Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:22 (GMT +7)
Xã Đông Xá: Nhiều giải pháp phòng chống thiên tai
Thứ 4, 29/06/2022 | 16:13:17 [GMT +7] A A
Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Chính vì thế, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường hơn. Nhận thức rõ thực trạng đó, những năm gần đây, xã Đông Xá (huyện Vân Đồn) đã coi công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng tại địa phương.
Đông Xá là xã miền núi ven biển, có tổng diện tích 77,14km². Hệ thống đê, kè đã được đầu tư củng cố bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và ngăn nước mặn xâm nhập. Tuy nhiên, khi triều cường dâng cao, mưa bão, có thể xảy ra sạt lở, rò rỉ hoặc nước lũ có thể tràn qua mặt đập, có nguy cơ gây vỡ đập, sạt lở kênh mương, hư hỏng các tuyến đường giao thông. Bên cạnh đó, vào mùa mưa bão, xã thường xuyên xảy ra các trường hợp ngập lụt cục bộ tại các vị trí trên tuyến đường 334, khu vực thôn Đông Hà, thôn Đông Tiến, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Nơi đây còn có nhiều hộ dân nuôi trồng thủy hải sản ở các đảo xa, phần nào gây khó khăn cho việc tổ chức PCTT&TKCN trên biển khi có mưa, bão, giông, lốc.
Nhận diện được những khó khăn đó, hằng năm, UBND xã luôn chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án phòng chống thiên tai tại địa phương, phân công rõ nhiệm vụ cho từng cán bộ, ban, ngành, đoàn thể. Quan điểm là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, lấy lực lượng, phương tiện tại chỗ là chính, phát huy vai trò của lực lượng vũ trang xã và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn trong ứng cứu, xử lý các sự cố.
Ông Hoàng Quốc Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xá, cho biết: Trong công tác phòng chống thiên tai, xã xác định phòng là chính và theo phương châm 4 tại chỗ là: “Lực lượng, chỉ huy, vật tư, hậu cần tại chỗ”. Do đó, luôn tích cực, chủ động và quyết liệt, nghiêm túc, có trách nhiệm, rõ ràng trong lãnh đạo, chỉ đạo; ứng cứu nhanh, kịp thời hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, các tổ chức, tài sản của Nhà nước. Khi có dự báo bão có đổ bộ vào đất liền, trong đó có địa bàn Quảng Ninh, xã sẽ tổ chức các lực lượng, phương tiện kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu tránh trú bão an toàn và đưa người lên bờ tránh trú bão. Trong trường hợp cần thiết luôn sẵn sàng các biện pháp cưỡng chế toàn bộ người ra khỏi khu vực nguy hiểm cả trên biển và trên bộ.
Năm nay, Đông Xá đã sớm xác định, khoanh vùng, chủ động tuyên truyền cho nhân dân về những địa điểm xung yếu cần phải quan tâm, lưu ý, để chủ động ứng phó khi mùa mưa bão đến. Cụ thể: Khu vực nhà bè Cầu 3 Vân Đồn, các luồng lạch chạy tàu ra các xã đảo là nơi có thể xảy ra lốc xoáy; đê, kè, tập trung ở thôn Cặp Tiên, thôn Đông Hải, hay khu vực có hệ thống thoát nước kém gây ngập, lụt, tập trung ở thôn Đông Hà, Đông Thắng... là những khu vực có thể xảy ra ngập lụt do nước biển dâng khi có bão. Nơi có thể xảy ra sạt lở đất, như: Khu vực Cổng trời, thôn Đông Sơn, khu vực tà luy cầu Vân Đồn, khu dân cư thôn Cặp Tiên. Bên cạnh đó, khu vực có thể xảy ra đắm tàu, thuyền, vỡ bè nuôi trồng thuỷ sản, gồm: Các khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn xã, khu vực cầu Vân Đồn, khu vực nuôi lồng bè Cầu 3 Vân Đồn.
Cùng với đó, xã cũng đã lên các phương án, bảo đảm tốt về vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác PCTT&TKCN. Đồng thời, tích cực kiểm tra chặt chẽ các hồ đập, đê kè, cầu cống, các tuyến đường, khu vực cập tàu, có kế hoạch bổ sung, nâng cấp những nơi xung yếu; bảo đảm tốt thông tin liên lạc, thông báo, báo động và thường xuyên theo dõi diễn biến của các cơn bão trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, nắm chắc tình trạng kỹ thuật của hệ thống đê, kè, đập, các khu vực tránh trú bão của tàu thuyền, các khu vực cập tàu. Khi có sự cố xảy ra tập trung lực lượng phương tiện tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cứu người trước, cứu tài sản sau.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()