Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:26 (GMT +7)
WHO sớm công bố chất tạo ngọt trong kẹo cao su, đồ uống ăn kiêng có thể gây ung thư
Thứ 7, 01/07/2023 | 10:49:24 [GMT +7] A A
Trong tháng 7, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ công bố một trong những chất làm ngọt nhân tạo phổ biến nhất thế giới là chất có thể gây ung thư.
Theo các nguồn tin tiết lộ cho hãng Reuters, chất Aspartame phổ biến được sử dụng trong các sản phẩm từ nước ngọt ăn kiêng Coca-Cola đến kẹo cao su Extra và một số đồ uống Snapple sẽ lần đầu tiên được liệt vào danh sách "có thể gây ung thư cho con người" vào tháng 7.
Quyết định của IARC được đưa ra vào đầu tháng này sau cuộc họp của các chuyên gia nhằm đánh giá liệu một chất gì đó có phải là mối nguy tiềm ẩn hay không dựa trên tất cả các bằng chứng đã công bố. Các nhà nghiên cứu của IARC không tính đến lượng sản phẩm mà một người có thể tiêu thụ một cách an toàn.
Tuy nhiên, các phán quyết tương tự trước đây của IARC đối với một số chất đã khiến người tiêu dùng lo ngại về việc sử dụng chúng, dẫn đến các vụ kiện và gây sức ép buộc các nhà sản xuất phải tạo lại công thức và đổi sang các chất thay thế. Điều đó đã dẫn đến chỉ trích cho rằng các đánh giá của IARC có thể gây nhầm lẫn cho công chúng.
Trong một động thái tương tự, Ủy ban chuyên gia về phụ gia thực phẩm của WHO và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (JECFA) cũng đang xem xét việc sử dụng aspartame trong năm nay. Cuộc họp đánh giá của JECFA bắt đầu vào cuối tháng 6 và dự kiến công bố những phát hiện của mình vào ngày 14/7, thời điểm dự kiến IARC công bố đánh giá.
Kể từ năm 1981, JECFA khẳng định aspartame an toàn để tiêu thụ trong giới hạn hàng ngày. Ví dụ, mỗi ngày, một người trưởng thành nặng 60 kg uống từ 12 đến 36 lon soda ăn kiêng, tùy thuộc vào lượng aspartame trong đồ uống, mới có nguy cơ mắc bệnh. Quan điểm này đã được nhiều cơ quan quản lý quốc gia, bao gồm ở Mỹ và châu Âu, đồng thuận.
Người phát ngôn của IARC cho biết kết luận của IARC và JECFA đều được giữ bí mật cho đến tháng 7, song cho rằng những kết luận này bổ sung cho nhau. Trong khi kết luận của IARC đại diện bước đầu để nhận biết về khả năng gây ung thư thì kết luận của JECFA sẽ đi sâu hơn, tiến hành đánh giá rủi ro, xác định khả năng xảy tác động cụ thể, như bệnh ung thư, trong điều kiện và mức độ liều lượng sử dụng.
Cuộc tranh luận không hồi kết
Ngành công nghiệp và các cơ quan quản lý lo ngại việc tổ chức cả hai quy trình cùng một lúc có thể gây nhầm lẫn.
Trong một bức thư ngày 27/3 gửi cho Phó Tổng giám đốc WHO Zsuzsanna Jakab, Nozomi Tomita - một quan chức của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã viết: “Chúng tôi đề nghị cả hai cơ quan phối hợp trong việc xem xét aspartame để tránh bất kỳ sự nhầm lẫn hoặc lo ngại nào trong công chúng”.
Các kết luận của IARC được cho là tạo ra nhiều ảnh hưởng đáng kể. Năm 2015, ủy ban này đã kết luận glyphosate "có thể gây ung thư". Nhiều năm sau, ngay cả khi các cơ quan khác như Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) phản đối kết luận này, các công ty vẫn cảm thấy chịu sức ép. Năm 2021, công ty sinh dược phẩm Bayer của Đức đã thua trong lần kháng cáo thứ ba đối với các phán quyết của một tòa án Mỹ bồi thường thiệt hại cho những khách hàng đổ lỗi cho bệnh ung thư của họ là do sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate.
Tuy nhiên, các kết luận của IARC cũng vấp phải sự chỉ trích vì đã gây ra cảnh báo không cần thiết về các chất hoặc tình huống khó tránh khỏi. Kết luận của IARC về khả năng gây ung thư chia ra 4 mức độ khác nhau, bao gồm gây ung thư, có thể gây ung thư (với tỷ lệ trên 50%), có thể gây ung thư (với tỷ lệ dưới 50%) và không phân loại được. Các mức độ dựa trên bằng chứng, thay vì mức độ nguy hiểm thực sự của một chất.
Nhóm gây ung thư bao gồm các chất từ thịt đã qua chế biến đến amiăng. IARC cho biết tất cả đều có bằng chứng thuyết phục cho thấy chúng gây ung thư.
Trong khi đó, trường điện từ tần số vô tuyến liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động được xếp vào lớp có thể gây ung thư (với tỷ lệ dưới 50%), giống như aspartame. Điều này có nghĩa là có bằng chứng hạn chế về việc chúng có thể gây ung thư ở người nhưng lại đầy đủ bằng chứng đối với động vật.
Frances Hunt-Wood, Tổng thư ký của Hiệp hội Chất làm ngọt Quốc tế (ISA), đánh giá: “IARC không phải là cơ quan an toàn thực phẩm. Đánh giá của họ về aspartame không toàn diện về mặt khoa học và chủ yếu dựa trên nghiên cứu, từ đó gây mất uy tín”. ISA cho biết họ quan ngại trước đánh giá của IARC do kết luận có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm.
Từ xưa đến nay, Aspartame luôn là mục tiêu của các nhà nghiên cứu. Năm ngoái, một nghiên cứu ở Pháp trên 100.000 người trưởng thành cho thấy những người tiêu thụ một lượng lớn chất làm ngọt nhân tạo – bao gồm aspartame – có nguy cơ mắc ung thư cao hơn một chút. Tuy nhiên, nghiên cứu này không thể chứng minh cụ thể aspartame làm tăng nguy cơ ung thư.
Aspartame được các cơ quan quản lý cho phép sử dụng trên toàn cầu.
Những điều chỉnh công thức gần đây của “gã khổng lồ” nước giải khát Pepsico cho thấy sự khó khăn của ngành khi phải cân bằng sở thích hương vị với các mối quan tâm về sức khỏe. Pepsico đã loại bỏ aspartame khỏi nước ngọt vào năm 2015, rồi một năm sau lại dùng trở lại. Đến năm 2020, Pepsico một lần nữa bỏ dùng chất này.
Các nguồn tin thân cận với IARC cho biết việc liệt kê aspartame là chất có thể gây ung thư nhằm thúc đẩy nhiều nghiên cứu hơn, điều này sẽ giúp các cơ quan, người tiêu dùng và nhà sản xuất đưa ra kết luận chắc chắn hơn. Nhưng nó cũng có thể sẽ một lần nữa châm ngòi cho cuộc tranh luận về vai trò của IARC, cũng như sự an toàn của chất tạo ngọt nói chung.
Tháng trước, WHO đã khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng chất tạo ngọt để kiểm soát cân nặng. Văn bản hướng dẫn đã gây ra một làn sóng tranh cãi trong ngành công nghiệp thực phẩm vì họ cho rằng chúng giúp ích cho những người tiêu dùng muốn giảm lượng đường trong chế độ ăn uống.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()