xuất”.
Kể từ tháng 2/2024, Quảng An mở Chợ phiên vùng cao Ba Nhất hằng tháng ở thôn Làng Ngang và phát huy tiềm năng du lịch của điểm du lịch thác Bạch Vân ở thôn Tầm Làng, đây là các thôn có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giúp cho bà con có nhiều việc làm phục vụ du khách và tiêu thụ tốt các sản phẩm địa phương như gà đồi, khoai sọ, quần áo thổ cẩm...
Trước đó, xã Quảng An đã tổ chức chương trình Về miền Sán Cố người Dao và Ẩm thực miền Sán Cố tại thôn Tầm Làng nhằm tạo điểm nhấn để đưa du lịch vào đây. Tầm Làng có 100% người dân tộc thiểu số và một thời là thôn nghèo nhất huyện Đầm Hà. Thế nhưng Tầm Làng có 3 thác nước đẹp là Bạch Vân, Tình Yêu và Hàm Rồng và hơn 1.300ha rừng phòng hộ rất đẹp, thích hợp với phát triển du lịch.
Trước mắt, các cán bộ xã vận động bà con phát huy tốt bản sắc dân tộc mình, thể hiện rõ qua các văn hoá, ẩm thực, lễ hội, nghề truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng trong cộng đồng như: Trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống… trong thôn đã phát triển nghề đan thêu quần áo thổ cẩm để phục vụ cho cộng đồng và du khách. Khi du lịch được đẩy mạnh, thì khi đó ngôn ngữ, phong tục tập quán, trang phục… của bà con cũng đều trở thành sản phẩm du lịch.
Vậy là từ nhiều cách làm năng động, xã Quảng An đã giúp cho người dân trên địa bàn mà chủ yếu là người dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, không tái nghèo và vươn lên làm giàu.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()