Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 18:21 (GMT +7)
Xã hội hoá xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao
Chủ nhật, 14/07/2024 | 15:54:55 [GMT +7] A A
Những năm trở lại đây, Quảng Ninh luôn được đánh giá là điểm sáng của cả nước trong việc huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội hoá đầu tư để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao.
Kết quả tốt đẹp đó, xuất phát từ những chỉ đạo cụ thể, thiết thực, đúng đắn, thông qua ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch quan trọng. Cụ thể, năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Kế thừa và phát huy Nghị quyết 11-NQ/TU, năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục xây dựng và ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 về "Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững", trong đó, đưa ra nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và không gian công cộng phục vụ phát triển văn hóa chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp quốc tế.
Quảng Ninh đã rất thành công trong thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để tập trung đầu tư hạ tầng, khuyến khích các tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời vận dụng nguồn vốn hoạt động theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm động viên sức người, sức của của nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa. Đồng thời, huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân bằng các chính sách, ghi công danh dự cho những cá nhân và tổ chức xã hội trong việc xã hội hóa.
Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực xã hội hóa thiết chế văn hóa, thể thao. Nghị quyết số 208/2015/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn. Hay như Quyết định số 2433/2015/QĐ-UBND ngày 20/8/2015 của UBND tỉnh về một số chính sách khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn.
Những năm qua, tỉnh đã chủ động mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án vào địa bàn tỉnh, như: Amata (Thái Lan), Công ty CP Trung Đông (UEA), Texhong (Hong Kong - Trung Quốc), Vingroup, Sun Group, BIM Group, Tập đoàn Thủy sản Việt - Australia, Tập đoàn Thành Công... Từ đó, hàng loạt công trình tầm cỡ được đầu tư, như: Công viên Đại Dương của Sun Group, Vinpearl Hạ Long Bay Resort của Tập đoàn Vingroup, sân golf Ngôi sao Hạ Long...
Công tác đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao từ nguồn lực xã hội hóa ngày càng gặt hái được nhiều quả ngọt. Tính từ năm 2016 đến nay, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn, với hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 điểm chiếu phim, 30 sân tennis, 167 bể bơi, 133 sân bóng đá cỏ nhân tạo... do doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng.
Tại Quảng Ninh, ngành Than có 165 công trình văn hóa, thể thao, như: Sân cỏ nhân tạo, sân tennis, bể bơi, nhà luyện tập bóng bàn, cầu lông, nhà sinh hoạt công nhân, nhà văn hóa, phòng truyền thống của 38 công ty với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng với cơ sở vật chất hiện đại, được đầu tư nâng cấp thường xuyên. Các công trình phục vụ công nhân mỏ đã hình thành một hệ thống khá hoàn chỉnh, làm phong phú thêm hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh.
Một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư khu văn hóa - thể thao, như: Hạ Long, Đông Triều, Móng Cái, Quảng Yên, Cẩm Phả. Trong số này nổi lên điểm sáng Đông Triều với sân golf Đông Triều có 27 lỗ, diện tích 130,1ha, tổng mức đầu tư khoảng 2.239 tỷ đồng. Cùng với đó là Công ty TNHH Hà Lan đầu tư khu văn hóa, thể thao trên 250 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc đầu tư trên 100 tỷ đồng xây nhà luyện tập và thi đấu đa năng, sân bóng đá, sân golf, bể bơi, trung tâm tổ chức sự kiện với sức chứa trên 3.000 người. Công ty CP Gốm Đất Việt xây dựng sân bóng đá mini, sân quần vợt.
Quảng Ninh đã hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. Tại hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 12/5/2024, ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá: "Quảng Ninh có những chủ trương, cách làm rất phù hợp phát triển thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương cả về số lượng cũng như chất lượng hoạt động. Đặc biệt, công tác xã hội hóa trong xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở Quảng Ninh đã tạo đột phá mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh, làm thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của văn hoá trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân".
Lê Thanh
- Đầm Hà: Đầu tư, nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa
- Khơi thông nguồn lực xã hội hóa thiết chế văn hóa, thể thao
- Tháo gỡ “điểm nghẽn” về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao
- Hội thảo chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao
- Khai mạc Hội thảo chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao
- Nỗ lực trong xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở
Liên kết website
Ý kiến ()