Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:30 (GMT +7)
Xã hội hóa giáo dục công lập: Cách làm của Móng Cái
Thứ 7, 27/01/2024 | 11:48:10 [GMT +7] A A
Cùng với tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, TP Móng Cái đã triển khai có hiệu quả công tác xã hội hoá giáo dục công lập. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất, môi trường giáo dục trên địa bàn.
Với mong muốn các em học sinh vùng núi được đến trường, chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất, giúp các em giảm bớt những thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, đầu tháng 1/2024, Quỹ Hành trình rực rỡ Móng Cái đã trao tặng hơn 400m2 thảm xốp trải nền cho Trường Mầm non Bắc Sơn và Trường Mầm non Hải Sơn, tổng trị giá 23 triệu đồng. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần phục vụ cho công tác giáo dục, phát triển thể chất, tinh thần của học sinh mầm non vùng cao.
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị TP Móng Cái luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục, trong đó có công tác xã hội hóa trong việc phát triển các trường học công lập. Thành phố luôn quan tâm ưu tiên, bố trí ngân sách chi đảm bảo các hoạt động giáo dục. Mỗi năm, tỷ lệ chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo đạt trên 30% tổng chi thường xuyên của thành phố.
Đối với các trường công lập, từ năm 2013 đến nay TP Móng Cái đã huy động xã hội hóa khoảng 30 tỷ đồng bằng nhiều hình thức để tổ chức các hoạt động giáo dục tại các đơn vị và sửa chữa các hạng mục công trình, mua sắm đồ dùng dạy học, thiết bị đồ chơi, đặc biệt là đầu tư cho các trường vùng khó khăn để duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đảm bảo đúng quy định. Tiêu biểu như Ngân hàng BIDV hỗ trợ xây Trường Mầm non Quảng Nghĩa trị giá 10 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ 6 tỷ đồng; Công ty Trí Đức hỗ trợ xây khu nhà nội trú Trường TH&THCS Bắc Sơn trị giá 600 triệu đồng, xây dựng điểm trường Nga Bát trị giá gần 1,1 tỷ đồng; Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 hỗ trợ xây dựng nhà học điểm trường Thán Phún, thuộc Trường TH&THCS Bắc Sơn trị giá 1,4 tỷ đồng; Công ty CP Khang Việt xây tường bao và cổng Trường THCS Vĩnh Thực trị giá 575 triệu đồng... Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, các trường tổ chức vận động, xã hội hóa để hỗ trợ, tặng quà Tết cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng số tiền trên 300 triệu đồng/năm. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn thành phố.
Theo Luật Giáo dục và các thông tư về điều lệ trong trường học, Ban đại diện cha mẹ học sinh là thành viên quan trọng trong tổ chức của mỗi trường học. Hằng năm, Ban đại diện cha mẹ học sinh tại các trường học trên địa bàn TP Móng Cái đều tự nguyện đóng góp tài trợ hoạt động dạy và học, trang bị cơ sở vật chất cho các trường học (trung bình khoảng 4 tỷ đồng). Cơ cấu các khoản chi từ nguồn tài trợ của cha mẹ học sinh thường bao gồm: Các hoạt động thường xuyên phục vụ việc học tập của học sinh; quỹ khen thưởng cho học sinh cuối kỳ, cuối năm học; hỗ trợ thăm hỏi, ốm đau, các hoạt động đột xuất trong lớp, trường; đóng góp cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm nhỏ phục vụ trường, lớp học, sửa chữa nhỏ trường, lớp...
Với chủ trương tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, liên tục, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, mọi trình độ, TP Móng Cái đã huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục; tổ chức nhiều hội nghị triển khai các chuyên đề về xã hội học tập; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập; ban hành kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên địa bàn. Thành phố cũng chỉ đạo các xã, phường thành lập Trung tâm Học tập cộng đồng. Đến nay, 100% xã, phường trên địa bàn thành phố đều có trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả.
Toàn thành phố hiện có 1 Trung tâm GDNN-GDTX, 1 phân hiệu của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, 12 trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống. Việc thực hiện xây dựng xã hội học tập, xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng đã tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người, mọi thành phần dân cư tham gia và chọn lựa cho việc học tập nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp, kỹ năng lao động theo cả hai hướng vừa đầu tư xây dựng phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao vừa huy động các nguồn lực, các biện pháp để đáp ứng nhu cầu học tập cho công nhân, nông dân, lao động nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()