Theo bản ghi nhớ nội bộ ngày 10/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bắt đầu xác định các hạng mục ưu tiên, giới hạn một năm đối với hợp đồng của nhân viên nhằm đảm bảo hoạt động sau khi Mỹ rút khỏi tổ chức này vào tháng 1. Bản ghi nhớ do Trợ lý Tổng giám đốc WHO, Raul Thomas ký.
"Hoạt động trong một môi trường cực kỳ biến động, ban lãnh đạo cấp cao của WHO đang nỗ lực điều hướng những thay đổi này bằng cách thực hiện quy trình ưu tiên hóa. WHO sẽ đảm bảo mọi nguồn lực hướng tới các ưu tiên cấp bách nhất, đồng thời duy trì khả năng tạo ra tác động lâu dài", bản ghi nhớ nêu rõ.
Cũng theo bản ghi nhớ, WHO đang nỗ lực để đảm bảo nguồn tài trợ bổ sung từ các quốc gia, nhà tài trợ tư nhân và các nhà hảo tâm, nhưng không cho biết liệu những nỗ lực này đã thành công hay chưa. Tổ chức chưa nhắc đến việc cắt giảm nhân sự, nhưng cho biết "do các thách thức đang đối mặt, một số quyết định khó khăn là không thể tránh khỏi".
Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập WHO sau Thế chiến thứ hai và là một trong những thành viên tích cực nhất của tổ chức. Nước này cũng nhà tài trợ lớn nhất của WHO, đóng góp khoảng 18% tổng kinh phí. Con số dao động từ 163 triệu USD đến 816 triệu USD trong những năm gần đây, theo Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Y tế (KFF).
Mất nguồn ngân sách từ Mỹ có thể là rào cản đối với khả năng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả của WHO đối với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm và các trường hợp khẩn cấp khác trên toàn thế giới.
Ý kiến ()