Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:47 (GMT +7)
WHO: Các bệnh không lây nhiễm gây ra 74% ca tử vong trên toàn cầu
Thứ 4, 21/09/2022 | 22:15:07 [GMT +7] A A
Ngày 21/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố báo cáo mới cho thấy các bệnh không lây nhiễm (NCDs) như các bệnh về tim mạch, ung thư và tiểu đường gây ra 74% số ca tử vong trên toàn cầu. Qua đó, WHO nhấn mạnh việc giảm thiểu những yếu tố nguy cơ liên quan các bệnh này có thể giúp cứu sống hàng triệu người.
Theo báo cáo, NCDs là những bệnh có thể ngăn chặn được và thường xuất hiện do lối sống thiếu lành mạnh hoặc điều kiện sống không đảm bảo. Những bệnh này là nguyên nhân khiến 41 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm, trong đó có 17 triệu người dưới 70 tuổi. Các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và hô hấp hiện là những bệnh gây chết người hàng đầu thế giới, vượt qua cả những bệnh truyền nhiễm.
Phát biểu với các phóng viên tại Geneva, Giám đốc trung tâm theo dõi NDCs của WHO, Bente Mikkelsen, cho biết cứ mỗi 2 giây lại có một người dưới 70 tuổi tử vong vì một căn bệnh trong nhóm NDCs. Tuy nhiên, quan chức WHO cho rằng các chính phủ và tổ chức quốc tế tại chưa thực sự chú trọng đầu tư tài chính cho việc ngăn chặn các bệnh NCDs, gọi đây là một thảm kịch. NCDs không chỉ là những bệnh gây chết người nhiều nhất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới cách ứng phó với các bệnh truyền nhiễm như COVID-19. Những người mắc các bệnh trong nhóm NCDs như tiểu đường hoặc béo phì cũng có nguy cơ cao hơn bị bệnh nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh do virus gây ra.
Những dữ liệu mới trong báo cáo của WHO đã góp phần đưa lại bức tranh rõ nét hơn về thực trạng, chỉ ra vấn đề nằm ở chỗ thế giới chưa đủ quan tâm tới những bệnh này. Theo báo cáo, khoảng 86% các ca chết yểu vì các bệnh trong nhóm NCDs xảy ra ở các nước thu nhập trung bình thấp và thấp. Điều này chỉ ra rằng đây không chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề bình đẳng, nhiều người ở các nước nghèo hơn không có cơ hội tiếp cận những phương thức phòng ngừa, điều trị và chăm sóc cần thiết
Cũng theo báo cáo, nếu chỉ coi các bệnh NCDs là bệnh do lối sống thì vẫn chưa đủ vì rất nhiều yếu tố nguy cơ vượt xa khả năng kiểm soát của con người, trong đó phải kể đến như môi trường sinh sống có thể giới hạn các lựa chọn và quyết định của con người, khiến họ khó hoặc không thể lựa chọn những giải pháp lành mạnh.
Thói quen hút thuốc lá, chế độ ăn không lành mạnh, lạm dụng đồ uống có cồn, ít vận động và ô nhiễm không khí được coi là những nguyên nhân chính dẫn tới số ca mắc các bệnh NCDs tăng cao. Riêng hút thuốc lá đã là nguyên nhân dẫn tới hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm trong khi việc ăn uống kém lành mạng như ăn quá ít, quá nhiều hoặc thức ăn quá kém chất lượng cũng dẫn tới số ca tử vong tương đương.
Trong báo cáo, WHO khẳng định có những cách rõ ràng và có kiểm chứng để giảm các yếu tố nguy cơ mà nếu tất cả các quốc gia đều triển khai thì có thể cứu được 39 triệu người trong vòng 7 năm tới. WHO kêu gọi các nước áp dụng các biện pháp can thiệp đã được chứng minh là có hiệu quả để đạt mục tiêu trên.
Báo cáo nhấn mạnh chỉ những khoản đầu tư nhỏ cho các biện pháp ngăn chặn và điều trị các bệnh NCDs cũng có thể tạo nên khác biệt lớn. Ước tính, việc đầu tư thêm 18 tỷ USD/năm cho các biện pháp ngăn chặn và điều trị các bệnh NCDs tại các nước nghèo hơn có thể tạo ra lợi nhuận kinh tế ròng khoảng 2.700 tỷ USD trong 7 năm tới.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()